Xây dựng quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, cốt lõi vẫn là vấn đề con người

Thứ năm, 19/05/2022 16:12
(ĐCSVN) – Yêu cầu đặt ra với quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam là phải phát huy được những giá trị truyền thống văn hoá Việt Nam, những điểm mạnh của doanh nhân Việt Nam, tạo giá trị, sức mạnh mềm của doanh nhân Việt Nam. Đặc biệt, để xây dựng văn minh kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, cốt lõi đầu tiên cần chú trọng là vấn đề con người.
 Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Đó là chia sẻ của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Lễ công bố và phát động thực hiện "6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam" tổ chức sáng 19/5, nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của VCCI, thời gian qua VCCI đã triển khai nghiên cứu, xây dựng các quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn cao cấp, các đơn vị nghiên cứu khoa học và đại diện các doanh nhân, doanh nghiệp.

Yêu cầu đặt ra với quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam là phải phát huy được những giá trị truyền thống văn hoá Việt Nam, những điểm mạnh của doanh nhân Việt Nam, tạo giá trị, sức mạnh mềm của doanh nhân Việt Nam. Đồng thời khắc phục những hạn chế của giới doanh nhân hiện nay và tiếp thu các giá trị phổ quát thời đại của cộng đồng doanh nhân quốc tế như: tính minh bạch, chính trực, công bằng.

Mục tiêu của việc xây dựng, ban hành quy tắc đạo đức doanh nhân là: Nâng cao nhận thức của các doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hoá kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; Góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hoá kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao; Củng cố niềm tin, tăng sự ủng hộ của xã hội đối với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

 Lễ công bố và phát động thực hiện "6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam" 

Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ, sau quá trình nghiên cứu có tham khảo nhiều mô hình quốc tế và trong nước, Ban Chấp hành VCCI chính thức thông qua 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Theo đó, 6 quy tắc đạo đức doanh nhân cũng sẽ là yêu cầu tiên quyết trong xem xét, bình chọn, trao tặng giải thưởng "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu".

Ông Phạm Tấn Công cũng khẳng định, việc thực hiện các quy tắc đạo đức doanh nhân không chỉ hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong giới doanh nhân, mà cao hơn, xa hơn là hướng đến xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngang tầm với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2025, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Là chuyên gia trực tiếp tham gia xây dựng quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI cho biết thêm, với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, việc VCCI công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và khuyến nghị, kêu gọi thực hành trong các hội viên, cộng đồng doanh nhân cả nước là rất quan trọng, kịp thời và cần thiết.

"Chính phủ luôn có cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Với bộ quy tắc mới này doanh nghiệp sẽ thực hiện tốt được các tiêu chí đề ra nhưng phải có sự hợp tác từ cả 2 phía là nhà nước và doanh nghiệp. Cải cách thể chế sẽ tiếp tục là một trong những đột phá trong thời gian tới", bà Chi Lan nói./.

Tin, ảnh: Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực