Tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế

Thứ hai, 04/11/2024 10:45
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế; đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.

Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) đánh giá cao công tác điều hành rất chủ động và quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội thời gian qua. Để đạt được mục tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2024, đại biểu đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả các giải pháp tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.

Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TL.

Chỉ ra theo báo cáo của Chính phủ, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục, điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường. Trong đó, xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao cho thấy các doanh nghiệp của khu vực này đang làm ăn rất tốt, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước; thể hiện qua việc nhiều tập đoàn lớn đến nghiên cứu và cam kết đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một số công trình giao thông quan trọng như: dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm nối quốc lộ 91c đi cửa khẩu quốc tế Khánh Bình của tỉnh An Giang.

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành rất sát sao, quyết liệt, linh hoạt, cùng với sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, nền kinh tế của nước ta được phục hồi và phát triển nhanh, có nhiều điểm sáng trong phát triển KT-XH năm 2024, có 14/15 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đề cập đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao, kết quả xã đạt chuẩn nông thôn mới ở một số vùng vẫn còn chênh lệch lớn, sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt, phong trào xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương có dấu hiệu chững lại…

Từ những hạn chế nêu trên, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa theo hướng giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún…

Đồng thời cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2024, nhất là các văn bản thuộc thẩm quyền của các địa phương để đẩy nhanh quá trình tích tụ tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, tiếp tục thực hiện tốt phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới…

Cần có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang), về giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch, tỷ lệ giải ngân chung cả nước 9 tháng đầu năm là 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

“Đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”, đại biểu kiến nghị.

Cũng theo đại biểu Thi, tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn vốn sự nghiệp vẫn rất chậm, trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 11%; Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 8%. Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng nếu không có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì sẽ rất khó đạt mục tiêu năm 2024 Quốc gia giao về mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn Nam Định) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TL.

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc; thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách, quan tâm hơn đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; quan tâm đầu tư cho công tác phòng ngừa, dự báo; và đặc biệt là quan tâm hơn đối với việc đầu tư hạ tầng phòng chống thiên tai để đảm bảo sẵn sàng ứng phó tốt nhất trong mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn Nam Định) nhận định, nhu cầu của nền kinh tế còn yếu, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chi đầu tư công còn chậm... Đại biểu Trần Thị Quỳnh đề xuất giảm thuế VAT, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai.

Bên cạnh đó, tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn để triển khai nhanh chóng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội và nên có doanh nghiệp Nhà nước cùng tham gia thực hiện mục tiêu này. Ngoài ra, cần tăng vốn quyết liệt hơn, tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, giúp ổn định đồng USD nhằm hạn chế tình trạng găm giữ USD cũng như cải thiện khả năng cho vay của ngân hàng thương mại.../.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực