Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Hải,
thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Vũ Sinh–TTXVN)
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam khi chiếm 53,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trong 8 tháng qua là Trung Quốc (55,2%), Hoa Kỳ (14,3%), Hà Lan (12,3%) và Thái Lan (10,8%).
Cũng trong tháng 9/2016, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản ước đạt 78 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu thủy sản 9 tháng qua đạt 770 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2015. Một số thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong thời gian qua là Ấn Độ chiếm 26,5% thị phần, tiếp đến là Nauy 9,6%, Đài Loan (Trung Quốc) 9,2%, Nhật Bản 6,1% và Trung Quốc 5,8%. Các thị trường có giá trị tăng so với cùng kỳ năm 2015 là Indonesia 66,5%, Đài Loan (Trung Quốc) 31,3%, Nauy 30,6%, Trung Quốc 9,8% và Nga 7,4%. Thị trường có giá trị giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là thị trường Chi Lê, giảm 24,5%.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất thủy sản 9 tháng qua mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng kết quả sản xuất thủy sản vẫn tăng nhẹ. Tại tác tỉnh Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, ngư dân khai thác đạt sản lượng cao, đặc biệt là các loài cá nục, cá trích, cá cơm, cá ngừ sọc dưa... Theo đó, sản lượng thủy sản 9 tháng ước đạt trên 4,9 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt hơn 2,6 triệu ngàn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, hoạt động nuôi tôm hiện nay có những tín hiệu tích cực hơn về thị trường tiêu thụ, thêm vào đó do thời gian nuôi ngắn, năng suất đạt khá, giá bán ổn định nên nhiều hộ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cả nước ước đạt 80.000 ha, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước tính đạt 200.000 tấn, tăng 4,2%./.