Tìm giải pháp phát triển hạ tầng vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm, 21/10/2021 18:41
(ĐCSVN) – Thực hiện Nghị số 21 của Chính phủ đã giúp hệ thống quốc lộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng 52%, phát triển 12 cảng biển với 37 bến tàu. Tuy nhiên, hệ thống giao thông vận tải tại khu vực này vẫn cần tiếp tục thực hiện nhiều mục tiêu, giải pháp để giao thông là động lực đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững.
 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị

Sáng 21/10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết các nhiệm vụ của ngành GTVT thực hiện Nghị quyết ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) các thời kỳ 2001 - 2010 và 2011 - 2020.

Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ ngành liên quan cùng lãnh đạo của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị, đến nay cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Về đường bộ từ năm 2002 đến nay đã cơ bản hình thành các tuyến trục dọc nối ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, các tuyến trục ngang kết nối nội vùng. Đến năm 2020, hệ thống quốc lộ trong vùng có tổng chiều dài khoảng 2.688 km tăng 52% so với năm 2002. Hệ thống đường bộ được kết nối thông qua các tuyến trục dọc như cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, Quốc lộ 1, tuyến N1, tuyến N2 (đường Hồ Chí Minh) và tuyến duyên hải (Quốc lộ 50, Quốc lộ 60). Hoạt động vận tải thủy nội địa chủ yếu tập trung trên 2 tuyến trục dọc, 6 tuyến trục ngang và các tuyến nhánh liên kết. Hầu hết các tuyến vận tải thủy nội địa chính trong vùng đã đảm bảo chuẩn tắc theo kỹ thuật và đảm nhận lên đến gần 80% thị phần khối lượng hàng hóa luân chuyển trong vùng.

Về hàng hải vùng ĐBSCL đã phát triển được hệ thống gồm 12 cảng biển với 37 bến cảng, tổng chiều dài 7.642 m, 23 bến phao và 16 khu neo đậu chuyển tải, khu tránh, trú bão. Đối với hàng không, đã nâng cấp các cảng hàng không (CHK) trong khu vực bao gồm: CHK quốc tế Cần Thơ, CHK quốc tế Phú Quốc, CHK Cà Mau, CHK Rạch Giá với tổng công suất 7,45 triệu hành khách/năm, 12.000 tấn hàng hoá/năm.

 Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa Bộ GTVT với các Bộ ngành liên quan và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như chất lượng công tác lập quy hoạch chưa cao, thiếu tính đồng bộ; tốc độ đầu tư, xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc còn chậm, chưa đạt tiến độ theo Nghị quyết 21 đề ra, mạng lưới quốc lộ chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, nhiều tuyến có tiêu chuẩn thấp; hệ thống hạ tầng kết nối, hạ tầng sau cảng biển, hạ tầng phục vụ logistic còn thiếu đồng bộ; chưa khai thác hết công suất các cảng hàng không trong vùng; khả năng kết nối đường bộ trong vùng ĐBSCL và với TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ còn hạn chế.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi làm rõ hơn những kết quả đã đạt được, những khó khăn vướng mắc. Qua đó, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển giao thông vận tải vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo từ Viện Chiến lược và Phát triển GTVT và lãnh đạo của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đại biểu sau khi tham gia Hội nghị cần đánh giá rõ, thẳng thắn những việc đã làm được, những trình, dự án nào chưa làm được theo Nghị quyết 21 để từ đó định hướng ưu tiên đầu tư thời gian tới, cụ thể từng địa phương của ĐBSCL cần phải có báo cáo, kế hoạch chi tiết những dự án giao thông nằm trong kế hoạch phát triển xây dựng của tỉnh từ đó trình lên Bộ GTVT đề xuất thực hiện dự án.

“Cần căn cứ danh mục đầu tư công trung hạn 2021-2025, danh mục dự án trọng điểm theo các quy hoạch chuyên ngành 5 lĩnh vực giao thông liên quan đến vùng ĐBSCL, lên danh mục tất cả các dự án ưu tiên", Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần có giải pháp mang tính chất đột xuất như phát hành trái phiếu, xây dựng cơ chế đặc thù cho từng dự án để phát triển hệ thống giao thông tại từng địa phương. Việc xây dựng các tuyến cao tốc tại khu vực ĐBSCL sẽ do các tỉnh thực hiện từ khâu khảo sát địa hình, chọn tư vấn thiết kế, thi công,.. cho tới hoàn thiện công trình thay vì Bộ GTVT thực hiện hoàn toàn như hiện nay, vì vậy các địa phương cần phải có phương án chuẩn bị sẵn sàng thực hiện dự án thay vì trông chờ sẵn vào Trung ương như hiện nay ” – Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết./.

Tin, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực