Ứng dụng công nghệ cao - người dân thay đổi tập quán canh tác

Chủ nhật, 14/06/2020 10:40
(ĐCSVN) - Sau một thời gian triển đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đưa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến nông nghiệp sạch vào sản xuất, tỉnh Long An đã thu được những kết quả khả quan…

Kiểm tra sâu bệnh trên ruộng lúa sản xuất theo công nghệ ứng dụng cao 

ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. (Ảnh: K.V)

Xác định mục tiêu trên, thời gian qua, tỉnh Long An đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng trên địa bàn, qua đây đã thay đổi tập quán sản xuất của người dân, giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận. Từ đó, người nông dân phấn khởi, tin tưởng và yên tâm sản xuất.

Có thể thấy, từ khi triển khai đề án đến nay, toàn tỉnh Long An đã có trên 18.300 ha lúa ứng dụng công nghệ cao, trong đó, 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao; hơn 1.878 ha rau ứng dụng công nghệ cao, năng suất tăng từ 5% đến 20%, lợi nhuận cao hơn từ 2 đến 5 triệu đồng/1.000 m2 so với cách trồng theo phương pháp truyền thống; hơn 2.077 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP…

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Ngân - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, mỗi vụ, Hợp tác xã sản xuất trên 100 ha lúa theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 10 ha sản xuất theo quy trình VietGAP và hướng hữu cơ với các giống lúa như ST24, Nàng Hoa 9, lúa đỏ và lúa tím.

Chính vì thế, trong vụ đông xuân 2019-2020, sau khi thu hoạch, so với sản xuất truyền thống, sản xuất theo mô hình mang lại hiệu quả cao hơn về kinh tế và tạo ra lúa, gạo sạch. Đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Long An, thực hiện mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao cho năng suất trung bình cao hơn từ 200 đến 300kg/ha nhưng chi phí lại thấp hơn từ 1 đến 1,5 triệu đồng/ha, do đó lợi nhuận trung bình cao hơn trên 2 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Ngoài ra, nhiều mô hình sản xuất lúa hữu cơ, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, không sử dụng phân, thuốc hóa học, đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật, sản phẩm đạt tiêu chí lúa sạch, giảm được từ 40 đến 50% lượng phân đạm… Qua các mô hình đã thực hiện, người dân dần thay đổi tập quán canh tác, chú trọng sử dụng phân hữu cơ, xây dựng hệ thống tưới tự động, thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng nhà màng, nhà lưới, sản phẩm làm ra đạt chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An – ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng đắn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện nay, đây là xu thế tất yếu để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng.

Tuy nhiên, do một số địa phương của Long An bị tác động mạnh mẽ do biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn sớm gây thiếu nước ngọt phục vụ cây trồng, chính vì vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp của địa phương này tiếp tục tính toán, tái cơ cấu sản xuất theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường xúc tiến thương mại đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Được biết, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Long An được thực hiện trên 3 cây, 1 con, trong đó, cây lúa tập trung chủ yếu tại vùng Đồng Tháp Mười, cây thanh long ở huyện Châu Thành, cây rau ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc và con bò thịt ở huyện Đức Huệ, Đức Hòa.

Để hoàn thành mục tiêu đề án đề ra, các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh Long An đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân hiểu, biết và cùng thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các mô hình, hợp tác xã trong ứng dụng công nghệ cao, duy trì và nhân rộng sản xuất theo lộ trình.

Đồng thời hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; rà soát, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng trong các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm bảo đảm cho việc vận chuyển máy móc, hàng hóa được thuận lợi./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực