Xây dựng sản phẩm du lịch “6 địa phương – 1 điểm đến” làm tăng sức hút của điểm đến Đông Nam Bộ

Thứ ba, 29/11/2022 23:14
(ĐCSVN) – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đề nghị cần xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp “6 địa phương – 1 điểm đến”, làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương nhằm tăng sức hút của điểm đến Đông Nam Bộ.
 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Chiều 29/11, tại Bình Phước đã diễn ra hội nghị sơ kết liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ. Dự hội nghị có các đồng chí: Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao-Du lịch; Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch; Nguyên Hữu Thọ, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh cùng các công ty lữ hành trên cả nước.

Khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ có gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế

Qua thống kê, trong giai đoạn 2020 – 2022, tổng lượng khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ đạt trên 73,53 triệu lượt khách với doanh thu 260.160 tỉ đồng. Trong đó có gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế.

Trong khi năm 2020, lượng khách du lịch đạt 34,6 triệu lượt khách (tổng doanh thu đạt 99.086 tỉ). Đến năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, lượng khách du lịch đến vùng giảm mạnh cả về số lượng lẫn doanh thu với trên 15,7 triệu lượt khách (doanh thu 51.983 tỉ đồng). Tuy nhiên, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, năm 2022 lượng khách du lịch bắt đầu tăng trưởng mạnh, đạt trên 23,2 triệu lượt khách với doanh thu đạt 109.091 tỉ đồng.

Trong năm 2021, với điều kiện thích ứng an toàn COVID-19, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng 04 tua mô hình khép kín: Hồ Tràm Grand Strip, Suối nước nóng Bình Châu, Hồ Tràm Melia, Six sense Côn Đảo, phối hợp với tỉnh Tây Ninh tổ chức một số tua thí điểm đi Củ Chi và núi Bà Đen (Tây Ninh).

Năm 2022: Các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh phát triển bán các sản phẩm du lịch theo các tuyến kết nối TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, nổi bật như: tuyến du lịch TP Hồ Chí Minh – Tây Ninh – Cáp treo Núi Bà; tuyến du lịch về nguồn TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Trung ương Cục miền Nam; tuyến du lịch TP Hồ Chí Minh – Vũng Tàu; Tuyến du lịch “Tình đất đỏ miền đông” TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; TP Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu…

 Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động trong 7 vùng du lịch của Việt Nam.

Cũng trong giai đoạn này, các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ đã tổ chức được 18 sự kiện du lịch tiêu biểu như: “Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh; “Hội chợ du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh -  ITE HCMC”; Hội chợ Du lịch trực tuyến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên nền tảng sàn thương mại điện tử; Liên hoan ẩm thực tỉnh Bình Dương; hội thảo tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch Bình Phước; Tuần lễ văn hóa du lịch ẩm thực Đồng Nai; Tuần lễ văn hóa du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng… Qua sự kiện các địa phương đã trưng bày, giới thiệu quảng bá xúc tiến du lịch cũng trưng bày các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh giới thiệu đến khách tham quan trong và ngoài nước.

Cùng với đó, các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ cũng đã triển khai đề án du lịch thông minh trong công tác quảng bá du lịch như tại TP Hồ Chí Minh đã chủ trì thực hiện bản đồ du lịch 3D + 2D tương tác thông minh cho vùng Đông Nam Bộ; tỉnh Bình Phước đưa vào vận hành Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tỉnh Bình Phước; tỉnh Bình Dương xây dựng đưa vào sử dụng ứng dụng (App) du lịch Bình Dương trên thiết bị di động thông minh...

Xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp của vùng Đông Nam Bộ

 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho rằng, Bình Phước là mảnh ghép quan trọng trong chuỗi giá trị và những sản phẩm du lịch của vùng Đông Nam Bộ. 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đánh giá đánh giá tốc độ phát triển du lịch Đông Nam Bộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của một vùng văn hóa giàu lịch sử, đa dạng về tài nguyên du lịch và nguồn nhân lực dồi dào. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị cần xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp “6 địa phương – 1 điểm đến”, làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương nhằm tăng sức hút của điểm đến Đông Nam Bộ. Cùng với đó là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng nhân sự tại các điểm du lịch và khách sạn cũng như chất lượng hướng dẫn viên du lịch…

Sau khi nghe lãnh đạo các tỉnh trong vùng trình bày phương hướng, giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới, Phó giáo sư, Tiến sĩ kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chuyên gia tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, vùng Đông Nam Bộ có độ hội tụ cao, tài nguyên du lịch vô tận. Nếu biết cách để phát huy hết tiềm năng ấy thì vùng sẽ là sức bật mạnh, góp phần thúc đẩy du lịch cả nước. Trong đó, lấy Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lan tỏa.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động trong 7 vùng du lịch của Việt Nam. Đây là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển... 

Để vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phát huy vị thế là đầu tàu du lịch của cả nước, các địa phương, doanh nghiệp của vùng quan tâm thực hiện một số nội dung: Thứ nhất, triển khai có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương. Thứ hai, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch. Thứ ba, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Thứ tư về chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch...

 Đại biểu tham quan các quầy trưng bày, giới thiệu về đặc sản và tiềm năng du lịch của các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho rằng, Bình Phước là mảnh ghép quan trọng trong chuỗi giá trị và những sản phẩm du lịch của vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh nhận thức sâu sắc về cơ hội phát triển khi tham gia liên kết vùng và xin tiếp thu toàn diện những chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời cụ thể hóa vào các chiến lược, kế hoạch hành động của ngành du lịch, có trọng tâm, trọng điểm và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ: Ưu tiên xã hội hóa tối đa trên cơ sở huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo sức hút đầu tư để thực hiện phát triển du lịch; tiếp tục đề xuất Trung ương và chủ động phối hợp các địa phương để triển khai xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ, tạo “cú hích” đồng bộ trong liên kết phát triển du lịch vùng thời gian tới.

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển nền tảng hạ tầng kết nối, hạ tầng điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, thì vai trò các doanh nghiệp dịch vụ du lịch là không thể thiếu trong chuỗi hoạt động tham gia liên kết phát triển du lịch.

Nhân dịp này, tỉnh Bình Phước trân trọng mời các tổ chức, cá nhân quan tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong đầu tư du lịch của tỉnh chắc chắn sẽ là môi trường thuận lợi nhất để doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư chọn lựa ưu tiên tham gia hàng đầu...

Hội nghị đã thông qua kế hoạch triển khai thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2023, với 6 nội dung trọng tâm gồm: Công tác quản lý nhà nước về du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch; Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; Đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; Tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là đơn vị tổ chức hội nghị sơ kết luân phiên vào cuối năm 2023, đồng thời đảm nhận Trưởng ban điều phối năm 2024./.

Xuân Hinh- Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực