Tình hình kinh tế tháng 8/2024 vẫn duy trì đà tăng trưởng

Thứ tư, 11/09/2024 17:20
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng 2024 của Tổng cục Thống kê nêu rõ, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ở cả 3 khu vực. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; Khu vực công nghiệp phục hồi tốt; Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư.
Infographic sản xuất nông nghiệp tháng 8 và 8 tháng 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất nông nghiệp trong tháng 8 tập trung vào thu hoạch lúa hè thu, gieo cấy, chăm sóc lúa vụ mùa và cây hàng năm khác. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, chăn nuôi nhìn chung ổn định, đàn lợn và gia cầm tiếp tục phát triển. Các địa phương đẩy mạnh khai thác gỗ và lâm sản đến kỳ thu hoạch. Khai thác, nuôi trồng thủy sản tăng khá đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2024 tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ 2023. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 ước tính tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, so với cùng kỳ 2023, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,5%. Tính chung 8 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,5% so với cùng thời điểm 2023.

Infographic sản xuất công nghiệp, đăng ký doanh nghiệp, hoạt động đầu tư tháng 8 và 8 tháng 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) 

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, cả nước có 13,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 124,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 71,8 nghìn lao động, giảm 15,2% về số doanh nghiệp, giảm 6,2% về vốn đăng ký và giảm 12,1% về số lao động so với tháng 7/2024. So với cùng kỳ 2023, giảm 12,8% về số doanh nghiệp, giảm 16,2% về số vốn đăng ký và giảm 22,6% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 3,9% so với cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 12,7% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 8 tháng năm 2024, cả nước có gần 110,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 994,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 672,4 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, tăng 0,7% về vốn đăng ký và giảm 1,9% về số lao động so với cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 57,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2024 lên gần 168,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 21 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8/2024 ước đạt 62,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ 223. Tính chung 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 363,1 nghìn tỷ đồng, bằng 47,8% kế hoạch năm và tăng 2,0% so với cùng kỳ 2023.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký cấp mới có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2023 về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 8,53 tỷ USD, chiếm 71,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp theo là hoạt động kinh doanh bất động sản… Vốn đăng ký điều chỉnh có 926 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,71 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2023.

Trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2024, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất; tiếp đến là Trung Quốc; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc); Nhật Bản; Thổ Nhĩ Kỳ;...

Cũng theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2024 ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ 2023. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 8 tháng năm 2024 có 75 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 148 triệu USD, giảm 39,4% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 8 tháng qua, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 147,3 triệu USD, giảm 64,6% so với cùng kỳ 2023. Trong 8 tháng năm 2024, có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Hà Lan là nước dẫn đầu; tiếp theo là Lào; Vương quốc Anh; Hoa Kỳ; Cam-pu-chia; Niu-di-lân…

Về thu ngân sách Nhà nước, 8 tháng năm 2024 ước tăng 17,8% so với cùng kỳ 2023. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ từ đầu năm đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2024 tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ 2023.

Infographic tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, xuất nhập khẩu tháng 8 và 8 tháng 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 8/2024 ước đạt 526,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.148,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2024 ước đạt 3.199,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 7,3% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2024 ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 14,3% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2024 ước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng mức và tăng 26,2% so với cùng kỳ 2023.

Trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa  sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ 2023. Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 92,3 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 7 xuất siêu 2,36 tỷ USD; 7 tháng xuất siêu 14,54 tỷ USD; tháng 8 sơ bộ xuất siêu 4,53 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 19,07 tỷ USD.

Hoạt động vận tải tháng 8 sôi động, duy trì tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ 2023 do du lịch phục hồi mạnh mẽ và nhu cầu vận chuyển phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao, trong đó vận tải hành khách tăng 13,2% về vận chuyển và tăng 16,2% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 13,2% về vận chuyển và tăng 10,5% về luân chuyển. Tính chung 8 tháng năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 7,5% và luân chuyển tăng 12,7% so với cùng kỳ 2023; vận chuyển hàng hóa tăng 13,0% và luân chuyển tăng 11,8%.

 Infographic vận tải hành khách, hàng hóa, khách quốc tế đến Việt Nam và tình hình tai nạn giao thông tháng 8 và 8 tháng 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao. Trong tháng 8/2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,43 triệu lượt người, tăng 17,7% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 11,4 triệu lượt người, tăng 45,8% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 8/2024, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ 2023 là 96,1%; tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết so với tháng cùng kỳ năm 2023 là 3,9%. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 8 tháng 2023, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân hơn 21,3 nghìn tấn gạo.

Những số liệu tích cực trên là tín hiệu chứng minh cho dù đang gặp khó khăn, thách thức nhưng cùng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kinh tế 8 tháng vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như mục tiêu đề ra./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực