Triển vọng phát triển ngành công nghiệp đất hiếm Scandium “Made in Vietnam”

Thứ ba, 11/10/2022 11:41
(ĐCSVN) - Nước ta sở hữu trữ lượng lớn thứ 2 thế giới về đất hiếm nhưng chưa phát huy được lợi thế đó để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm. Mới đây, Viện Công nghệ Xạ hiếm Việt Nam và Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Việt Nam đã ký kết hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium, mở ra triển vọng phát triển ngành công nghiệp đất hiếm "Made in Việt Nam".

Đất hiếm - vàng của tương lai

Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt. Nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như: điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang. Đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đến đất hiếm. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, thậm chí của cả thế kỷ XXII. Các nhà khoa học gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai.

Đất hiếm là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao 

Tổng trữ lượng đất hiếm của Việt Nam dự báo khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Đất hiếm ở Việt Nam tập trung ở Lai Châu (Nậm Xe, Đông Pao), Yên Bái (Yên Phú) và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bà Rịa - Vũng Tàu (trong quặng sa khoáng Titan).

Có trữ lượng lớn, song nước ta chưa xây dựng và hình thành được công nghiệp đất hiếm. Hiện chỉ có Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu khai thác quặng đất hiếm với qui mô nhỏ, một vài cơ sở sản xuất fero chắp vá, thời vụ. Hàng ngàn tấn quặng đất hiếm Monazite thu được khi tuyển quặng Titan ven biển chất kho chưa được chế biến, sử dụng…

Những năm qua, Chính phủ đã có chiến lược, chính sách ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học về công nghệ đất hiếm, vì mỗi một sản phẩm đất hiếm mang hàm lượng khoa học rất cao, công nghệ đất hiếm rất phức tạp và hầu như không được chuyển giao trên thế giới. Chính phủ xác định đầu tư cho nghiên cứu khoa học sẽ giúp chúng ta làm chủ các quá trình chế biến sâu, từ khâu khai thác mỏ, tuyển quặng, thu nhận tinh quặng, đến thủy luyện tinh quặng thu nhận tổng đất hiếm, phân chia và tinh chế để thu nhận các đơn nguyên tố đất hiếm có độ sạch cao, có giá trị gia tăng cao trên thị trường thương mại thế giới.

Đất hiếm Scandium “made in Vietnam”

Ngày 7/10/2022, Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Việt Nam (CAVICO Việt Nam) và Viện Công nghệ Xạ hiếm Việt Nam (Viện Năng lượng nguyên tử  Việt Nam) đã ký kết hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium.

Tại lễ ký, hai bên khẳng định, đây là sự kiện khởi động dự án xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium đầu tiên tại Việt Nam với qui mô lớn.

 CAVICO Việt Nam và Viện Công nghệ Xạ hiếm Việt Nam ký kết Hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium.

Thông tin về khu mỏ đất hiếm CAVICO đang hợp tác đầu tư khai thác và chế biến tại Lào, ông Bùi Quảng Hà - Chủ tịch CAVICO Việt Nam cho biết: Qua thăm dò chi tiết đã xác định trữ lượng quặng Scandium và các nguyên tố đất hiếm khác ở khu vực Mỏ đa kim Bản Bò, Bolykhamxay - Lào là rất tiềm năng, trữ lượng lớn, dễ khai thác, hàm lượng trung bình đạt các tiêu chuẩn khai thác và chế biến mang lại hiệu qua kinh tế cao. Trữ lượng quặng có giá trị thương mại hàng tỷ đô la Mỹ, nhưng để chế biến sâu cần có sự đầu tư lớn, nghiên cứu công nghệ bài bản… mới có thể xây dựng nhà máy sản xuất ra sản phẩm có chất lượng để xuất khẩu ra thế giới.   

Theo kế hoạch, Viện Công nghệ Xạ hiếm và CAVICO Việt Nam cùng hợp tác toàn diện về nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư chế biến đất hiếm nói chung và trọng điểm là Scandium ra thành phẩm có độ tinh khiết cao nhất có thể.

Hai bên đã cùng nhau xây dựng chiến lược, kế hoạch, triển khai công nghệ chế biến quặng đất hiếm đảm bảo an toàn môi trường, tính kinh tế, tập trung vào các sản phẩm chính như Scandium, Dysprodium… Bên cạnh đó là Nickel, Cobalt cũng được ghi nhận để tiến hành song song. Công tác nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, phát triển và ứng dụng công nghệ chế biến sâu, đồng thời huấn luyện và đào tạo nguồn nhân lực nhằm mục tiêu để CAVICO tiến tới đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium tại Việt Nam vào đầu năm 2023.

Đánh giá về sự hợp tác này, ông Nguyễn Trọng Hùng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Xạ hiếm Việt Nam khẳng định: “Viện xác định đây là nhiệm vụ chính trị và sẽ cố gắng hết sức hợp tác với Công ty CAVICO Việt Nam để thực hiện thành công dự án khai thác có hiệu quả mỏ đất hiếm Scandium của Công ty tại Lào. Hiện nay, Viện có năng lực nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về công nghệ đất hiếm, có đội ngũ chuyên gia giỏi và các thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và triển khai công nghệ đất hiếm Scandium”.

Về tiềm năng khai thác và chế biến đất hiếm ở khu mỏ của CAVICO Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Trọng Hùng nhận định: “Giữa Viện và Công ty hội tụ các yếu tố quan trọng cần và đủ để xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm Scandi có độ sạch, giá trị gia tăng cao để bán ra thị trường thương mại thế giới. Đây là nhiệm vụ mang ý nghĩa chính trị và kinh tế to lớn, cần phải thực hiện và khẳng định thực hiện thành công”.

Đoàn cán bộ lãnh đạo CAVICO Việt Nam tham quan Viện Công nghệ Xạ hiếm 

So sánh với mỏ Đông Pao và Yên Phú của Việt Nam, ông Hùng cho biết, các nguyên tố đất hiếm có tính ứng dụng, có giá trị gia tăng cao phải kể đến là Neodim, Dysprozi và Tecbi, được ứng dụng trong ngành năng lượng sạch, điện tử, hàng không vũ trụ… Giá trị của mỏ đất hiếm Đông Pao chủ yếu nằm ở nguyên tố Neodim.

Nguyên tố nhóm nặng có giá trị cao Dysprozi chiếm 3% và Tecbi chiếm 0,5% của mỏ đất hiếm Yên Phú. Giá bán Dysprozi kim loại tại thời điểm này là 300$/kg. Mỏ Yên Phú có trữ lượng 30.000 tấn tổng đất hiếm thì riêng giá trị nguyên tố Dysprozi kim loại có thể lên tới hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Trữ lượng có khả năng chế biến thành phẩm Scandi ở mỏ đất hiếm của Công ty CAVICO Việt Nam tại Lào rất lớn. Nguyên tố Scandi có giá trị cao nhất trong các nguyên tố đất hiếm được ứng dụng trong công nghiệp. Các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng thị trường Scandi là việc sử dụng ngày càng cao trong pin nhiên liệu oxit rắn (SOFC) của xe ô tô điện và nhu cầu ngày càng tăng đối với hợp kim nhôm - Scandi sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ và quân sự.

Hiện nay, giá bán của Scandi cao gấp gần 50 lần giá bán của Neodim, đạt khoảng 3.500 USD/kg. Viện Công nghệ Xạ hiếm sẽ đồng hành cùng CAVICO Việt Nam để biến tiềm năng thành hiện thực, mang lại lợi ích cho cả hai nước Việt - Lào và cho mỗi đơn vị.

Việc hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium giữa CAVICO Việt Nam và Viện Công nghệ Xạ hiếm Việt Nam sẽ mở ra một bước tiến quan trọng trong thời gian tới về công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm - một trong những khoáng sản chiến lược của quốc gia.

CAVICO Việt Nam hiện đang khai thác, chế biến Nickel, Sắt, Cobalt, Vàng và Bạc trên diện tích 80km2 tại tỉnh Bolikhamxay, Lào theo Giấy phép đầu tư khai thác và chế biến quặng Nickel, Sắt, Cobalt, Vàng và Bạc số 036-2021/MPI.13 cấp ngày 9/8/2021 bởi Chính phủ nước CHDCND Lào.

Các dự án khai thác Niken của CAVICO Việt Nam tại Lào được Chính phủ Việt Nam và Lào đặc biệt quan tâm. Giấy phép khai thác khoáng sản tại Lào và giấy phép đầu tư ra nước ngoài ở Việt Nam của CAVICO Việt Nam đều được vinh dự ký và trao trực tiếp tại các chuyến viếng thăm của nguyên thủ hai nước. Dự án Hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium giữa CAVICO Việt Nam và Viện Công nghệ Xạ hiếm Việt Nam sẽ tiếp tục góp phần phát triển quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia.


Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực