Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 3 năm 2017 đạt 439 USD/tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 3 năm 2017 với 43,3% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm 2017 đạt 527,9 nghìn tấn và 224,8 triệu USD, tăng 11,3% về khối lượng và tăng 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Philippin là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2017 với 15,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm 2017 đạt 235,5 nghìn tấn và 89,7 triệu USD, tăng 23,5% về khối lượng và tăng 10,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. 3 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh là Gana (57,6%), Hồng Kông (45,8%), Hoa Kỳ (24,7%) và Malaysia (24,5%).
Tại thị trường trong nước, trong tháng 4/2017, giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL diễn biến từ ổn định đến giảm nhẹ trong không khí giao dịch trầm lắng. Giá lúa gạo giảm do gần đây giá gạo xuất khẩu giảm và hoạt động thu mua của nhiều doanh nghiệp giảm so với trước, khi nhiều doanh nghiệp đã thu mua đủ lượng hàng cho các đơn hàng đã ký.
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng 4/2017 cụ thể như sau: tại An Giang, lúa IR50404 ổn định ở mức 4.600 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 đã thu hoạch xong, lúa khô có giá không đổi 5.400 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, lúa chất lượng cao giống OM 5451 tại huyện Vĩnh Lợi ở mức 5.000 – 5.200 đồng/kg; giá thu mua lúa của Công ty Lương thực giảm 100 đồng/kg, xuống còn 5.400 đồng/kg (lúa tươi) và 6.200 đồng/kg (lúa khô); lúa OM 4900 giảm xuống còn 5.500 đồng/kg (lúa tươi) và 6.300 đồng/kg (lúa khô). Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ổn định ở mức 5.100 đồng/kg; lúa OM 4218 ở mức 6.000 đồng/kg; lúa OM 6976 ở mức 6.200 đồng/kg; lúa Jasmine ở mức 6.200 đồng/kg./.