Trong tháng 8/2016, Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành tiêu hủy 5 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu (Ảnh: KL)
Qua thanh tra, đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 50 công ty, xử phạt số tiền trên 3,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra Bộ đề nghị Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y rút giấy phép, đình chỉ hoạt động nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu kháng sinh đối với 7 công ty, đóng cửa hai công ty sản xuất phân bón.
Cụ thể, về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong thời gian vừa qua, việc phát hiện các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Định, Bình Dương, Hưng Yên.
Đối với những vụ việc phát hiện chất cấm trong chăn nuôi, Thanh tra Bộ trực tiếp phối hợp với địa phương tiến hành xử lý, xử phạt và tiêu hủy. Cụ thể, tiêu hủy 2 lô heo với 83 con tại TP. Hồ Chí Minh, tiêu hủy lô heo 14 con tại tỉnh Tiền Giang. Tại Hải Phòng tiêu hủy 5 con heo có chất cấm đưa vào giết mổ, nguồn heo từ Hưng Yên; Hà Nội tiêu hủy 7 con heo có chất cấm đưa vào giết mổ, nguồn heo từ Hưng Yên; Hưng Yên phát hiện đàn heo 30 con tại một trang trại có sử dụng chất cấm Salbutamol.
Cùng với việc thanh, kiểm tra sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Thanh tra Bộ đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Đoàn công tác hoạt động tập trung tại khu vực phía Nam tại các tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, những nơi có nhiều công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Qua công tác kiểm tra đã phát hiện 10 công ty có hành vi vi phạm liên quan tới việc sử dụng các hóa chất công nghiệp trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các hóa chất công nghiệp được phát hiện chủ yếu là NaHCO3, MgSO4, MnSO4, ZnSO4,…dùng sản xuất sơn, dệt nhuộm, công nghệ giấy. Với những công ty vi phạm, Thanh tra Bộ đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính; đình chỉ việc bán các hóa chất công nghiệp cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với hai công ty hóa chất, buộc thu hồi và tiêu hủy các sản phẩm vi phạm có chứa các hóa chất công nghiệp.
Đặc biệt, Systeamine là một tiền hooc môn có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi, chất này đã bị Liên minh châu Âu cấm sử dụng trong chăn nuôi; Trung Quốc, Philipine, Thái Lan không cấm, Việt Nam xếp vào hóa chất hạn chế sử dụng (theo Luật Hóa chất); Bộ NN&PTNT không cho nhập, kinh doanh và sử dụng hóa chất này trong chăn nuôi. Tuy vậy, thực hiện công tác thanh tra, Thanh tra Bộ đã phát hiện một công ty có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi có chứa chất Systeamine với hàm lượng đậm đặc 3% và một số hành vi vi phạm khác. Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 197 triệu đồng và buộc tiêu hủy các sản phẩm theo quy định.
Về hoạt động truy xuất các công ty có hành vi vi phạm về kháng sinh, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra trực tiếp đối với 30 công ty có vi phạm về nguyên liệu kháng sinh. Trong đó đã tiến hành xử phạt 18 công ty, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 920 triệu đồng. Thanh tra Bộ cũng đã củng cố hồ sơ và xác lập hành vi vi phạm đối với gần 200 đối tượng là các công ty sản xuất nhỏ, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản,…nằm rải rác ở các tỉnh miền Tây và TP. Hồ Chí Minh chuyển cho địa phương xử lý.
Trên lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tại khu vực phía Nam, theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, đoàn Thanh tra đã phối hợp với Cục Cảnh sát C49, Thanh tra Sở NN&PTNT các địa phương tiến hành thanh tra đối với 15 Công ty sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tại các tỉnh: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh. Qua thanh tra đã xác định được 7 công ty có hành vi vi phạm, ban hành 10 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 300 triệu đồng. Đình chỉ hoạt động sản xuất đối với 3 Công ty không có giấy phép sản xuất; buộc tiêu hủy các sản phẩm vi phạm với số lượng: 28 thùng thuốc trừ sâu; 70 thùng sản phẩm thuốc trừ ốc.
Cùng với đó, trên lĩnh vực phân bón, trong 7 tháng năm 2016, Thanh tra Bộ đã phối hợp với PC46 và Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk kiểm tra 2 cơ sở sản xuất kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ. Đoàn Thanh tra đã giao lại cho địa phương thực hiện các biện pháp dừng hoạt động của 2 cơ sở này.
Theo Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt, trong tháng 9, công tác thanh tra của Thanh tra Bộ sẽ tập trung ngăn chặn việc tiêm chích vào tôm và bơm nước vào heo; đồng thời, tập trung vào việc ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Riêng việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, Thanh tra Bộ sẽ triển khai quyết liệt, cố gắng trong năm 2016 sẽ khống chế được vấn đề này./.