Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng

Thứ tư, 18/05/2022 21:17
(ĐCSVN) - Để đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng đề ra trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, phải triển khai mạnh mẽ các giáp pháp từ trung ương đến địa phương, trong đó có việc đẩy mạnh thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đó là nhấn mạnh của ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng tại Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng 2022", ngày 18/5.

Tọa đàm do Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Báo Kinh tế đô thị tổ chức theo hình thức tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng Fanpage của Câu lạc bộ Cafe số (Hội Truyền thông số Việt Nam), Fanpage của EVN và Fanpage của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng 2022” (Ảnh: K.D)

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, ông Lê Đức Sảo – Phó Chủ tịch,Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định, trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được khống chế, nền kinh tế, sản xuất có những dấu hiệu dần hồi phục và tăng tốc thì tiêu thụ điện cũng theo đó tăng lên. “Nhu cầu điện cho nền kinh tế đang phục hồi là bài toán đặt ra cho các nhà quản lý và Tập đoàn Điện lực Việt Nam” – ông Sảo nhấn mạnh.

Căn cứ vào dự báo phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội, để đạt được tăng trưởng kinh tế GDP từ 6 đến 6,5%, đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lấy lại đà tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế, EVN đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng phụ tải điện.Trong đó, kịch bản cơ sở, tăng trưởng điện ở mức 8,3% tương đương sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh; kịch bản cao tăng trưởng 12,4%, tương đương sản lượng điện đạt 286 tỷ kWh.

Để đáp ứng nhu cầu điện theo hai kịch bản tăng trưởng này, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, từ quý IV/2021, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều động hệ thống điện quốc gia, các nhà máy BOT, nhà máy điện độc lập, đề nghị các đối tác rà soát, vận hành bảo dưỡng để đảm bảo vận hành hệ thống điện cao nhất ngay từ đầu năm.

Đồng thời như thường niên, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo chương trình xả nước đổ ải Đông Xuân, làm việc với các tỉnh, thành phố liên quan dọc tuyến sông Hồng để có kế hoạch lấy nước và tiết kiệm nguồn nước cao nhất; đảm bảo các nguồn cung nhiên liệu dự phòng cho các nhà máy điện than, nhiệt điện chạy dầu sẵn sàng đảm bảo vận hành.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lâm, khó khăn lớn nhất là vào thời điểm năm 2021, lượng thuỷ văn suy giảm bất thường so với nhiều năm. Các hồ thuỷ điện lớn trên sông Đà đều có mức tích nước được dưới mực nước dâng bình thường từ 2 - 4m. Bên cạnh đó, vấn đề về than cũng là một khó khăn lớn. Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng than lại tăng trở lại trong khi năng lực sản xuất than của các quốc gia trên thế giới giảm sút. Điều này cũng mang đến áp lực trong việc đảm bảo than cho các nhà máy điện của nước ta.

Chia sẻ về những khó khăn đặt ra trong đảm bảo cung cấp điện của EVN, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của nền kinh tế tăng cao để phục hồi sau đại địch, tình hình thế giới nhiều biến động về giá cung, nguồn cung năng lượng sơ cấp khan hiếm đặt ra nhiều thách thức về nguồn cung, giá nhiên liệu.

Đồng quan điểm, ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho biết thêm, tác động của xung đột Nga-Ukraina đã tạo ra áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông Sơn, hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với câu chuyện thiếu nguồn cung năng lượng cục bộ. Các chuỗi dự án năng lượng tái tạo đa phần phần tập trung ở miền Trung và niềm Nam trong khi thuỷ điện cũng đang là thách thức.

"Tôi hy vọng trong thời gian tới EVN và Bộ Công Thương sẽ có phương án để đảm bảo nhu cầu cung ứng nguồn năng lượng sơ cấp trong dài hạn" - ông Sơn nói.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chứng kiến một số dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023… Về cơ bản, tăng trưởng GDP (thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng lên) cũng đồng nghĩa tăng trưởng điện cũng phải tăng theo để đáp ứng các nhu cầu sản xuất, kinh doanh…

Để có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu đề ra, việc đảm bảo nguồn cung năng lượng, trong đó có điện năng là yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, ngay trong những tháng đầu năm đã xuất hiện rất rõ những nguy cơ tác động tới việc đảm bảo nguồn cung và giá của rất nhiều mặt hàng nhiên liệu/năng lượng như dầu thô, than đá, xăng dầu…

Nhìn nhận về những tác động này tới việc đảm bảo năng lượng nói chung, điện năng nói riêng cho sản xuất và đời sống của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chuyên gia cao cấp năng lượng, Thường trực Hội đồng Khoa học - Biên tập, Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết, nguồn cung năng lượng từ Nga nghẽn lại sẽ ảnh hưởng đến bức tranh chung về chuyển dịch thị trường năng lượng sơ cấp toàn thế giới. Do đó, theo ông Tuấn, về dài hạn cần có chiến lược ổn định nguồn cung năng lượng sơ cấp, đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phục hồi phát triển kinh tế và an ninh năng lượng trong nước.

Trong khi đó, chia sẻ từ thực tế hoạt động của EVN, Phó Tổng Giám đốc Võ Quang Lâm cho hay: "Đối với ngành điện, chúng tôi phải đối mặt với 2 vấn đề. Thứ nhất là với 78 nghìn MW, chúng ta đứng đầu Asean về công suất lắp đặt. Nhưng khi thời tiết biến động, điện mặt trời cũng không phát huy được 17 nghìn MW, điện gió cũng chỉ huy động được rất khiêm tốn. Đây chính là tính bất định của năng lượng tái tạo. Do đó, trong 4 tháng vừa qua, năng lượng truyền thống vẫn đóng vai trò chủ chốt và quyết định trong đảm bảo cung ứng điện quốc gia".

Có thể thấy, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng năng lượng của các quốc gia đều tăng, cùng với đó là xu hướng tự chủ, giảm xuất khẩu năng lượng của nhiều nước để giữ năng lượng lâu dài cho bản thân các quốc gia đó, đã đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam trong đảm bảo cung ứng năng lượng.

“Trong bối cảnh từ nay và có thể là các năm sau, khi nguồn cung năng lượng thế giới dồi dào như Nga nghẽn lại sẽ làm chuyển dịch nguồn thị trường năng lượng sơ cấp của thị trường thế giới. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của bức tranh chuyển dịch chung này. Chính vì vậy, về dài hạn, cần phải có chiến lược để ổn định nguồn cung năng lượng sơ cấp nhằm đảm bảo cung ứng năng lượng tại Việt Nam” - ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng nhấn mạnh tại buổi tọa đàm.

Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Trịnh Quốc Vũ cũng cho rằng, để đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng đề ra trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, phải triển khai mạnh mẽ các giáp pháp từ trung ương đến địa phương, trong đó có việc đẩy mạnh thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với đó là giải pháp tài chính để hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ, thay thế dây chuyền thiết bị công nghệ, hiệu quả năng lượng cao. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua tuyên truyền, nâng cao năng lực, trình độ thông qua hoạt động đào tạo cho các đơn vị sử dụng năng lượng,....thúc đẩy mô hình phát triển thị trường năng lượng./.

K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực