Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn (Ảnh: BT)
Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết về những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thời gian qua?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Hiện nay, dịch vụ môi trường rừng là xu hướng tất yếu để tạo nguồn tài chính bền vững, nhất là trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng ta phải khôi phục và phát triển rừng đồng thời không khai thác rừng tự nhiên nữa thì phải tìm nguồn tài chính bền vững. Chúng ta vẫn giữ được rừng nhưng vẫn tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, đó là dịch vụ môi trường rừng.
Rất nhiều nước trên thế giới đã làm và chúng ta cũng đã triển khai dịch vụ môi trường rừng qua 9 năm. Trong đó, có 2 năm thí điểm tại Sơn La và Lâm Đồng; đến năm 2010 có Nghị định 99 của Chính phủ thực hiện trên toàn quốc. Những năm gần đây, chúng ta đã thu được dịch vụ môi trường rừng khoảng 1.300 tỷ trong một năm. Có thể khẳng định, đây là nguồn tài chính sẽ tiếp tục tăng lên theo cơ chế thị trường giữa người mua và bán.
Nếu so sánh với hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương cho các địa phương trong những năm qua thì nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã lớn hơn. Trong điều kiện khó khăn trong năm 2017, thu từ dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tác động đến diện tích trên 5 triệu 800 nghìn ha, chiếm trên 40% diện tích rừng hiện có. Vì vậy, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng vừa giải quyết cho vấn đề bức xúc bảo vệ và phát triển rừng vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở miền núi, đời sống còn rất nhiều khó khăn.
Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị định 147 sửa đổi bổ sung Nghị định 99 theo hướng nâng mức thu của một số dịch vụ môi trường rừng lên khoảng 1,5 lần. Nếu như triển khai ngay Nghị định 147 của Chính phủ thì năm 2017 này chúng ta sẽ có nguồn thu tăng lên tương ứng. Nghĩa là nếu thực hiện từ 1/1/2017 thì chúng ta sẽ thu được khoảng 1.700 tỷ trong năm nay.
Chúng ta đã thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có luận cứ khoa học, kiên trì, kiên quyết và là xu hướng tất yếu mà chúng ta triển khai. Nó là cơ chế giữa người mua và người bán nhưng cần có “bàn tay” của nhà nước để đảm bảo hài hòa giữa người mua và bán, góp phần đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Với việc nhà nước quản lý, tạo điều kiện cho hai bên tiếp cận dần với cơ chế thị trường. Và về lâu dài, đây là cơ chế điều tiết về thị trường giữa người mua và người bán. Chúng ta giảm dần vai trò của nhà nước trong dịch vụ này nhưng trước mắt chưa thể để cho thị trường tự điều tiết.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, nhà nước có cơ chế, chính sách gì để tạo điều kiện cho việc khai thác nguồn dưới tán rừng giúp người dân sống dựa vào nghề rừng nâng cao thu nhập và hướng đến làm giàu?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong giai đoạn trước mắt, việc dừng khai thác, đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên không có nghĩa là chúng ta cấm toàn bộ những hoạt động nông lâm kết hợp. Sản xuất kết hợp làm cho rừng tốt lên, đồng thời vừa tăng thu nhập và đẩy mạnh dịch vụ phi lâm sản. Với dịch vụ phi lâm sản, chúng ta đang hình thành cơ chế chi trả hấp thụ khí nhà kính - tín chỉ CO2. Nếu chúng ta triển khai được tín chỉ CO2 trong một vài năm nữa thì nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Chúng ta sẽ thu được khoảng cỡ từ 2,6 nghìn đến 3 nghìn tỷ.
Chúng ta đóng cửa rừng tự nhiên còn rừng sản xuất, người dân hoàn toàn có quyền tự chủ. Chúng ta giảm thủ tục hành chính để cho người dân tự tính toán có hiệu quả nhất trên mảnh đất, mảnh rừng trồng của mình để thực hiện chương trình tái cơ cấu nâng cao giá trị. Hiện nay, chúng ta đang khuyến khích mạnh việc phát triển lâm sản ngoài gỗ, nhất là cây dược liệu, cây có giá trị cao dưới tán của rừng tự nhiên. Đây là nguồn bền vững và chúng ta đang khuyến khích để đi theo hướng đó.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT có đề xuất gì với Quốc hội về vấn đề dịch vụ môi trường rừng để phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Quốc hội đã có chương trình sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tại kỳ họp tháng 5 này, Quốc hội sẽ cho ý kiến và theo kế hoạch Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa đổi vào kỳ họp cuối năm nay.
Điểm mới của Luật này là đưa những dịch vụ phi lâm sản, những nguồn thu từ phi lâm sản, dịch vụ từ môi trường rừng là bổ sung mới quan trọng của Luật. Như vậy, trên cơ sở của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, chúng ta tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách dưới Luật để mở rộng các dịch vụ phi lâm sản, dịch vụ tín chỉ CO2, khuyến khích dịch vụ trực tiếp giữa chủ rừng và người sử dụng dịch vụ môi trường rừng, nhất là du lịch sinh thái để chúng ta tăng nguồn thu này, giúp tăng thu nhập của người làm rừng./.