Trà Vinh: Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản hướng tới xuất khẩu

Thứ năm, 23/11/2017 15:44
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện tỉnh này có hơn 6.800 ha vườn cây ăn trái đặc sản. Để giúp cho các nhà vườn nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh Trà Vinh đã quyết định đầu tư về cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn trái và tăng khả năng liên kết của người sản xuất.
Bưởi Năm Roi là một trong những đặc sản của tỉnh Trà Vinh (Ảnh: NS)

Theo đó, trước mắt tỉnh Trà Vinh triển khai dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất cây ăn trái tập trung cho huyện Càng Long, huyện Châu Thành và thành phố Trà Vinh, giai đoạn 2017 – 2020, với vốn đầu tư gần 460 tỷ đồng. Dự án gồm có 3 công trình chính, đó là xây dựng mới tuyến đường dài trên 9km, điểm đầu giao với Quốc lộ 60 thuộc xã Bình Phú, huyện Càng Long và điểm cuối giao với đường Võ Văn Kiệt thuộc địa phận thành phố Trà Vinh, chiều rộng mặt đường 8m, kết cấu mặt đường đá dăm láng nhựa; xây dựng hệ thống thoát nước dài khoảng 700m; xây dựng 4 cây cầu bêtông cốt thép trên tuyến đường, quy mô đường cấp IV đồng bằng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, mục tiêu của dự án xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất cây ăn trái nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế vườn, đảm bảo thực hiện tốt chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ổn định vùng nguyên liệu cung cấp cho chế biến và xuất khẩu cây ăn trái, đồng thời góp phần kết nối giao thông giữa các địa phương trong tỉnh.

Được biết, tỉnh Trà Vinh đã quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản tại các huyện: Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, với 5 loại cây trồng tập trung là cam, xoài, bưởi, nhãn và chuối. Đối với huyện Cầu Kè, nơi có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng ven sông Hậu giàu phù sa và nước ngọt quanh năm được tỉnh quy hoạch phát triển vùng cây ăn trái chủ lực gắn với du lịch, với tổng diện tích vườn cây ăn trái đặc sản khoảng 4.000 ha. Những năm gần đây, nông dân tỉnh Trà Vinh không ngừng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách có hiệu quả, với nhiều biện pháp, mô hình đưa các cây, con giống có chất lượng, phù hợp với điều kiện vùng đất từng địa phương và kết hợp áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất tạo nên một hướng đi mới cho người nông dân trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn mới hiện nay. Hiện, Trà Vinh có hơn 6.800 ha vườn cây ăn trái; trong đó diện tích cây xoài trên 1.150 ha, cây cam sành 1.830 ha, cây bưởi 880 ha, cây nhãn gần 1.650 ha và cây chuối trên 1630 ha… Giá trị sản lượng cây ăn trái của tỉnh trong 5 năm qua đạt bình quân từ 100 đến 120 triệu đồng/ha/năm.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch phát triển vườn cây ăn trái đặc sản đạt diện tích 20.000 ha. Để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, tỉnh Trà Vinh sẽ huy động nguồn vốn đầu tư khoảng trên 620 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khoảng 322 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 150 tỷ đồng và nguồn vốn đầu tư của người dân 148 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng về kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất về cây giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu,…đưa giá trị sản lượng cây ăn trái đặc sản của tỉnh đạt mức thu nhập bình quân 170 triệu đồng/ha/năm; trong đó, 70% sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP để xuất khẩu./.

NS

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực