Vĩnh Phúc: Hướng đi hiệu quả từ mô hình trang trại nuôi chim cút

Thứ tư, 20/02/2019 21:13
(ĐCSVN) - Tích cực khai thác tiềm năng lợi thế địa phương, thực hiện chủ trương của tỉnh Vĩnh Phúc về phát triển chăn nuôi, nhiều hộ dân ở huyện Vĩnh Tường đã lựa chọn đối tượng nuôi là chim cút để phát triển kinh tế gia đình nhằm xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Gia đình ông Hạ Văn Cấp là một trong những hộ như vậy.
Mô hình nuôi chim cút mang lại cho gia đình ông Cấp thu nhập hàng tháng khoảng trên 200 triệu đồng
(Ảnh: QĐ)
Hơn 10 năm trước, gia đình ông Hạ Văn Cấp là một trong những hộ tiên phong trong việc xây dựng mô hình nuôi chim cút ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Theo chia sẻ của ông Cấp, những năm 2007 - 2008, món chim cút cũng như trứng cút rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau một thời gian tìm hiểu thị trường, ông suy nghĩ, vì sao ở những địa phương khác họ nuôi được mà ở Vĩnh Tường lại không ai nuôi con vật này. Xuất phát từ ý nghĩ đó, ông Hạ Văn Cấp đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu đặc điểm con chim cút xem có thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương hay không và cuối cùng, ông quyết định mua giống chim cút về nuôi thử. Lúc đầu, ông Cấp và gia đình chỉ nuôi với số lượng ít, nhưng ông nhận thấy chim cút là loại vật nuôi không quá khó. Từ đó, gia đình ông Cấp mạnh dạn đầu tư phát triển số lượng chim và mở rộng diện tích chuồng nuôi. Cũng chính từ hiệu quả kinh tế do con chim cút mang lại mà ông Hạ Văn Cấp đã luôn gắn bó với loại vật nuôi đặc biệt này. Hiện nay, với khu chuồng nuôi rộng gần 2.000 m2, ông Cấp và gia đình thường xuyên duy trì đàn chim cút với số lượng dao động khoảng 15 - 16 vạn con.
Kiếm tra trứng cút lộn trước khi xuất bán (Ảnh: QĐ)

Tìm hiểu được biết, những năm đầu, ông Cấp cũng chỉ mua trên 1.000 con chim cút còn nhỏ về làm giống, sau đó ông cho đẻ và nhân giống. Gia đình ông đầu tư cả hệ thống máy chế biến thức ăn cho chim và lò ấp trứng nên rất thuận tiện việc chăm sóc và quá trình ấp nở chim giống. Bắt nhịp kịp với nhu cầu của thị trường, ông Cấp vừa cho chim cút đẻ lấy trứng, vừa nuôi chim thịt và ấp, bán chim giống. Thời gian để một con chim cút trưởng thành và đẻ trứng là khoảng 35 - 40 ngày; số lượng chim đẻ trứng khoảng 90 - 95%. Ưu thế nổi trội của chim cút là liên tục cho trứng trong vòng 07 - 09 tháng. Sau khoảng thời gian trên thì năng suất trứng giảm dần. Khi đó, ông Cấp sẽ tiến hành loại thải chim bố mẹ bằng cách bán chim thịt với giá 10.000 - 12.000 đồng/con. Hiện nay, với số lượng hơn 17 vạn con, ông đang cho trên 10 vạn con đẻ lấy trứng lộn, còn lại là cho đẻ lấy trứng thường. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn chim cút nhà ông Cấp đẻ rất đều. Với giá bán chim cút giống mới nở là 700 đồng/con; 5.000 - 5.500 đồng/chục quả trứng cút lộn, 3.500 đồng/chục quả trứng thường, bình quân mỗi tháng ông thu về trên 200 triệu đồng. Nhờ đó, mô hình trang trại của ông đã trở thành một trong những mô hình nuôi chim cút lớn nhất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Từ phát triển nuôi chim cút, ông Cấp đã có nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, con cái học hành đến nơi đến chốn. Ngoài ra, ông đang thuê hơn 2,5 ha ao đầm của xã để nuôi thêm thủy sản các loại.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhờ có kinh nghiệm nhiều năm nên ai có nhu cầu nuôi chim cút, ông đều chia sẻ kinh nghiệm cho họ. Vì thế, hiện nay trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã có khá nhiều hộ phát triển mô hình nuôi chim cút. Nhìn chung, các hộ nuôi chim cút đều cho thu nhập khá ổn định. Bên cạnh đó, trang trại nuôi chim cút của gia đình nhà ông Cấp cũng tạo việc làm thường xuyên và việc làm thời vụ cho hàng chục lao động là người địa phương. Theo kinh nghiệm của ông Hạ Văn Cấp, nuôi chim cút đòi hỏi phải chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo đủ ánh sáng. Mùa hè, thời tiết nắng nóng, nên vệ sinh chuồng thông thoáng, giữ nhiệt độ mát mẻ; còn mùa đông, do thời tiết lạnh, chim sinh sản chậm nên cần đảm bảo ánh sáng và tăng độ ấm, nhiệt độ thích hợp cho chim cút phát triển là 20 - 30°C. Mô hình nuôi chim cút có ưu điểm là nhanh thu hồi lại vốn, chi phí đầu tư không cao, ít bị dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc, rất phù hợp với các hộ nông dân. Người chăn nuôi có thể tranh thủ thời gian nông nhàn để làm mô hình này. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm cũng khá thuận lợi bởi nhu cầu của thị trường về chim cút thịt và trứng chim cút là khá lớn.

Mô hình nuôi chim cút của gia đình ông Hạ Văn Cấp ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Video: QĐ

Mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi chim cút, gia đình ông Hạ Văn Cấp là một trong những điển hình tiêu biểu về phát triển kinh tế ở địa phương. Không chỉ được công nhận là mô hình đạt chuẩn trang trại, gia đình ông Cấp còn được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp; song như chia sẻ của ông Cấp, điều làm ông vui nhất đó là đã tìm ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả và thực sự phù hợp với điều kiện của quê hương.

Từ mô hình nuôi chim cút của ông Hạ Văn Cấp cũng như các hộ dân ở huyện Vĩnh Tường đang cho hiệu quả kinh tế cao có thể nhận thấy chim cút là loại vật nuôi cần được nhân rộng, nhất là đối với những vùng nông thôn để có thể giúp người nông dân vươn lên phát triển sản xuất; thực hiện xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững./.


 
Thùy Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực