Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả

Thứ bảy, 15/07/2023 17:29
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, ngành Ngân hàng cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát.
Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 (Ảnh: ĐK) 

Ngày 15/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị. 

Phát biểu khai mạc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau một năm đầy khó khăn vất vả, chứng kiến và chèo chống với các sự kiện chưa từng có trong lịch sử, ngành Ngân hàng bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn thách thức. Cụ thể, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, khiến mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng cao, cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có hồi kết, sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đầu năm. Ở trong nước thị trường trái phiếu, bất động sản gặp nhiều khó khăn càng đặt áp lực, rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân suy giảm, nợ xấu tăng cao trong khi yêu cầu thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vẫn được đặt ra. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng được giao các nhiệm vụ tại Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội làm thế nào điều hành chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Song song với đó, điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo có thể giảm lãi suất trong khi phải ổn định tỷ giá, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đặc biệt, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ để cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, tỷ giá và lãi suất, chính sách tiền tệ và tài khoá, giữa tình hình bên trong và bên ngoài, theo Thống đốc, đây là yêu cầu vô cùng khó, nhất là khi dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp, tín dụng/GDP đã ở mức cảnh báo, thị trường tiền tệ, ngoại hối thường chịu tác động của tâm lý kỳ vọng...

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, ban lãnh đạo NHNN đã xác định các vấn đề, chủ trương lớn, quan trọng, nhạy cảm để chỉ đạo, điều hành. Với sự đồng lòng, quyết tâm của Ban lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các đơn vị, vụ, cục NHNN, các TCTD từ Trung ương đến địa phương, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng chung tay để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng (Nguồn: vtvgo.vn) 

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, bám sát nội dung các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong 6 tháng đầu năm 2023, NHNN đã tập trung triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. 

Cụ thể, về điều hành lãi suất, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các TCTD yêu cầu triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; phối hợp với Hiệp hội ngân hàng để vận động sự thống nhất của các TCTD hội viên tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay.

Với nỗ lực, quyết tâm của toàn Ngành, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Về tỷ giá và thị trường ngoại tệ, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các công cụ chính sách khác cũng như các biện pháp quản lý ngoại hối nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, củng cố vị thế VND, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong điều hành tín dụng, NHNN đã tiếp tục điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, ngay đầu năm, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD; đồng thời, chỉ đạo xuyên suốt của NHNN đối với các TCTD là hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước.

Với tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực, trách nhiệm, phối hợp các Bộ, ngành liên quan để triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển; chỉ đạo các NHTM triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ từ tháng 4/2023, thực hiện bằng nguồn lực của các NHTM với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: ĐK) 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và những kết quả bước đầu, đáng khích lệ của NHNN và ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ những hạn chế và bất  cập tổn tại trong hoạt động của ngành ngân hàng. 

Cụ thể, mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao. Dư nợ tín dụng tăng thấp, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới. Nợ xấu tiếp tục được xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiến độ xử lý các TCTD yếu kém còn chậm. Công tác nắm bắt, dự báo tình hình chưa sát; việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời…

Thủ tướng chỉ ra một số bài học, theo đó yêu cầu, NHNN cần bám sát, nắm chắc tình hình, dự báo chính sách, đưa chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, tăng cường giám sát kiểm tra; các TCTD cần đồng hành, chia sẻ, cảm thông với khách hàng, người dân và DN; DN và người dân cần nắm chắc pháp lý, hợp tác chặt chẽ, tin cậy với hệ thống ngân hàng; các bên hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, đặt mình vào địa vị của người khác trong lúc khó khăn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. 

Theo Thủ tướng, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; sức ép đối với công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn rất lớn. 

Tại phiên họp tháng 6/2023 vừa qua, Chính phủ đã thống nhất quan điểm chỉ đạo điều hành: Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm đời sống nhân dân, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng). 

Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng đặc biệt lưu ý  ngành Ngân hàng cần  bảo đảm cân bằng hài hoà, hợp lý giữa: (1) Lãi suất và tỉ giá; (2) Tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; (3) Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; (4) Theo dõi sát và nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài.

Về định hướng chính sách, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát. 

Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" (trước tháng 10/2022) sang "chắc chắn" (từ tháng 10/2022) và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" (từ tháng 6/2023) là cần thiết và phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. 

Thủ tướng cũng lưu ý, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn cần có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực