Nguồn vốn chính sách xã hội đã trở thành kênh tín dụng tin tưởng của người dân huyện Ân Thi.
Chị Nguyễn Thị Thơm ở xã Bắc Sơn (Ân Thi) được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Ân Thi. Chị Thơm đã sử dụng số tiền này để đầu tư thực hiện cải tạo, chuyển đổi hơn 4.000 m2 ruộng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây ăn quả như nhãn, vải, xoài... Chị Thơm chia sẻ: Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Thực hiện chủ trương chuyển đổi đất gieo cấy lúa kém hiệu quả sang trồng giống cây mới, có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, may nhờ được vay nguồn vốn chính sách ưu đãi thông qua Hội Nông dân xã nên gia đình tôi đã có vốn để đầu tư. Từ năm ngoái, vườn nhãn của gia đình tôi đã bắt đầu cho thu nhập. Thời gian tới, sau khi trả cả gốc và lãi, tôi sẽ làm thủ tục tiếp tục vay vốn để mở rộng sản xuất.
Cũng vươn lên từ nguồn vốn chính sách xã hội, chị Trần Thị Thắm ở xã Đặng Lễ bắt đầu “khởi nghiệp” với số tiền 40 triệu đồng được vay thông qua ủy thác của Hội liên hiệp Phụ nữ xã. Theo chị Thắm, với người dân nông thôn, để phát triển sản xuất thì điều khó khăn nhất là nguồn vốn ban đầu vì nếu vay ngoài thì hiệu quả sản xuất không đủ trả tiền lãi. “May nhờ có nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH mà tôi mới có cơ hội phát triển kinh tế gia đình”, chị Thắm tâm sự.
Chị Thơm, chị Thắm là hai trong số hàng nghìn lượt nông dân được vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ân Thi đã và đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội, duy trì việc cân đối nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi từ ngân sách địa phương chuyển sang ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vay. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ân Thi đã chủ động bố trí 1 điểm giao dịch để thực hiện các nghiệp vụ như giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm... phục vụ các đối tượng ngay tại xã vào một ngày cố định trong tháng.
Đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã triển khai nhiều chương trình tín dụng: Cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay giải quyết việc làm, cho vay đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo… Để đồng vốn đến đúng đối tượng và tiết kiệm thời gian, chi phí thấp nhất cho người thụ hưởng, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức hội, đoàn thể ủy nhiệm qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ tiết kiệm và vay vốn phân bổ đều khắp ở hầu hết các thôn, xóm đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều hộ dân ở huyện Ân Thi đã đầu tư phát triển trang trại, vươn lên thoát nghèo.
Điểm nổi bật trong đẩy mạnh các hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Ân Thi đó là huyện đã thực hiện việc đưa Chủ tịch UBND xã, thị trấn tham gia là thành viên ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện. Nhờ đó, đã không chỉ nâng cao được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, mà còn giúp Ngân hàng CSXH chủ động nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý kịp thời. Tính đến quý III năm 2019, tổng dư nợ tín dụng CSXH trên địa bàn huyện Ân Thi ước đạt trên 333,88 tỷ đồng, với gần 12.200 lượt khách hàng đang vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 1.205 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn phát triển kinh tế; góp phần xây dựng 1.532 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; giúp 11 hộ gia đình có thu nhập thấp có nhà ở và 734 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện cho con tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện... Tính đến nay, trên địa bàn toàn huyện không có tình trạng nợ quá hạn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ân Thi Mai Xuân Giới, nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH mà nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nguồn vốn chính sách xã hội được phân bổ kịp thời cho các đối tượng vay vốn, vừa góp phần tiếp vốn cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Từ đó, đóng góp tích cực vào công tác tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển.
Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội ở huyện Ân Thi hiện cũng đang gặp không ít khó khăn do người dân có nhu cầu lớn về vay vốn nhưng nhiều hộ chưa có phương án sử dụng vốn khả thi; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhận ủy thác vốn tín dụng có thời điểm chưa được phát huy thường xuyên...
Để việc thực hiện các chương trình tín dụng xã hội đạt hiệu quả cao hơn, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Ân Thi sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội; chú trọng kiểm tra, giám sát, hướng dẫn đối tượng vay sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền đi vào chiều sâu để hộ vay hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ khi vay vốn Ngân hàng CSXH; thực hiện có hiệu quả điểm giao dịch tại UBND các xã, thị trấn; công khai cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách hộ vay, công khai thủ tục giải quyết công việc nhằm tạo điều kiện cho công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền và nhân dân./.