Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải nhà kính tại Việt Nam

Thứ ba, 30/01/2024 20:02
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, LNG là loại khí thiên nhiên có độ tin cậy cao, an toàn cho con người và môi trường. Đây được coi là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất, có hiệu quả kinh tế cao nhất. Với các tài liệu đã được công bố trước đó từ một số cơ quan quản lý năng lượng uy tín thì trữ lượng LNG trên thế giới còn dồi dào, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lâu dài của nhân loại.

Tại Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp - Ứng dụng khí mới LNG, nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính” do Báo Xây dựng phối hợp với Viện Đào tạo tư vấn và phát triển kinh tế (IDE) tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy ứng dụng khí mới LNG, chuyển đổi xanh ngành công nghiệp.

Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu tham dự (Ảnh: HNV) 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về việc chia sẻ cơ hội cũng như thách thức trong chính sách, nguồn vốn, thị trường cùng các giải pháp để hiện thực hoá mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII. Các chuyên gia cho biết, trong thực tế hiện nay, có một số ứng dụng phổ biến nhất của LNG trong đời sống, sản xuất là làm nhiên liệu, đó là: Thay thế cho than đá trong buồng đốt tại nhiều nhà máy nhiệt điện; hệ thống sưởi ấm, hệ thống sấy khô trong các khu dân cư và xưởng sản xuất thực phẩm; thay thế cho xăng, dầu diesel; trong các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, sản xuất gạch, gốm sứ… Bản thân Chính phủ và các cơ quan quản lý năng lượng tại Việt Nam cũng đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của LNG đối với việc phát triển kinh tế trong nhiều năm tới. Đơn cử, theo quy hoạch điện VIII, các nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG sẽ được đầu tư xây dựng liên tục trong giai đoạn 2025 - 2030. Bên cạnh đó, các dự án nhiệt điện sử dụng than đá trên toàn quốc đã không được xem xét phát triển và được yêu cầu thay thế bằng LNG thân thiện với môi trường.

 Các đại biểu chủ trì Hội thảo (Ảnh: HNV)

Theo TS Nguyễn Hữu Lương, Chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam, nhiều công ty đang chuyển sang sử dụng LNG để giảm thiểu tác động môi trường. Về nhu cầu thị trường khí Việt Nam, bao gồm khí tự nhiên nội địa và khí LNG nhập khẩu giai đoạn 2030 – 2050, cơ cấu nguồn cung khí tại Việt Nam từ nguồn mỏ trong nước sẽ chiếm từ 40% – 45%, nhu cầu khí nhập khẩu LNG ở Việt Nam sẽ giao động từ 55% - 60%. Theo đó, nhu cầu sử dụng LNG sẽ tập trung tại 4 lĩnh vực: sản xuất điện; công nghiệp; sản xuất phân bón và hóa dầu.

TS Nguyễn Hữu Lương nêu rõ, trong bối cảnh về chuyển dịch năng lượng, có 4 xu hướng phát triển của LNG gồm: thứ nhất là LNG quy mô nhỏ, thứ hai là LNG trung hòa carbon, thứ ba là đồng đốt trong nhà máy điện, thứ tư là Hydrogen.

Theo TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, với việc chuyển đổi sang LNG, Việt Nam không tránh khỏi thách thức. TS Tú Anh phân tích, thực tế cho thấy, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ. Ước tính chỉ để chuyển đổi năng lượng than sang năng lượng tái tạo mỗi năm Việt Nam cần từ 25 tỷ - 30 tỷ USD. Trong khi đó, năng lượng tái tạo phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ nước ngoài, chi phí năng lượng tái tạo vẫn cao, tạo gánh nặng cho nền kinh tế, giảm khả năng tiếp cận năng lượng đối với người nghèo trong khi nhu cầu năng lượng cho phát triển tăng nhanh. Tuy nhiên, TS Tú Anh cũng chỉ ra, Việt Nam đang có một số lợi thế cơ bản, đó là: tỷ lệ phủ rừng tăng nhanh, lên 60%, nhanh nhất thế giới và việc phát triển thị trường tín chỉ carbon là một lựa chọn tốt với nước ta.

TS Tú Anh dẫn chứng, thị trường carbon tuân thủ quốc gia mặc dù đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2005 nhưng Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện khung khổ pháp lý, đầu tư chuẩn bị cơ sở hạ tầng để thí điểm thị trường carbon tuân thủ quốc gia BTS từ năm 2025, tiến tới triển khai chính thức carbon tuân thủ quốc gia ETS từ năm 2028. Vấn đề đặt ra là cần phải có hệ thống đo kiểm carbon được xác nhận hạn ngạch carbon tiến tới có thể chủ động cung cấp tín chỉ carbon.

Việc phát triển công nghệ CCUS, tức là các công nghệ nắm bắt và lưu trữ carbon sẽ góp phần thiết thực vào việc cung cấp tín chỉ carbon, từ đó sẽ hình thành nền kinh tế carbon. Với Việt Nam, theo TS Tú Anh, hiện nay, tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên như các dự án phát triển sạch (Clean Development model - CDM) theo cơ chế của Ban Chấp hành quốc tế về CDM thuộc Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, hoặc các dự án theo Cơ chế tín chỉ chung (Joint Credit Mechanism - JCM) do Ủy ban hỗn hợp thực hiện Cơ chế JCM giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản thực hiện theo thỏa thuận quốc tế về Cơ chế tín chỉ chung giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được cấp và xác nhận tại Việt Nam. “Tuy nhiên, cơ chế bán tín chỉ carbon được công nhận và khả thi mới chỉ là theo cơ chế CDM mà chưa có cơ chế khác. Mặc dầu vậy, kết quả bước đầu cũng rất đáng khích lệ khi chúng ta đã bán được hơn 51 triệu USD” - TS Tú Anh thông tin.

TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam tham luận tại Hội thảo (Ảnh: HNV) 

Theo TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, các điều kiện tiên quyết hay điều kiện cần và đủ hay “chìa khóa” để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch điện VIII vẫn nằm ở các cam kết dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; cơ chế thị trường cho chuỗi khí điện LNG và các hộ tiêu thụ điện. Đặc biệt, cần phải đổi mới nhận thức và tư duy từ xây dựng cơ chế chính sách, tới triển khai thực hiện cũng như tăng cường hợp tác quốc tế sâu rộng, “trong đó, cần thiết phải có một Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội cho lĩnh vực năng lượng, trong đó có điện khí LNG” – TS Thập gợi ý.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực