Sáng 13/10, tại Hà Nội, Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V với chủ đề “Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà” đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nông dân, các nhà quản lý và các chuyên gia uy tín.
Đây là một trong nhiều hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Tự hào nông dân Việt Nam được tổ chức thường niên. Diễn đàn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ và Ngân hàng Nhà nước cùng phối hợp chỉ đạo, Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền trực tiếp thực hiện.
Đặc biệt, Diễn đàn lần này được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng chủ trì điều hành Diễn đàn. Tham dự còn có lãnh đạo các Bộ Khoa học Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương… Bên cạnh đó, còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo nhiều địa phương, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các hiệp hội; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Để góp phần tranh thủ cơ hội vượt qua thách thức, chúng ta cần thống nhất những giải pháp căn cơ nhất để huy động vốn sử dụng có hiệu quả 2 vấn đề mấu chốt là “vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà” nhằm tạo cầu nối trao đổi, đối thoại, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị của nông dân, HTX, doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong việc tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để đưa vốn, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp với chi phí hợp lý nhất để từ đó nâng cao được sản lượng, chủng loại, chất lượng nông sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu; góp phần hình thành, nâng cao chuỗi giá trị nông sản với sự tham gia của 6 nhà (Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, nnhà nước, Nhà khoa học, Nhà ngân hàng, Nhà phân phối).
“Vì vậy, tôi đề nghị các diễn giả, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và các đại biểu nông dân tiêu biểu, HTX, doanh nghiệp có mặt tại diễn đàn ngày hôm nay tập trung thảo luân, đối thoại, trao đổi thẳng thẳn vào chủ đề của diễn đàn gồm 3 nội dung lớn. Đó là vốn đầu tư; vai trò của nhà khoa học công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp và mối liên kết 6 nhà trong việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản vì bạn bè quốc tế và vì dân tộc Việt Nam” - Chủ tịch Thào Xuân Sùng yêu cầu.
|
Diễn đàn lần này tập trung thảo luận hai vấn đề quan trọng của sản xuất – kinh doanh.
(Ảnh: HNV)
|
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp nước ta mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song đã đạt được kết quả đáng khích lệ, đóng góp không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu và kết quả tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm nay dù đại dịch COVID-19 hoành hoành nhưng tổng giá trị xuất khẩu nông sản ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD.
Có được kết quả này, ngoài những nỗ lực đổi mới của các doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất và kinh doanh, trong những năm qua Chính phủ đã tích cực tham gia ký kết các hiệp định thương mại như WTO, CPTPP, EVFTA... nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản.
Tuy vậy, thương hiệu của nông sản Việt vẫn chưa thực sự tạo được sự chú ý trên thị trường thế giới, mà mấu chốt chính là mối quan hệ trong 6 "Nhà" (Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà phân phối) vẫn còn một vài vướng mắc cần giải quyết, đặc biệt là câu chuyện về sử dụng vốn sao cho hiệu quả hay ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh nông sản như thế nào để đạt được hiệu quả tốt.
Tại Diễn đàn, các ý kiến tham luận, trao đổi đã giúp nông dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông sản cũng như làm thế nào để tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, làm thế nào để sử dụng đồng vốn một cách thông minh, hiệu quả nhất.
Không thể phủ nhận rằng, hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp nói chung, kinh tế vườn, kinh tế VAC nói riêng, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Từ đó, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá”…
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức Cuộc thi "Làm nông thời công nghệ 4.0" cũng tổ chức trao giải cho các cá nhân đoạt giải. Cuộc thi này do Báo Nông thôn ngày nay phối hợp với Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng HD Bank và Vinaphone. Sau hơn 1 năm phát động, Ban Tổ chức đã nhận được gần 700 hồ sơ dự thi.
Có thể thấy, trong thời mở cửa và hội nhập, yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, số lượng lớn, giá rẻ và có chiến lược thị trường tốt. Điều này cũng cho thấy, việc xây dựng thành công mô hình liên kết 6 nhà một cách chặt chẽ chính là cách giúp tất cả các bên đều có lợi.
Không phủ nhận rằng, liên kết sản xuất là yếu tố quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Đồng thời, làm tốt vai trò quản lý của Nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo nguyên tắc các bên tham gia liên kết đều bình đẳng và cùng có lợi, góp phần xây dựng các mối liên kết bền vững, hiệu quả./.
Diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016. Trong 5 năm qua, với nhiều chủ đề thiết thực được thảo luận (Năm 2016: Nông dân toàn cầu – từ tư duy đến hành động; Năm 2017: Hãy sẵn sàng với nông nghiệp 4.0; Năm 2018: Xuất khẩu nông sản: Cơ hội và thách thức; Năm 2019 - Từ EVFTA tới CPTPP: Cùng nông dân đi chợ thế giới). |