Xuất khẩu chính ngạch: Giải pháp bền vững trong giao thương với Trung Quốc

Thứ sáu, 21/01/2022 18:25
(ĐCSVN) - Trong quan hệ xuất khẩu sang Trung Quốc cần chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch, đồng thời, cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đó là ý kiến được các đại biểu nhấn mạnh tại Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp căn cơ cho nông sản xuất khẩu Trung Quốc” do Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức sáng 21/1. Tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về thị trường Trung Quốc. Qua đó, tìm ra những giải pháp căn cơ thay đổi hoạt động xuất khẩu nông sản.

 Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: B.T).

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp - nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, từ năm 2010 đến 2020, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 4,27 lần. Đây là con số rất lớn. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng lớn như: gạo, gỗ, rau quả, thủy sản, sắn,… Việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc không phải năm nay mới ùn ứ. Các năm trước cũng có tình trạng này, tuy nhiên, năm nay, Trung Quốc thực hiện chiến lược “Zero COVID” trong khi Việt Nam bùng phát dịch trở lại.

Chính vì vậy, để đảm bảo tính bền vững cho việc xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, cần quan tâm từ khâu sản xuất, chế biến, thương mại. Ngoài ra, cần gắn sản xuất với nhu cầu thực tiễn.

Ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, yếu tố lớn nhất hiện nay cần phải thay đổi đó là không được nhìn nhận Trung Quốc là thị trường dễ tính. Trong quan hệ xuất khẩu sang Trung Quốc cần chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Theo đó, cần những doanh nghiệp tiên phong, đầu tàu đảm bảo các yêu cầu. Thậm chí phải xác định, có những sản phẩm phải mất tới 9 – 10 năm mới đàm phán được khi xuất khẩu Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, trước mắt, cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu. Qua đó, tăng đơn hàng xuất khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch theo mùa vụ.

Các vấn đề về lâu dài, đó là cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ hoàn thiện chính sách, từ việc hợp tác, đàm phán với đối tác, các cơ quan chức năng của Trung Quốc, phát triển hạ tầng thương mại,…

Theo bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (đơn vị đã có nhiều năm xuất khẩu sang Trung Quốc, từ trái chôm chôm tới nhãn), trong 5 năm trở lại đây, công ty bán cho Trung Quốc hàng sau khi xuất khẩu tại xưởng, được thanh toán 100%. Trong đợt ùn ứ vừa qua, doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều, tuy nhiên, lại chịu ảnh hưởng gián tiếp do rủi ro từ đầu ra sản phẩm khi sức tiêu thụ giảm và đứt gãy chuỗi liên kết.

Bà Ngô Tường Vy cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần thay đổi mạnh mẽ về đáp ứng các tiêu chuẩn. Nếu không chủ động đáp ứng những thay đổi về tiêu chuẩn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ là rào cản lớn nhất đối với xuất khẩu nông sản vào thị trường này.

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ameii Việt Nam chia sẻ, việc xuất khẩu chính ngạch tạo được nhiều thuận lợi, giúp doanh nghiệp chủ động được về nhiều mặt.

“Chúng tôi tiếp cận nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến. Nhiều doanh nghiệp quen xuất khẩu tiểu ngạch nên thấy xuất khẩu chính ngạch còn mới, nhưng các đơn vị phải thay đổi sớm để tránh rủi ro” – ông Nguyễn Khắc Tiến đề xuất.

Do vậy, ông Nguyễn Khắc Tiến cho rằng, các doanh nghiệp này cần thay đổi để có cách tiếp cận mới. Đồng thời, rất cần các nghiệp vụ thuần túy để đảm bảo doanh nghiệp có thể chủ động tìm kiếm được khách hàng chính thống mà không phải phụ thuộc vào các thương nhân sang tìm kiếm,.../.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực