Tin ở triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau 46 năm thống nhất đất nước

Thứ sáu, 30/04/2021 10:59
(ĐCSVN) - Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số trở thành cú hích quan trọng, là trụ cột nền tảng để thúc đẩy quá trình phục hồi “vết thương” do dịch bệnh. Kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết cần phải đảm bảo để có tăng trưởng.

Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước  Nhìn lại chặng đường kinh tế đất nước ta suốt chặng đường 46 năm qua (30/4/1975-30/4/2021) càng thấm thía những giá trị lịch sủ to lớn cũng như chiêm nghiệm ra những mặt tiến bộ và hạn chế còn tồn tại, cần khắc phục để nền kinh tế nước ta thực sự đạt được mục tiêu phát triển năng động, bền vững.

 Nhiều khu đô thị hiện đại như thế này xuất hiện nhiều ở Việt Nam trong suốt những năm đổi mới qua (Ảnh: HNV)

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khoá V (6/1986) đã đánh giá tình hình sau cuộc điều chỉnh giá-lương-tiền (9/1985) và khẳng định chính thức đổi mới cơ chế quản lý, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Theo đó, với những bước đi đổi mới từng phần theo những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, những sáng kiến, sự năng động, sáng tạo của nhân dân của các địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh, đã làm cho nền kinh tế Việt Nam những năm 1981-1985 có bước phát triển khá. Sản lượng lương thực bình quân mỗi năm đạt 17 triệu tấn, sản lượng công nghiệp tăng bình quân 9,5%/năm. Thu nhập quốc dân tăng bình quân hàng năm 6,4%. Cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội được xây dựng đáng kể với hàng trăm công trình tự động hóa và hàng nghìn công trình vừa và nhỏ, trong đó có những cơ sở quan trọng về điện, dầu khí, xi măng, cơ khí, dệt, giao thông. Về năng lực sản xuất, đã tăng thêm 456.000 kW điện, 2,5 triệu tấn than, 2,4 triệu tấn xi măng, 33.000 tấn sợi, 58.000 tấn giấy, thêm 309.000 ha được tưới nước, 186.000 ha được tiêu úng.

Tuy vậy, tình hình kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, khủng hoảng kinh tế-xã hội vẫn trầm trọng mà biểu hiện là: kinh tế tăng trưởng thấp và thực chất không có phát triển. Nếu tính chung từ năm 1976 đến 1985 tổng sản phẩm xã hội tăng 50,5%, bình quân hàng năm chỉ tăng ở mức 4,6%; thu nhập quốc dân tăng 38,8% bình quân hàng năm chỉ tăng 3,7%, trong khi tỷ lệ dân số tăng trung bình hàng năm 2,3%; không có tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế vì làm không đủ ăn, thu nhập quốc dân sản xuất chỉ bằng 80 - 90% thu nhập quốc dân sử dụng; siêu lạm phát hoành hành. Suốt trong thời kỳ 1976-1985 chỉ số giá bán lẻ hàng hóa năm sau so năm trước luôn tăng ở mức hai con số và giao động ở mức 19-92%. Năm 1986 lạm phát đạt đỉnh điểm với tốc độ tăng giá 774,7% và đời sống Nhân dân hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Đại hội lần thứ VI của Đảng ta (1986) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của kinh tế Việt Nam với đường lối đổi mới. Theo đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (2/2021) khẳng định, 35 năm đổi mới (1986 - 2021) là giai đoạn quan trọng của sự nghiệp phát triển đất nước, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Ðảng, Nhà nước và nhân dân, là sáng tạo có tính tất yếu, toàn diện để gạt bỏ, tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng năng lực sản xuất, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

 Một vùng sản xuất chè an toàn ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên - những mô hình nông nghiệp tốt trong quá trình đổi mới của đất nước (Ảnh: HNV)

Theo các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước, đổi mới là công cuộc có tính tổng thể, được chuẩn bị bài bản, theo cách thức, với từng đường đi nước bước cụ thể, được cân nhắc chắc chắn, triển khai một cách sâu rộng và đồng bộ, cho nên 35 năm qua, công cuộc đổi mới đã thật sự gắn bó với vận mệnh dân tộc, vận mệnh đất nước, gắn bó với mỗi người Việt Nam và được bạn bè quốc tế hết sức quan tâm.

Qua 35 năm đổi mới, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bộ mặt đất nước, đời sống của nhân dân thật sự thay đổi; dân chủ XHCN được phát huy và mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao…

Đây cũng chính là cơ sở để năm 2020, với phương châm “vì tính mạng con người, không để ai bị bỏ lại phía sau”, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19, khắc phục hậu quả bão lụt ở các tỉnh miền trung, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. 

Tất nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh những thành tựu, chúng ta còn có hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể như: Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học hoạch định đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn để tiếp tục làm rõ. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động; kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển còn thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn một số nhân tố, nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Trên một số mặt, lĩnh vực, còn một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới…

Đáng chú ý, năm 2020 đi qua đánh dấu nhiều bất ổn chưa từng có với kinh tế thế giới và Việt Nam. Đại dịch COVID-19 lan rộng tại nhiều nước trên thế giới là một cú sốc lớn, làm gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu. Các xung đột thương mại giữa các nước, các khu vực; thiên tai, dịch bệnh đã liên tiếp tác động tới Việt Nam. Điểm sáng đáng vui mừng, đó là bất chấp khó khăn, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng, đạt mức 2,91% nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có các chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Như phân tích của nhiều tổ chức quốc tế, mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 vẫn là khá cao so với bối cảnh chung của thế giới khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm và đặc biệt Việt Nam đã nổi lên như là “điểm sáng” về kiểm soát tốt dịch bệnh. Phương châm “mục tiêu kép” vừa phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất được Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt cả năm.

Tiếp đà thành công đó, nhiều tổ chức quốc tế, định chế tài chính đã dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021 khá tích cực. Đơn cử như, Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam sẽ  tăng trưởng khoảng 6,8% trong 2021 và ổn định mức 6,5% các năm tiếp theo. Hay như Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6,5%, khi hoạt động kinh tế trong nước và nước ngoài tiếp tục quay trở lại bình thường. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong 2021 bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch và tăng lên 7% trong năm 2022.

Số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/4/2021, sản xuất công nghiệp tháng 4/2021 ước tính tăng cao 24,1% so với cùng kỳ 2021; nhiều chỉ số của 4 tháng như lượng doanh nghiệp thành lập mới, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tăng cao nhất so với nhiều năm; riêng xuất nhập khẩu đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp tăng lên… cũng là những minh chứng đầy tích cực và lạc quan cho triển vọng tươi sáng về tăng trưởng.

Mặc dầu vậy, diễn biến dịch bệnh vẫn đang tiếp tục khó lường và ngày càng phức tạp, tiềm ần nhiều nguy cơ hơn. Do đó, thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị lại càng quyết liệt hơn để đảm bảo dù trong trường hợp nào cũng vẫn giữ được sự chủ động, chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất cho đất nước; phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững./.

 

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực