Xuất siêu nông, lâm, thủy sản 9 tháng đạt 8,04 tỷ USD

Thứ sáu, 29/09/2023 20:19
(ĐCSVN) - 9 tháng năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, toàn ngành đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao.
 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: B.T)

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9 năm 2023.

Theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng năm 2023, toàn ngành NN&PTNT đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, 9 tháng qua, toàn ngành đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao.

Tiêu biểu, trên lĩnh vực trồng trọt, cả nước đã thu hoạch 5.366,8 nghìn ha lúa, năng suất bình quân đạt 62,6 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha; sản lượng thu hoạch 33,6 triệu tấn, tăng 1,4%.

Lĩnh vực chăn nuôi, nhờ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt. Tổng đàn vật nuôi đều tăng. Trong đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 90,6 nghìn tấn, tăng 0,1%.

Trên lĩnh vực thủy sản, thị trường xuất khẩu thủy sản quý III bắt đầu có sự khởi sắc, tạo động lực cho người nuôi thả nuôi mới; khai thác biển cơ bản ổn định do thời tiết thuận lợi. Sản lượng thủy sản tháng 9 đạt 857,7 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đạt 6.796,7 nghìn tấn, tăng 2,1%.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng đạt 38,48 tỷ USD; giá trị xuất siêu đạt 8,04 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tại buổi họp báo, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, trong năm 2023, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3 - 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 53 - 54 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%,…

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, trong những tháng cuối năm, toàn ngành sẽ tập trung theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Thu Đông năm 2023; đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung bộ và tăng cường công tác bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn... trên các đối tượng vật nuôi.

Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Liên minh kinh tế Á - Âu... Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong 9 tháng năm 2023, về cơ cấu thị trường, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Riêng với thị trường Trung Quốc, Việt Nam đang có lợi thế và tiềm năng rất lớn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Việc tập trung vào lợi thế thị trường và ngành hàng, trên cơ sở tổ chức sản xuất và có nguồn nguyên liệu sẵn có, hàng hóa nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường và từng bước thâm nhập, chúng tôi tin tưởng rằng, mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 54 - 55 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành Nông nghiệp năm 2023 khả năng sẽ đạt được”./.

 

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực