Vietnam Airlines triển khai 5 giải pháp ứng phó với đại dịch COVID-19

Thứ bảy, 10/10/2020 09:22
(ĐCSVN) - 5 giải pháp ứng phó của Vietnam Airlines với đại dịch COVID-19 gồm: Cắt giảm, tiết kiệm chi phí; Đàm phán với đối tác về giãn, hoãn các khoản thanh toán; Giảm chi phí lao động, tiền lương ; Vay ngắn hạn, bù đắp thiếu hụt nguồn lực; Cơ cấu lại nợ vay
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại buổi làm việc với Tổng công ty Hàng không Việt Nam  

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh vừa có buổi làm việc với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của Vietnam Airlines cũng như các giải pháp, định hướng chiến lược tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc, Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết: Tính đến hết tháng 8/2020, số chuyến bay chỉ đạt 65.000 chuyến, bằng 59,1% so với cùng kỳ năm 2019; số hành khách là 9,33 triệu người, bằng 57,2% cùng kỳ 2019; vận chuyển hàng hóa 130,5 nghìn tấn, bằng 57,5% cùng kỳ 2019. Doanh thu công ty mẹ đạt 25.075 tỷ đồng, bằng 47,7% cùng kỳ 2019; doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 32.009 tỷ đồng.

Trước những diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch COVID-19, Vietnam Airlines triển khai 5 giải pháp ứng phó gồm: Cắt giảm, tiết kiệm chi phí (khoảng 5.035 tỷ đồng); Đàm phán với đối tác về giãn, hoãn các khoản thanh toán (đến thời điểm 31/8/2020 đã giãn/hoãn tiến độ thanh toán 3.678 tỷ đồng; Giảm chi phí lao động, tiền lương (năm 2020 sử dụng 66-68% lao động, tổng chi phí lao động giảm 3.500 tỷ đồng); Vay ngắn hạn, bù đắp thiếu hụt nguồn lực; Cơ cấu lại nợ vay.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hội đồng quản trị Tổng công ty đã ban hành Nghị quyết về lộ trình triển khai các công việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân. Theo đó, Vietnam Airlines đã thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoàn thiện báo cáo để báo cáo Bộ Chính trị. 

Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines khẳng định, Tổng công ty có được sự đồng thuận từ Chính phủ qua việc ban hành Nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước Vietnam Airlines do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là nhờ vào những nỗ lực lớn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tập trung tái cơ cấu tài sản và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư

Vietnam Airlines cho biết, đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh 2021 - 2025, trong đó, đánh giá, dự báo và xây dựng các kịch bản về thị trường hàng không trong những năm tới; đề ra các chỉ tiêu định hướng để đạt được các mục tiêu tổng quát đặt ra, các kế hoạch về mạng bay, đội bay, sản lượng khai thác, tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư và phát triển nguồn nhân lực. Vietnam Airlines cũng đề ra các giải pháp về thương mại dịch vụ, khai thác kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyển đổi số, các giải pháp quản trị rủi ro do các yếu tố bất ổn của môi trường kinh doanh; các giải pháp để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiềm lực tài chính sau khủng hoảng do dịch COVID-19.

Về công tác đầu tư, năm 2021, Vietnam Airlines tập trung thực hiện dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp; đồng thời, nghiên cứu phương án điều chỉnh cơ cấu đội tàu bay và cấu hình tàu bay phù hợp nhu cầu thị trường. Vietnam Airlines cũng ưu tiên các dự án đầu tư tiết kiệm chi phí và nguồn lực; tăng doanh thu, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tập trung nguồn lực triển khai các dự án/đề án phục vụ phát triển “VNA Group” theo hướng là hãng hàng không công nghệ số và hệ sinh thái doanh nghiệp...

Vietnam Airlines xây dựng phương án tăng vốn điều lệ, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; đồng thời, hoàn thiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 làm cơ sở để xây dựng các phương án vay, trả nợ, tái cơ cấu và tinh giản bộ máy; đồng thời, Tổng công ty cũng đã làm việc với một số ngân hàng để tìm kiếm sự chấp thuận cho vay vốn mang tính nguyên tắc; phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xây dựng phương án tăng vốn điều lệ, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. 

Vietnam Airlines định hướng tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nằm trong chiến lược và chương trình nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bù đắp và nâng cao năng lực tài chính của Công ty Mẹ do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19. Công tác tái cơ cấu sẽ bao gồm cả việc thoái vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư. Về phương án tổng quát, sẽ cơ cấu lại toàn diện các DN thành viên để Vietnam Airlines có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ thoái toàn bộ vốn nhóm công ty đa ngành nghề, ít liên quan trực tiếp đến vận tải hàng không để thu hồi vốn, giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa hiệu quả đầu tư.

Phải xây dựng cả “kịch bản tốt” và “kịch bản xấu”

Tại cuộc làm việc với Vietnam Airlines, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao 5 giải pháp Vietnam Airlines trong việc ứng phó dịch COVID-19. Trong bối cảnh tất cả các hãng hàng không đều gặp khó khăn, Vietnam Airlines đã thể hiện rất rõ vai trò, vị thế của hãng hàng không quốc gia trong hoạt động khai thác, vận chuyển an toàn ổn định; tích cực trong các hoạt động cứu trợ, hồi hương công dân từ nhiều vùng dịch. Đây là tiền đề để Ủy ban QLVNNTDN báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận định, việc thâm hụt dòng tiền và khả năng thanh khoản đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động, gây rủi ro cho nguồn vốn nhà nước tại Vietnam Airlines. Nếu không có những giải pháp kịp thời, những tác động xấu còn có nguy cơ ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các công ty con và thị phần hàng không của Vietnam Airlines.

Ủy ban yêu cầu Vietnam Airlines theo sát diễn biến của thị trường, điều chỉnh các chính sách phù hợp cho hoạt động khai thác. Cần tính toán tới kịch bản tái cơ cấu nguồn lao động, tiếp tục tìm kiếm cơ hội giảm thiểu những chi phí cố định. Với hoạt động tài chính, tái cơ cấu, tuy đã có sự ủng hộ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Vietnam Airlines vẫn cần tiếp tục nỗ lực đàm phán với các ngân hàng thương mại. Lãnh đạo Ủy ban cũng lưu ý Vietnam Airlines trong các vấn đề liên quan tới quản lý công nợ, khoản vay, khả năng thanh toán.

Đối với các giải pháp thời gian tới, trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban sẽ phối hợp cùng Vietnam Airlines đề xuất phương án cụ thể báo cáo Chính phủ, Quốc hội để tháo gỡ 2 nội dung về tính pháp lý trong phát hành cổ phiếu cho số cổ đông hiện hữu và thời hạn tái cấp vốn sau khi tổ chức tín dụng cho vay. Từ đó, làm việc với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về các vấn đề xây dựng phương án tái cơ cấu tài sản, vốn, mua sắm, thanh lý, thoái vốn, tạo ra cơ sở để SCIC xem xét hợp tác, bảo đảm theo các quy định của pháp luật.

Chia sẻ với những khó khăn của Vietnam Airlines, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, đối với kế hoạch sản xuất, đầu tư phát triển 5 năm, Vietnam Airlines cần xây dựng trên cơ sở tính toán dự báo tình hình trong bối cảnh có nhiều yếu tố khách quan khó lường nên cần tập trung xây dựng dự thảo để trong quá trình vận hành có thể có thay đổi tùy theo điều kiện khách quan. Đối với kiến nghị xin Chính phủ xem xét lùi thời điểm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp, thoái vốn nhà nước sau khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn theo Nghị quyết được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban đang có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ dựa trên tình hình thực tế bao gồm các yếu tố khách quan, bất khả kháng, chưa thể dự đoán chính xác tình hình cụ thể để lên phương án hiệu quả.

Khẳng định Ủy ban sẽ sát cánh, đồng hành cùng Vietnam Airlines trong giai đoạn khó khăn này, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đánh giá: Trong bối cảnh năm 2020 nhiều khó khăn, chịu nhiều tác động tiêu cực trực tiếp từ dịch COVID-19 nhưng tập thể lãnh đạo và người lao động Vietnam Airlines đã có nhiều nỗ lực, chung tay khắc phục khó khăn đang phải đối mặt. 

Trong giai đoạn này, Vietnam Airlines đang trải qua quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo, đặc biệt, quá trình này diễn ra trong thời điểm khó khăn, nhưng theo nhận định của Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, thế hệ lãnh đạo mới đã kế thừa những truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước; đồng thời, phát huy được tinh thần sáng tạo, tư duy mới trong quản trị doanh nghiệp.

Lãnh đạo Ủy ban đề nghị, Vietnam Airlines cần xây dựng các kịch bản chi tiết, bên cạnh “kịch bản tốt” khi tình hình dịch bệnh được khống chế, tiến triển khả quan, có cả “kịch bản xấu” nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài hơn so với dự kiến. Từ đó, chuẩn bị được những phương án điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế./.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực