Xúc tiến thương mại nông nghiệp làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân

Thứ hai, 30/01/2017 21:19
(ĐCSVN) – Xuân Đinh Dậu 2017 đã đến, bỏ qua những khó khăn, phiền muộn của năm cũ để háo hức chờ mong vào một năm mới tốt lành. Công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp cũng quyết tâm làm tốt vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp với nông dân, củng cố, tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường cho nông sản Việt.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc TTXTTMNN (Ảnh: HNV)

Đây là những thông tin được ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (XTTMNN) chia sẻ khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về triển vọng ngành nông nghiệp và nhiệm vụ của công tác XTTMNN trong năm 2017.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết kết quả XTTMNN trong củng cố, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam?

Giám đốc Đào Văn Hồ: Năm 2016, sản xuất nông, lâm và thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, ngành NN&PTNT đã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và địa phương; sự chung sức, đồng hành và sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân trên cả nước; và thông tin, tuyên truyền kịp thời của các cơ quan truyền thông. Đồng thời, ngành đã nỗ lực bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới.

Năm 2016, ngành nông nghiệp đã góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân và phát triển đất nước. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với định hướng tái cơ cấu và thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất được duy trì trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt; xuất khẩu tăng cao, tăng trưởng ngành được phục hồi. GDP toàn ngành đã tăng 1,2% so với năm 2015; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%, trong đó: Trồng trọt giảm 0,9%, chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thuỷ sản tăng 2,91%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2015; tiếp tục duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.

Năm 2016 được ngành nông nghiệp chọn là năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm. Tính đến nay, đã có 50 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, tiêu biểu là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…

Riêng với công tác XTTMNN, trong năm 2016, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn theo chuỗi giá trị được Bộ và các ngành liên quan quan tâm chỉ đạo sát sao nên bước đầu thu kết quả tốt, từng bước tạo niềm tin cho người tiêu dùng,  thúc đẩy sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Cùng 2016, TTXTTMNN đã ký kết 3 hợp đồng thực hiện đề án trong khuôn khổ chương trình XTTTM Quốc gia tại 3 thị trường Nhật Bản, Mỹ và Nga góp phần quảng bá, giới thiệu, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt ra thị trường nước ngoài đồng thời cũng  khẳng định được uy tín của Trung tâm trong  việc thực hiện các chương trình XTTM, tạo dựng niềm tin cho khách hàng. Tổng trị giá 3 chương trình trên là 5.591 triệu đồng, Trung tâm thực hiện 10.531 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức thành công 7 chương trình gồm hội chợ, phiên chợ và một số chương trình XTTM khác với mục đích tôn vinh, quảng bá các mặt hàng nông, lâm, thủy sản được kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm…

PV: Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc củng cố, tìm kiếm và mở rộng thị trường đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt với nông nghiệp Việt – loại hình chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nền kinh tế nước ta. Theo ông, công tác XTTMNN hiện nay có những đóng góp như thế nào trong bối cảnh hiện nay cũng như công tác này cần phải triển khai những nhiệm vụ nào?

Giám đốc Đào Văn Hồ: Có thể nói, hoạt động XTTM nói chung và XTTMNN nói riêng, cung cấp thông tin tư vấn cho doanh nghiệp (DN), hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc trợ giúp doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu của thị trường để có kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Nhìn chung, hoạt động XTTMNN hiện nay được quan tâm ngày càng nhiều, chương trình xúc tiến ngày càng đa dạng, mở rộng đến các địa phương trở thành thường niên đã góp phần mạng vào tăng trưởng thương mại nội địa. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa mạnh dạn đẩy mạnh sản xuất do thị trường tiêu thụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cần tiếp tục tìm nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong điều kiện tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển mình, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu để hoà nhập với thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ có được nhiều cơ hội hơn để phát triển đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp mình do thị trường thế giới mở rộng, vị thế cạnh tranh bình đẳng, hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh được cải thiện,… Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ đối đầu với những khó khăn, thách thức không nhỏ, sức cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn ở ngay cả thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài; thị trường biến động nhanh đòi hỏi doanh nghiệp nhạy bén và có khả năng thích ứng…

Do đó, yêu cầu cấp thiết là phải tăng cường vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp nghiên cứu thị trường và tìm kiếm khách hàng. Lúc này, vai trò của XTTM là làm sao tư vấn, cung cấp thông tin và hướng dẫn để doanh nghiệp có nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của thương hiệu và có sự đầu tư nhất định cho việc phát triển thương hiệu, nhất là củng cố các thương hiệu nông sản vốn đã là thế mạnh của Việt Nam như: thanh long, sầu riêng, cà phê, hạt tiêu...

PV: Vậy hướng tới trong năm 2017, ngành NN&PTNT nói chung và công tác XTTMNN nói riêng sẽ có những triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?

Mô hình trên gấc - dưới gừng mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh minh họa: HNV)


Giám đốc Đào Văn Hồ:
Năm 2017 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành NN&PTNT 5 năm 2016 - 2020. Toàn ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất; nâng cao khả năng cạnh tranh cao, thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường”.

Ngành đã đặt mục tiêu cụ thể là phấn đấu năm 2017 tốc độ tăng trường ngành đạt khoảng 2,5 - 2,8%, giá trị sản xuất tăng 3-3,2%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 32-32,5 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.  Tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới từ 28 - 30%. Năm 2017, Bộ tiếp tục chọn là năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Cũng trong năm 2017, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng đến giá trị xuất khẩu hơn là lượng xuất khẩu thô và chú ý đến vấn đề xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng cường liên kết sản xuất trong nông nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, tiếp tục đầu tư hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn...  Đặc biệt, công tác XTTMNN sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, duy trì.

Dự báo năm 2017 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, công tác XTTMNN xác định sẽ vấn tiếp tục duy trì các nhiệm vụ cơ bản của mình, góp phần hiệu quả váo sự phát triển chung của ngành: tổ chức các hội chợ - triển lãm, các hội nghị giao thương kết nối cung – cầu, các chương trình nhịp cầu nhà nông, cũng như các lớp tập huấn, chuyển đổi nghề cho nhà nông…

PV: Ông nhận định thế nào về xu hướng liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hiện nay? Với xu hướng này, công tác XTTMNN sẽ có những hỗ trợ cụ thể như thế nào, thưa ông?

Giám đốc Đào Văn Hồ: Nhu cầu của thị trường là tín hiệu đầu tiên trong quá trình sản xuất. Xác định rõ vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình, thời gian qua, TTXTTMNN đã không ngừng tạo cơ hội giúp đỡ các doanh nghiệp và nông dân trao đổi, hợp tác và hướng cho lực lượng này tìm tín hiệu của thị trường rồi mới sản xuất theo hướng phát triển giá trị gia tăng, từ đó, góp phần tránh trường hợp sản xuất được mùa mất giá.

Cũng phải nhấn mạnh thêm là, theo tín hiệu thị trường, việc sản xuất cũng cần phải phù hợp thị trường, bảo đảm ATVSTP - nhiệm vụ tối quan trọng. Vài năm gần đây, xu hướng liên kết chuỗi và kết nối cung - cầu đang được triển khai rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp  nói  riêng và sản xuất chung của cả nền kinh tế. Liên kết chuỗi là “xương sống”, có tác dụng sống còn của sản xuất trong nước. Nhất là khi chúng ta tham gia hội nhâp, một nông dân đơn lẻ khó tham gia, nhưng nếu kết nối người sản xuất, tổ chức mạng lưới hợp tác xã (HTX) thì chúng ta hoàn toàn có thể chủ động trong tạo ra các sản phẩm đồng đều, đảm bảo quy trình sản xuất cũng như chất lượng VSATTP.

Nếu chúng ta không làm được điều này, chính chúng ta sẽ bị các sản phẩm nước ngoài lấn át. Thêm nữa, việc tăng cường liên kết chuỗi và kết nối cung – cầu đây là điều quan trọng để chúng ta minh bạch, công khai sản xuất, người tiêu dùng và người sản xuất gặp nhau sẽ khiến cho quá trình sản xuất tốt hơn.

Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam cần tập trung xuất khẩu có lợi nhuận cao đồng thời tiếp tục cam kết cung cấp nền nông nghiệp chất lượng cho người tiêu dùng trong nước, sản phẩm phải an toàn và giá cả phù hợp. Tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu chỉ là câu chuyện về cự li vận chuyển, đáp ứng một thị trường mở. Hơn nữa, muốn nâng cao giá trị gia tăng của nông sản thì nông dân phải là những người nông dân trí thức, hiểu được sản xuất an toàn với mức giá chấp nhận được, tuân theo quy luật cung cầu của thị trường, vì thế, liên kết nông dân – doanh nghiệp là mối quan hệ sống còn của ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Doanh nghiệp có phát triển được thì nông dân mới sản xuất được. Thị trường phụ thuộc nhiều yếu tố, doanh nghiệp và nông dân, có những chia sẻ trong biến động của thị trường giúp cả hai bên cùng tồn tại và phát triển tốt.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hà Anh (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực