Tre măng Bát độ - hướng phát triển kinh tế tiềm năng ở Yên Bình

Thứ hai, 06/05/2024 14:37
(ĐCSVN) - Tre măng Bát độ được đưa vào trồng tại huyện Yên Bình (Yên Bái) từ năm 2004 ở một số địa bàn vùng thượng huyện. Đến nay, tre măng Bát độ đã khẳng định vị trí là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra sinh kế tiềm năng cho người dân địa phương.

Loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao

Là một trong những hộ dân tiên phong trồng tre măng Bát độ ở xã Mỹ Gia (Yên Bình), đến nay gia đình ông Trần Phúc Dân ở thôn Phú Mỹ đã có gần 8ha tre măng Bát độ, trong đó già nửa diện tích đã cho thu hoạch. Nhờ được trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, lại có chất đất và khí hậu phù hợp nên toàn bộ diện tích tre Bát độ của gia đình ông Dân đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Dân cho biết, hơn 4ha tre măng của gia đình ông những năm qua đã cho thu nhập bình quân gần 150 triệu đồng/năm. Riêng mùa măng năm nay, dự ước măng Bát độ sẽ mang thu nhập về cho gia đình gần 300 triệu đồng. Nhờ cây tre măng Bát độ, cuộc sống của gia đình ông Dân đã khấm khá lên rất nhiều...

 Cây tre măng Bát độ không đòi hỏi nhiều về đầu tư phân bón mà hiệu quả kinh tế lại cao. Ảnh: TC 

Là xã vùng thượng huyện với trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây người dân xã Mỹ Gia sống chủ yếu dựa vào kinh tế thuần nông, đặc biệt là kinh tế đồi rừng, tuy nhiên do không quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, năm 2004, huyện Yên Bình đã chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng măng tre Bát độ. Mỹ Gia là 1 trong những địa phương được thí điểm đưa vào trồng loại cây này trên khu vực núi Ngàng thuộc thôn Phú Mỹ. Khi mới triển khai, xã gặp nhiều khó khăn do người dân còn đắn đo, không ủng hộ, bởi họ còn quen với tập quán canh tác cũ.

Ông Hà Văn Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Gia cho biết: “Với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có hiệu quả kinh tế cao hơn, địa phương đã vận động “cán bộ, đảng viên gương mẫu đi trước – làng nước theo sau”; đồng thời huyện Yên Bình cũng đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm, từ đó bà con đã thấy được hiệu quả từ cây măng tre Bát độ nên đã tự nguyện tham gia đăng ký trồng trên diện tích gần 100ha. Đến nay đã có 60ha được thu hoạch, bình quân 1ha cho thu nhập gần 70 triệu đồng, kết quả này đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển rõ rệt”.

Còn anh Lân Hoàng Hiệp ở thôn làng Dẫy, xã Cảm Nhân (Yên Bình) chia sẻ: "Từ khi đưa cây măng tre Bát độ vào trồng, tôi thấy rất phù hợp với chất đất và khí hậu của địa phương, cây dễ chăm sóc lại không đòi hỏi nhiều về đầu tư phân bón mà hiệu quả kinh tế cao”. 

Nói về kỹ thuật chăm sóc, anh Hiệp cho biết việc canh tác gieo trồng tre măng Bát độ rất đơn giản. Trước khi trồng, cần tiến hành đào hố, mỗi hố đất rộng khoảng 0.5m, sâu 0.5m, trồng với mật độ 3m x 3m (hình vuông). Trước khi trồng bón lót mỗi gốc 0.5 – 0.7kg phân NPK lẫn với phân chuồng hoai mục, khi đã trồng xong thường xuyên tưới nước dưỡng cây, và bảo vệ chăm sóc cho cây măng mẹ; đồng thời luôn làm sạch cỏ, phía dưới mỗi gốc phải tỉa bỏ hết cành, mỗi gốc chỉ để 5-7 cây măng mẹ. Trong một năm phải bón thúc cho diện tích măng 1-2 lần gồm cả phân hữu cơ và phân vô cơ.

 Do không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm măng như một thứ rau sạch. Ảnh: TC

Anh Hiệp nhận xét, măng Bát độ là loại cây dễ trồng, chống chịu sâu bệnh tốt, thích hợp nhiều chất đất. Do không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm măng như một thứ rau sạch. Tre măng bát độ sau khi trồng 2 - 3 năm là cho thu hoạch, thời gian thu hoạch chính kéo dài liên tục từ tháng 2 đến 10 hàng năm, những tháng còn lại trong năm vẫn có thu hoạch nhưng số lượng ít hơn...

Góp phần tạo sinh kế mới cho người dân

Theo tìm hiểu của chúng tôi, huyện Yên bình hiện có trên 300 ha tre măng Bát độ được trồng chủ yếu tại các xã khu vực thượng huyện như: Mỹ Gia, Yên Thành, Xuân Lai, Cảm Nhân. Trong đó có hơn 200 ha đang cho thu hoạch. Tổng sản lượng măng tre hàng năm ước đạt 3.000 tấn; Sản lượng nguyên liệu sợi dài từ tre hàng năm ước đạt 900 tấn. Tổng giá trị thu nhập bình quân năm ước đạt 15 tỷ đồng...

Qua thực hiện cho thấy cây tre măng Bát độ rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của các xã khu vực thượng huyện, cây phát triển tốt, nhanh cho thu hoạch. Để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, những năm qua các địa phương đã thực hiện hiệu quả mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người dân và doanh nghiệp từ tập huấn kỹ thuật, cung ứng trước vật tư, phân bón, cây giống đến  khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đều có sự vào cuộc tích cực của nhiều doanh nghiệp.

Năm nay, do tiếp tục được thâm canh tốt nên tre măng Bát độ ở huyện Yên Bình sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến tiếp tục cho sản lượng cao. Trung bình mỗi ha tre măng Bát độ cho thu nhập từ 60-70 triệu đồng/năm, cao gấp 3-4 lần so với cây nguyên liệu khác; Các sản phẩm tre măng Bát độ đều được các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn trong đó có Công ty cổ phần Yên Thành tiêu thụ khá ổn định. Các sản phẩm từ tre không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và một số thị trường trong khu vực.

Bên cạnh việc cho hiệu quả kinh tế, các diện tích tre măng Bát độ còn là nguồn tiềm năng lớn về bán tín chỉ carbon ra thị trường nước ngoài (thị trường bắt buộc hoặc thị trường carbon tự nguyện). Với đơn giá bán hiện tại 01 tín chỉ tương đương 1 tấn carbon là 5 USD, 01 ha tre măng Bát độ sẽ cho khoảng 50-150 tín chỉ carbon. Năm 2023, Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã hỗ trợ và làm thí điểm 02 xã Đại Đồng và Phú Thịnh (Yên Bình) cấp 185 mã rừng trồng, sau khi nghiên cứu và xây dựng được đường cơ sở carbon rừng trồng theo lộ trình thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028. Việc này sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội, cũng như góp phần quan trọng trong phát triển và bảo vệ rừng tại địa phương...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Những năm gần đây, nghề trồng tre măng Bát độ lấy măng phát triển ở nhiều vùng trong cả nước trong đó có Yên Bình, việc trồng tre Bát độ lấy măng có tác dụng nhiều mặt, đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa xanh, bền vững trong giai đoạn hiện nay. Tại địa phương, măng tre Bát độ là giống chuyên trồng để lấy măng thực phẩm, là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo ra sinh kế mới để người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

“Năm 2024, huyện Yên Bình tiếp tục triển khai Dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ tại các xã: Mỹ Gia, xã Cảm Nhân, Ngọc Chấn, Phúc An, Yên Thành, Xuân Long, Bạch Hà, Phúc Ninh, Tân Hương và thị trấn Yên Bình với quy mô 145 ha. Từng bước tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để phát huy tiềm năng đất đai tự nhiên, mang lại nguồn thu nhập cao cho các địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống, cùng chung sức xây dựng huyện nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh” -  Chủ tịch Nguyễn Xuân Trường cho biết thêm.

Để tiếp tục mở rộng, phát triển măng tre Bát độ, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đa dạng sản phẩm hàng hoá xuất khẩu và giảm thiểu sự tác động của con người đến rừng, đồng thời đáp ứng mục tiêu chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong giai đoạn tới, tạo nguồn tín chỉ carbon, thời gian qua huyện Yên Bình đã xây dựng Đề án: “Phát triển cây tre măng Bát độ huyện Yên Bình, giai đoạn 2025- 2030” với mục tiêu đến năm 2025 có 700 ha , năm 2030 là 1200 ha trong đó có 850 ha kinh doanh, sản lượng 27.000 tấn/năm.

Việc xây dựng Đề án phát triển trồng tre măng Bát độ phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nguyện vọng của người dân. Đề án xây dựng dựa trên cơ sở đất trồng tre măng Bát độ hiện có và đánh giá phân tích các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội trong vùng phù hợp với đặc tính sinh thái của các loài tre Bát độ đảm bảo cho tre sinh trưởng, phát triển và cho phép áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, phát huy tiềm năng về đất đai và lao động trong vùng.

Khi Đề án được thực thi sẽ góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mục tiêu của chương trình Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo đã đề ra. Đồng thời tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá măng, nguyên liệu giấy cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, tăng thu nhập cho người dân và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước...

Trần Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực