Ứng xử hiệu quả với các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh

Thứ sáu, 12/11/2021 15:25
(ĐCSVN) – Việt Nam cần có những quyết sách để nền kinh tế có thể phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tham dự Hội thảo “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh”, việc thực hiện phải kết hợp với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và sự nhất quán trong chỉ đạo điều hành.

Trong 2 ngày 11-12/11, những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới và trong nước đã trình bày và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, bàn luận về các vấn đề kinh tế, quản trị và kinh doanh hiện nay và xu hướng mới trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 tại Hội thảo “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh” (CIEMB 2021).

 Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: HNV)

Hội thảo diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức với mong muốn tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, quản trị và kinh doanh. Đây là Hội thảo khoa học quốc tế lớn nhất mà Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thường niên và năm nay là năm thứ tư của chuỗi hội thảo này.

Hơn 120 bài nghiên cứu gửi về từ các nhà khoa học trong nước và 10 quốc gia trên thế giới, hơn 70 bài viết có chất lượng để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo và mời đến trình bày trong 16 phiên thảo luận song song về các chủ đề chuyên sâu của kinh tế, quản trị và kinh doanh với sự chủ trì của các nhà khoa học hàng đầu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Hội thảo lần này đã tạo ra một diễn đàn cho các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thuộc các ngành Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh có cơ hội để trao đổi và trình bày các công trình nghiên cứu của mình; cung cấp nền tảng cho các cuộc tranh luận về các vấn đề đương đại trong các lĩnh vực nghiên cứu trên, hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu; gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong khu vực và quốc tế.

Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, những đợt lây nhiễm của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã đặt ra những thách thức và khó khăn to lớn chưa từng có đối với nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện đang đứng trước yêu cầu khôi phục kinh tế vững chắc trong bối cảnh phải chấp nhận “sống chung với COVID-19”. Theo đó, Chính phủ phải đưa ra thông điệp rõ ràng, kiên định với các chính sách mở cửa nền kinh tế từng bước thận trọng nhưng cũng phải nhanh để nắm bắt cơ hội. Đặc biệt, các chính sách phải đảm bảo thống nhất trên toàn quốc, tránh thực hiện mỗi địa phương một kiểu. Đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn với dịch bệnh, nhưng ông Chương cho rằng phải có giải pháp, quy định chi tiết và đủ mạnh để thực hiện thông suốt, thành một khối thống nhất cho việc thúc đẩy thị trường, doanh nghiệp phục hồi trên toàn quốc.

PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng các đại biểu chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo (Ảnh: HNV) 

Từ góc độ quốc tế, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam/Lào đánh giá, Việt Nam đã gặp phải sự gián đoạn kinh tế nghiêm trọng do COVID-19, ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động, khiến các doanh nghiệp dễ bị tổn thương hơn. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng trung hạn đã được ban hành kịp thời, giúp các “khát vọng” về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt được. Theo ông Francois Painchaud, Việt Nam cần phải có những cải cách mang tính quyết định hơn, như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh đầu tư, cải thiện khả năng chống chịu với các cú sốc bằng cách xây dựng thêm “vùng đệm” cho tài chính, hiện đại hóa thể chế, cải thiện năng suất, tăng cường tính linh hoạt của chính sách tiền tệ…

Đồng quan điểm, GS. Lisa Magnani, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Macquarie, Australia đánh giá, COVID-19 cho thấy nếu không có hành động của Chính phủ thì số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ tạm thời sẽ là “quả bom hẹn giờ” tiềm ẩn dẫn đến thất bài của không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ quá hào phóng hoặc không đúng đối tượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phục hồi kinh tế.

Các đại biểu cũng thống nhất cao rằng, Chính phủ cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính hoặc ít nhất là hỗ trợ chi phí di chuyển. Ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

Hơn nữa, cũng cần đảm bảo sự linh hoạt của các chính sách tiền tệ, tài khóa, bình ổn giá, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng và nhanh chóng cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin trong triển khai các gói chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin để đạt được miễn dịch cộng đồng và đạt được mục tiêu với trên 70% dân số được tiêm vaccine vào cuối quý I/2022, nhất là ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy các chuối cung ứng. Song song là cho phép doanh nghiệp tự chủ hoạt động và thực hiện phòng chống dịch khi có đủ khoảng cách không gian giãn cách được phép hoạt động độc lập, tự thực hiện các điều kiện 5K, test nhanh và thường xuyên, khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý. Ngoài ra, Chính phủ và các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn thay cho chuỗi cung ứng dài, thay thế nguồn hàng nhập khẩu nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì đại dịch COVID-19. Đồng thời, chú trọng chuỗi cung ứng ngắn độc lập đáp ứng nhu cầu trong nước song hành với các chuỗi cung ứng dài cho xuất khẩu. Linh hoạt chuyển đổi để hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm, thủy sản./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực