Xây dựng ngành Hải quan hiện đại, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế

Thứ ba, 10/10/2023 18:18
(ĐCSVN) – Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là xây dựng và phát triển ngành hải quan hiện đại, đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại sự kiện

Đó là nội dung được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh tại phiên khai mạc Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức hôm nay (10/10), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Đây là Hội nghị quốc tế thường niên lớn nhất của WCO, với chủ đề của năm 2023 là “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới và Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp”.

Hội nghị có sự góp mặt của các diễn giả là lãnh đạo, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, của hải quan các nước, các công ty đa quốc gia cung cấp giải pháp công nghệ về hải quan. 

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và khả năng kết nối, dẫn đến, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu và là ưu tiên cao trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.

Bối cảnh trên mở ra những cơ hội phát triển lớn, song cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết về đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, cách thức quản trị trong các ngành nghề, bao gồm cả lĩnh vực hải quan.

Bên cạnh đó, tình hình chính trị - an ninh quốc tế diễn biến phức tạp, hậu quả của đại dịch COVID-19 còn nặng nề, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, việc kiểm soát, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu thuế phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, ngành hải quan có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ các nền kinh tế phát triển lành mạnh, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân giữa các nước; đồng thời góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia.

Với vai trò đó, hải quan phải là một trong những ngành tiên phong trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của quá trình này.

Phó Thủ tướng đánh giá cao cách tiếp cận của Hội nghị coi công nghệ vừa là công cụ, phương thức hữu hiệu trong thực hiện các nghiệp vụ hải quan, đồng thời đóng vai trò quan trọng để tăng cường kết nối nội bộ và kết nối giữa các lực lượng, cơ quan hải quan của các quốc gia, khu vực trên thế giới với nhau, cũng như giữa ngành hải quan với toàn xã hội.

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi thẳng thắn về các cơ hội, thách thức, tiềm năng, triển vọng phát triển của ngành hải quan trong kỷ nguyên số; đưa ra các khuyến nghị, giải pháp có tính khả thi cao nhằm nắm bắt tốt các cơ hội do khoa học công nghệ và chuyển đổi số mang lại, để đưa ngành hải quan phát triển lên tầm cao mới, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và của cả thế giới.

Tại Hội nghị, Tổng Thư ký WCO Kunio Mikuriya cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của của số hoá, đặc biệt trong các hoạt động của hải quan. Hội nghị lần này sẽ là cơ hội tốt để cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm thế giới về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới cũng như cách thức giải quyết các thách thức trong quản lý, ứng dụng công nghệ và hoạt động thương mại.

Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn gửi lời cảm ơn WCO đã lựa chọn Việt Nam là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị lần này. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, ngày 10/10 đánh dấu tròn 30 năm Hải quan Việt Nam là thành viên trong ngôi nhà chung của WCO. Trong 30 năm gắn với đổi mới, phát triển, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với hơn 200 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến năm 2022 là 732 tỷ USD, đứng thứ 20 trên thế giới.

 Hình ảnh các đại biểu trong phiên thảo luận (Ảnh: M.P)

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và hỗ trợ của WCO, Hải quan Việt Nam đã kết nối với hải quan các nước thành viên trong hợp tác song phương hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức hải quan cũng như trợ giúp về công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số. Đến nay, Hải quan Việt Nam từ thực hiện thủ tục hải quan thủ công đã tiến hành thủ tục hải quan phi giấy tờ 99%, thông quan 65% các lô hàng trong 1-3 giây, đảm bảo lưu thông chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cộng đồng và lợi ích quốc gia.

Thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, Hải quan Việt Nam đang và sẽ tiếp tục tiến hành chuyển đổi số sâu rộng theo hướng xây dựng hải quan chính quy, hiện đại, thông minh, ngang bằng các nước phát triển đến trước năm 2030 theo đúng Chiến lược phát triển hải quan đã được phê duyệt.

Hiện nay, Hải quan Việt Nam đang thực hiện thí điểm kết nối với các bộ, ngành trong khuôn khổ Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN, tạo thuận lợi thương mại cũng như kết nối với các cơ quan hải quan có đường biên giới với Việt Nam và với tất cả các cơ quan hải quan, đối tác của cơ quan hải quan trên toàn thế giới theo hướng hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh theo định hướng của WCO cũng như Chính phủ Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cảm ơn WCO đã lựa chọn Việt Nam là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị lần này.

Để sớm đạt mục tiêu, chiến lược đề ra, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WCO cũng như các cơ quan các nước thành viên cũng như các đối tác của cơ quan hải quan trong chuyển tải, đưa công nghệ tiến tiến, trao đổi thông tin, đảm bảo lưu thông hàng hoá, góp phần phát triển ngôi nhà chung hải quan thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu quang thăm các gian triển lãm giới thiệu các công nghệ mới của các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực hải quan và thương mại (Ảnh: M.P)

Theo chương trình, Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 được tổ chức từ ngày 10-12/10/2023 gồm 2 Phần: Hội nghị và Triển lãm. Trong đó, phần hội nghị gồm 10 phiên toàn thể, 9 phiên chuyên đề, và các cuộc nói chuyện công nghệ. Phần triển lãm sẽ có khoảng 50 gian triển lãm giới thiệu các công nghệ mới của các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực hải quan và thương mại.

Về nội dung Hội nghị, các phiên toàn thể sẽ thảo luận về các chủ đề: Ứng dụng công nghệ trong hoạt động hải quan; Ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu; Đảm bảo an ninh, an toàn và tính liên tục của hệ thống hải quan có khả năng ứng phó với sự cố, thảm hoạ; Tác động của công nghệ đến môi trường làm việc của hải quan; Hợp tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của cơ quan hải quan và thương mại quốc tế.

Các phiên chuyên đề sẽ thảo luận về các chủ đề: Đào tạo như tối đa hoá đào tạo số trong hải quan, giải quyết các thách thức về đào tạo hải quan...; Phát triển bền vững như hải quan xanh, bình đẳng giới thông qua công nghệ và đổi mới...; Kiểm soát hải quan như: sử dụng các thiết bị an ninh thông minh và công nghệ không xâm nhập, thiết bị bay không người lái và robot.../.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực