Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Rau gia vị Tiến Thắng”

Thứ sáu, 15/03/2024 20:49
(ĐCSVN) – Nhiều năm qua, trồng rau gia vị đã trở thành một nghề mang lại thu nhập cao cho người dân xã Tiến Thắng (Mê Linh, Hà Nội). Để sản phẩm rau gia vị sớm vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong cả nước cũng như mở rộng thị trường, việc tích cực hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rau gia vị Tiến Thắng” sẽ góp phần kết nối đầu ra cho các sản phẩm.

Chiều 15/3, Ủy ban Nhân dân xã Tiến Thắng phối hợp cùng Công ty TNHH Nghiên cứu, ứng dụng và quản lý khoa học công nghệ Trí tuệ Việt Nam (Vinaintech) tổ chức Hội thảo “Thực trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau gia vị Tiến Thắng và lấy ý kiến góp ý về các vấn đề liên quan phục vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rau gia vị Tiến Thắng”.

Theo chia sẻ của các đại biểu tham dự Hội thảo, huyện Mê Linh hiện có diện tích tự nhiên trên 14.000 ha, trong đó đất nông nghiệp trên 8.000 ha. Thời gian qua, huyện Mê Linh đã và đang chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa với các loại cây rau cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.

TS. Hoàng Hà trình bày báo cáo tại Hội thảo. 

Đặc biệt, trong đó xã Tiến Thắng được coi là vựa rau gia vị lớn nhất của huyện do nghề trồng rau gia vị ở đây được hình thành và phát triển khoảng 20 - 30 năm, nên người dân có nhiều kinh nghiệm trong gieo trồng, chăm bón cây rau gia vị. Đây cũng là xã có số lượng lớn các hộ tham gia sản xuất rau gia vị (hơn 1.300 hộ sản xuất) với diện tích khoảng 125ha. Các loại rau gia vị được trồng chuyên canh, cho thu hoạch quanh năm, là cây trồng chủ lực của xã Tiến Thắng. Trong đó, sản phẩm rau gia vị chủ yếu tại xã Tiến Thắng là hành lá, mùi tàu, húng, kinh giới, tía tô, thì là, rau mùi..., mang lại thu nhập chính cho các hộ dân. Rau thu hoạch đến đâu đều được thương lái tới tận nhà thu mua. Chi phí đầu tư trồng rau gia vị thấp (chỉ 300 - 500 nghìn đồng/sào/năm), nhân công ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định, khoảng 20 - 30 triệu đồng/sào/năm. Riêng cây kinh giới và cây tía tô, chu kỳ thu hoạch khoảng 20 - 25 ngày một lứa và thu hoạch liên tục 8 - 12 tháng.

Nghề trồng rau gia vị ở xã Tiến Thắng thời gian qua đã thu được nhiều kết quả khả quan. Các HTX của xã Tiến Thắng đã chú trọng làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, chủ động nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, làm tốt công tác điều tiết nước. Ngoài ra, các HTX còn vận động các xã viên sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học và tuân thủ thời gian cách ly an toàn trước khi thu hoạch. Các cấp chính quyền của huyện Mê Linh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân sản xuất rau gia vị. Hiện nay, nhiều hộ dân sản xuất rau đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt khung vòm che phủ cho rau để giảm thiểu thiệt hại do thời tiết, vì vậy năng suất được cải thiện đáng kể và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, việc trồng rau của người dân tại xã Tiến Thắng còn nhỏ lẻ, phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Người dân chủ yếu vẫn sản xuất theo tập quán, diện tích rau được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn chưa nhiều do chưa có thị trường tiêu thụ riêng cho các sản phẩm rau sản xuất theo tiêu chuẩn rau an toàn và sản xuất thông thường, do đó chưa tạo động lực thúc đẩy mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn; các hộ sản xuất của xã chưa tiếp cận được nhiều giống rau gia vị có năng suất cao, sức chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh; vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất. Sản phẩm tuy tốt nhưng chưa được đăng ký nhãn hiệu, chưa có hệ thống nhận diện như logo, bao bì, nhãn mác với đầy đủ thông tin. Do vậy, sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ khó phân biệt được nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng không phân biệt được sản phẩm rau gia vị của các vùng trồng khác nhau trên cùng địa bàn Hà Nội.

Để vùng rau gia vị phát triển bền vững, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và ngành nông nghiệp trong việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hình thành vùng chuyên canh rau an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường… Bên cạnh đó, nhằm tạo dựng thương hiệu, đưa rau gia vị trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Nghiên cứu, ứng dụng và quản lý khoa học công nghệ Trí tuệ Việt Nam - TS. Hoàng Hà cho biết: Bước đi cần thiết là việc xác lập quyền độc quyền với nhãn hiệu tập thể gắn với xã Tiến Thắng cho sản phẩm rau gia vị. Từ đó, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả có nguồn gốc xuất xứ từ xã Tiến Thắng; phát triển thương hiệu “Rau gia vị Tiến Thắng” thông qua việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể và chống các hành vi xâm phạm quyền...

Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Rau gia vị Tiến Thắng” hướng đến việc sản xuất các sản phẩm rau gia vị chất lượng cao để góp phần tạo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế của địa phương. Sau khi xây dựng nhãn hiệu tập thể, cần triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ quản lý địa phương, người dân để quản lý và khai thác hiệu quả nhãn hiệu tập thể trên thực tế./.

Tin, ảnh: Hồng Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực