Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam” (PFG) do Đại sứ quán Phần Lan và AAV đồng tài trợ.
Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) (Ảnh: BT)
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang soạn thảo Luật Lâm nghiệp thay thế cho Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004. Dự thảo Luật Lâm nghiệp đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và tới nay đã có bản dự thảo lần thứ 5. Tuy nhiên, trong các bản dự thảo này, vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của chủ rừng vào việc xây dựng và thực hiện Luật còn nhiều hạn chế.
Trong khuôn khổ sự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam” (PFG), Hội chủ rừng Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp và AAV đã thực hiện 15 cuộc khảo sát cộng đồng trong tháng 2/2017 tại 5 địa bàn: Cao Bằng, Đắk Lăk, Lâm Đồng, Trà Vinh và Bạc Liêu. Kết quả nghiên cứu cho thấy trên thực tế, một số quyền và nghĩa vụ của chủ rừng vẫn chưa được thực hiện do những quy định, những văn bản dưới Luật còn gây khó khăn, đặc biệt là cho người dân tộc thiểu số, phụ nữ và thanh niên. Do vậy, việc góp ý sửa đổi Luật là cần thiết.
Ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát ý kiến về Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) tại 5 tỉnh cho thấy, có đến 2/3 số người được phỏng vấn đã khẳng định, người dân và chủ rừng được quyền tiếp cận với tài nguyên rừng và đất rừng để phát triển sinh kế. Một phần ba trong số họ cho rằng chỉ tiếp cận được một phần vì các thủ tục cấp phép còn những rườm rà, kiểm soát với lâm sản còn chưa giống với kiểm soát các hàng hóa khác. Một số quy định của Luật khó áp dụng trong thực tế bởi thiếu thông tư hướng dẫn, thiếu cơ sở thực hiện, thiếu cơ chế giám sát,…
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, một số điều quy định về quyền của chủ rừng rất khó áp dụng trong thực tế. Chẳng hạn, chủ rừng được quyền hưởng sản phẩm gia tăng do quản lý bảo vệ rừng nhưng vì không có số liệu về giá trị của rừng khi giao dẫn đến không biết chủ rừng đã làm tăng được bao nhiêu giá trị để cho phép sử dụng. Chủ rừng phải có kế hoạch phát triển sản xuất được phê duyệt, trong khi phần lớn chủ rừng không thể tự xây dựng được kế hoạch phát triển sản xuất với rừng tự nhiên.
Về quyền và nghĩa vụ với chủ rừng, quyền được đăng ký sở hữu, sử dụng rừng rất khó thực hiện vì trên các hồ sơ giao rừng thường không ghi cụ thể chỉ tiêu về số lượng và chất lượng rừng được giao mà chỉ là giao đất có rừng. Một số quy định về thủ tục pháp lý để khai thác giá trị của rừng còn phức tạp và khó giải quyết, đáp ứng nhu cầu của các chủ rừng. Một số quy định của Luật về quyền được khai thác rừng, kể cả rừng trồng sản xuất, hay việc kiểm soát lưu thông sản phẩm là rừng trồng cũng phức tạp với chủ rừng.
Nhằm giúp tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của chủ rừng vào việc xây dựng và thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), đã có nhiều ý kiến của cán bộ địa phương và chủ rừng góp ý vào xây dựng Luật. Trong đó, đề nghị bổ sung quy định “Mọi khu rừng trong diện tích quy hoạch lâm nghiệp đều được nhà nước giao cho một chủ thể cụ thể để quản lý”. Đề nghị giao diện tích rừng hiện do UBND xã quản lý về cho các cộng đồng hay các hộ gia đình, cá nhân, đồng thời bỏ yêu cầu “cùng phong tục tập quán” trong khái niệm thuật ngữ về chủ rừng là cộng đồng.
Các ý kiến cũng cho rằng, cần bổ sung quy định về quyền được tiếp cận các thông tin quản lý ngành lâm nghiệp và quyền giám sát các hoạt động quản lý lâm nghiệp. Đặc biệt, có quy định về quyền được hưởng lợi từ rừng của những người dân sống gần rừng do hiện nay những người sống gần rừng vẫn tiếp cận với tài nguyên rừng, khai thác các nguồn lợi từ rừng nhưng không theo quy định nào của nhà nước hay cộng đồng địa phương. Điều này làm tổn hại đến rừng và giảm hiệu quả sử dụng rừng.
Ngoài ra, cần có quy định về ưu tiên các hộ gia đình dân tộc thiểu số, hộ nghèo và hộ có chủ là phụ nữ trong tiếp cận tài nguyên rừng; hỗ trợ kinh phí để phát triển sinh kế. Các chủ rừng là tổ chức đề nghị tăng thẩm quyền cho các chủ rừng trong xử lý vi phạm xâm lấn rừng và đất rừng.
Tại Hội thảo, các ý kiến thảo luận, trao đổi thiết thực tiếp tục được đưa ra cho Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả khi Luật được triển khai trong thực tiễn, đồng thời thúc đẩy minh bạch và công bằng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản trị rừng tại địa phương./.