Vui cùng diêm dân!

Thứ tư, 26/02/2020 12:04
(ĐCSVN) - Ông Nguyễn Quốc Vinh, diêm dân có gần 20 năm làm nghề muối không giấu được niềm phấn khởi cho biết: Nhiều năm rồi, đây là năm thứ 2 muối vừa trúng mùa, trúng giá. Vụ này ước tính trung bình 1.000 m2 muối trải bạt cho năng suất khoảng 70 tấn/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ.

 Diêm dân các tỉnh ven biển ĐBSCL tất bật vào vụ thu hoạch muối đầu vụ. So với cách làm truyền thống sản xuất muối trên sân đất, phương pháp sản xuất muối trắng trên sân trải bạt

đã rút ngắn thời gian kết tinh xuống còn 7 – 9 ngày là thu hoạch muối. 

Vào những ngày cuối tháng 2 này, chúng tôi về các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đúng thời điểm diêm dân ở đây đang đồng loạt vào cải tạo ruộng muối. Nắng nóng chuyển mùa oi bức hầm hập cùng với gió biển thổi mạnh mang theo vị mặn, có thể khiến cho người nơi khác khó chịu, nhưng với diêm dân lại là niềm vui báo hiệu được mùa muối.

Hằng năm, cứ dịp sau Tết Nguyên đán, diêm dân lại tất bật bước vào vụ muối. Hiện, diêm dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL) đang vào cao điểm vụ sản xuất muối năm 2020, tập trung bốn tỉnh có diện tích muối lớn: Bạc Liêu (1.670 ha), Bến Tre (1.440 ha), Sóc Trăng (450 ha) và Trà Vinh. Năm nay, diêm dân rất phấn khởi vì “trúng mùa, được giá”.

Đi dọc các tuyến đê của cánh đồng muối lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long chạy dài từ thành phố Bạc Liêu sang xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), Điền Hải, Long Điền Đông (huyện Đông Hải) những ngày này, đâu đâu cũng thấy mọi người bắt tay vào công việc như lăn sân, bơm nước vào ruộng, cào muối. Thấp thoáng xuất hiện những núi muối trắng tinh, muối trắng đục, muối phèn và muối đen được cào lên từ ruộng nền đất.

Ông Nguyễn Quốc Vinh ở ấp Danh Điền, xã Điền Hải (huyện Đông Hải – Bạc Liêu) - diêm dân có gần 20 năm làm nghề muối không giấu được niềm vui phấn khởi cho biết: “Nhiều năm rồi, đây là năm thứ 2 muối vừa trúng mùa, trúng giá. Diêm dân chúng tôi tranh thủ cào muối cả đêm tối để bán cho thương lái. Vụ này ước tính trung bình 1.000 m2 muối trải bạt cho năng suất khoảng 70 tấn/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ”.

 Tuy vất vả nhưng thành quả nhận được sau nhiều ngày phơi mình cùng muối biển dưới cái nắng là những hạt ngọc trắng trong trên đôi vai trĩu nặng.

Đưa tay lên lau những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, anh Danh Dũng ở ấp Vĩnh Điền, xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) cho biết: “Gia đình tôi đã làm muối thuê hơn chục năm nay rồi, dù hết vụ muối đi tìm việc khác làm, nhưng đến vụ cũng phải quay về. Có lẽ không có nghề nào tốn công sức như làm muối. Nếu không làm nghề này, chúng tôi chẳng còn biết làm gì nữa. Suốt ngày toàn tiếp xúc với nước biển, tay chân đứt không lành được, vác muối trên vai nước muối chảy xuống da rát hết cả người. Nhưng nếu làm chăm chỉ, nghề này cũng sống được, tuy không dư dả nhiều nhưng cũng nuôi sống được gia đình. Năm nay muối được giá trúng mùa nên thu nhập cũng khá hơn".

Theo ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu: Vụ muối 2019 – 2020, diêm dân Bạc Liêu đưa vào sản xuất 1.670 ha muối; trong đó, muối trải bạt hơn 72 ha, sản lượng ước đạt 50.000 tấn với muối trắng khoảng 4.700 tấn. Thời tiết năm nay thuận lợi, nắng kéo dài, độ nóng cao là điều kiện tốt cho sản xuất muối. Hiện muối đen được thương lái mua tại ruộng có giá dao động từ 800 – 1.200 đồng/kg, muối trắng từ 1.500 – 1.800 đồng/kg, cao gấp 3 – 4 lần so với thời điểm giá muối xuống thấp. Với giá hiện tại, diêm dân có lãi khoảng 40 – 50 triệu đồng/ha/vụ. “Mặc dù giá muối hiện tăng mạnh so với trước nhưng Bạc Liêu tiếp tục khống chế diện tích sản xuất; đồng thời khuyến khích diêm dân chuyển một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập ổn định.” – ông Thanh nói.

 Đến nay, dù khoa học – công nghệ đã tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất nhưng diêm dân xã Điền Hải (huyện Đông Hải – Bạc Liêu) vẫn còn giữ phương pháp sản xuất truyền thống. Đó là sau khi cải tạo đồng muối bằng cách lăn cho sân phơi bóng láng mới tiến hành lấy nước biển vào.

Nghề làm muối đã có mặt ở vùng biển Bến Tre gần trăm năm qua, hình thành nên những cánh đồng muối chạy dọc ven biển. Cái nghề luôn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” dẫu lắm cơ cực nhưng đã gắn liền với đời sống của bao thế hệ diêm dân nơi này. Diêm dân Lê Văn Hải, ấp Thạnh Lợi, xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri – Bến Tre) sản xuất hơn 1 ha muối phấn khởi nói: Hiện thương lái thu mua muối của diêm dân tại ruộng với giá từ 62.000 – 65.000 đồng/giạ (1 giạ là 42 kg), tăng hơn 10.000 đồng/giạ so với cùng thời điểm 2 năm trước. Với mức giá trên, người dân sản xuất có lãi, đem lại thu nhập cho kinh tế hộ. Nghề này vậy đó, nắng đổ lửa mới có ăn, còn mát mẻ, trời mưa… coi như mất mùa”.

Có chung niềm vui như bà con diêm dân ở xã Bảo Thạnh, anh Nguyễn Tấn Lộc, ấp Thới Bình, xã Thới Thuận (huyện Bình Đại – Bến Tre) nói: “Vụ muối năm nay, gia đình tôi sản xuất hơn 1,2 ha muối. Trong đó, sản xuất thử nghiệm 500 m2 muối trải bạt cho năng suất muối cao hơn khoảng 30% so với sản xuất truyền thống. Sản xuất muối trải bạt nhẹ công chăm sóc, muối trắng hơn và giá bán cũng cao hơn từ 10.000 – 12.000 đồng/giá. Tuy nhiên, sản xuất muối trải bạt chi phí đầu tư cao hơn với sản xuất muối truyền thống, vì vậy diêm dân rất cần sự hỗ trợ để mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt trong thời gian tới”.

 Dưới nắng vàng rực rỡ, trên cánh đồng muối xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri – Bến Tre) ánh lên sắc màu lấp lánh, trông xa như những hạt ngọc kết tinh từ vị mặn mòi biển cả. 

Điều đáng mừng là, sau khi thu hoạch có thương lái đến thu mua, diêm dân thu hồi được đồng vốn, có điều kiện mở rộng đầu tư sản xuất, trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều diêm dân hy vọng, thời tiết tiếp tục nắng tốt, giá muối ổn định kéo dài, giúp cho diêm dân ĐBSCL có một vụ muối “trúng mùa – được giá” sau nhiều vụ muối “trắng tay”./.

Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực