Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)
Theo Bộ NN&PTNT, trong 5 năm (2011-2015), Bộ NN&PTNT triển khai “Năm chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm”, đặc biệt năm 2016 được Bộ chọn là “Năm cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp”. Trên cơ sở đó, Bộ và các địa phương đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng.
Trong năm 2016, Bộ đã chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn”; phối hợp với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Tính đến nay cả nước đã có 50 tỉnh xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp lớn, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
Năm 2016 hoạt động giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) của ngành đã tập trung vào các sản phẩm nông thủy sản tươi sống tiêu dùng hàng ngày của người dân. Kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ thực hiện năm 2016 cho thấy: Tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol là 6/1.345 mẫu (chiếm 0,44%), giảm so với năm 2015 (1,07%); đặc biệt trong 6 tháng cuối năm không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm. Tỷ lệ mẫu rau, củ, quả và thịt chứa tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng (chiếm 0,82%) giảm so với 1,39% năm 2015; 12/293 mẫu rau củ quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng (chiếm 4,1%), giảm so với 7,76% năm 2015. Các trường hợp vi phạm đã được cảnh báo, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, thanh tra, truy xuất, xử lý nhằm ngăn chặn tái phạm. Trong năm 2016 các cơ quan Trung ương và địa phương cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với 21.364 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; phát hiện, xử lý 1.923 cơ sở vi phạm quy định ATTP (chiếm 9%) với tổng số tiền xử phạt hành chính năm 2016 là 6.692 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, hiện nay, việc ngăn chặn, giảm thiểu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm trồng trọt vẫn còn chưa rõ nét; còn tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; ô nhiễm vi sinh vật trong thịt gia súc, gia cầm. Số cơ sở loại C, đặc biệt là cơ sở giết mổ sau tái kiểm tra chưa đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm còn cao.
Sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, tốc độ nhân rộng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn còn chậm. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP,...) bảo đảm an toàn thực phẩm và liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm đã được ban hành nhưng chưa đi vào thực tiễn sản xuất, cần được xem xét nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Một số địa phương chưa ưu tiên chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác quản lý an toàn thực phẩm, chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm cũng như ban hành và triển khai mạnh mẽ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT đã phát động triển khai Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017. Mục tiêu chính của kế hoạch là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, Bộ xác định các giải pháp chủ yếu như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật; đẩy mạnh thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm; tổ chức sản xuất kết nối với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn,...
Để triển khai kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017, Bộ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở NN&PTNT xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả kế hoạch hành động Năm cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp 2017 tại địa phương.
Bên cạnh đó chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương xem nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện quyết liệt nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Ban hành các chính sách cụ thể theo đặc thù của địa phương, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác quản lý vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản và hỗ trợ phát triển, nhân rộng các chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn./.