​Lai Châu khắc ghi lời Bác dặn

Thứ ba, 20/08/2024 15:47
(ĐCSVN) - Khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu “Phải lãnh đạo sản xuất cho tốt, làm cho đời sống đồng bào các dân tộc ấm no, được học hành; Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu luôn cố gắng vượt mọi khó khăn, lao động sáng tạo xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Học Bác từ những điều giản dị

Sinh ra và lớn lên ở một bản khó khăn, ông Chảo Trồng Pù, Bản Liên Hợp, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên là một nông dân gương mẫu trong học và làm theo Bác. Ông tâm sự, tuy chưa từng được gặp Bác Hồ, chỉ được nhìn thấy Bác, nghe về Bác trên đài, ti vi, trong những buổi nói chuyện của xã, của bản, nhưng ông luôn ngưỡng mộ và yêu quý Người bởi sự vĩ đại nhưng chân thành giản dị, trái tim chan chứa yêu thương. Đặc biệt, những lời bác dặn với đồng bào và Nhân dân tỉnh lai Châu khiến ông vô cùng xúc động và quyết tâm học và làm theo tấm gương của Bác bằng những việc làm thiết thực nhất, làm sao để gia đình có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, con cháu được ăn học đầy đủ, nếu có điều kiện thì giúp bà con lối xóm.

Trước đây, gia đình ông Pù chủ yếu tập trung trồng lúa, ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Được sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, với tinh thần nỗ lực, dám nghĩ dám làm, gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi và mở rộng mô hình sản xuất: nuôi lợn và các loại gia cầm quy mô lớn; thả cá; cấy gạo chất lượng cao, chè; trồng bí xanh, bí đỏ và lạc với diện tích lớn. Nhờ chịu khó làm ăn cộng với áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, gia đình ông làm ăn hiệu quả, mua được ô tô đi thu mua búp chè tươi của nhân dân trong bản bán cho công ty chè Hồng Đức. Với thu nhập trên 230 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm theo thời vụ cho 4 đến 5 người lao động tại địa phương, gia đình ông Pù còn tích cực giúp đỡ bà con trong bản cách làm ăn phát triển kinh tế, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, vận động bà con góp công, góp của làm các tuyến đường để thuận tiện đi lại; tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội, loại bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; giữ gìn an ninh trật tự. Từ việc học tập cách làm ăn của gia đình ông, cả bản đã có trên 10 ha vườn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập giảm nghèo bền vững.

  Ông Chảo Trồng Pù bên ruộng bí đến thời điểm thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thường

Xã Bình Lư huyện Tam Đường có 15 bản với gần 5.500 nhân khẩu trong đó có trên 90% số hộ dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Dựa trên tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nước, hướng tập trung với đa dạng các sản phẩm chất lượng cao, Đảng ủy xã đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 bằng các nghị quyết chuyên đề phù hợp, đồng thời vận động cán bộ, đảng viên bản, xã tích cực học và làm theo Bác, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đảng bộ xã đã ban hành 02 nghị quyết chuyên đề bám sát yêu cầu và thực tiễn cuộc sống, đó là phát triển sản phẩm Miến dong Bình Lư và về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả canh tác trên diện tích đất lúa cánh đồng Bình Lư. Đảng ủy xã cũng phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người đứng đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thâm canh, tăng vụ, quay vòng và nâng cao hiệu suất sử dụng đất canh tác.

Đến nay việc sản xuất miến dong đã phát triển mạnh, có 97 hộ sản xuất miến phát triển ổn định tại 4 bản, có 2 cơ sở đầu tư dây truyền máy móc hiện đại, mỗi năm sản xuất trên 700 tấn miến. Miến dong Bình Lư là sản phẩm OCOP 3 sao, thu nhập của người dân sản xuất miến 250-270trđ/hộ/năm và tạo điều kiện việc làm cho rất nhiều lao động khác trên địa bàn. Xã cũng duy trì và mở rộng sản xuất 200 ha lúa hàng hóa, thu hút các doanh nghiệp liên doanh liên kết thu mua 100% sản phẩm, thu nhập 1 héc ta tăng lên so với sản xuất lúa truyền thống từ 30 – 40 triệu đồng; phát triển vùng rau củ quả an toàn tại các bản Tân Hưng Bình, Nà Khan, Nà Phát; hằng năm trồng trên 40ha ngô ngọt, ngô nếp, 46 ha rau củ các loại, mướp, bí đao, ớt,… mỗi héc ta hằng năm cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng.

Xã cũng tập trung xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong huy động các nguồn nội lực chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan môi trường phù hợp với tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Toàn xã đã trồng được 05 km đường hoa hai bên đường dẫn vào các bản, 100% "Tuyến đường kiểu mẫu" được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể đảm nhận việc trồng, bảo vệ, chăm sóc đang phát triển tốt, đáp ứng tiêu chí môi trường xanh, sạch, đẹp. Bà con nhân dân trong xã có cuộc sống khấm khá, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp.

Việc học và làm theo Bác ở Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh lại là chú trọng công tác đánh giá lại các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm, mô hình tiêu biểu ở cơ sở, tìm nguyên nhân và đề ra các giải pháp thực hiện hoặc đăng ký lại nhiệm vụ mới. Chỉ trong vòng 1 năm, toàn Đảng bộ Khối đã thực hiện 116 nhiệm vụ đột phá, trọng tâm và xây dựng được 92 mô hình tiêu biểu. Nhiều nhiệm vụ đột phá, trọng tâm, mô hình tiêu biểu thực hiện đạt hiệu quả, điển hình như "Nâng cao chất lượng hoạt động Quỹ hỗ trợ Nông dân", "Triển khai và xây dựng Chợ nông sản tỉnh Lai Châu" của Chi bộ Hội Nông dân tỉnh; đề án “Phát triển cây Sâm Lai Châu” của Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ; mô hình "Ngày pháp luật hàng tháng" của Chi bộ Ngân hàng Nhà nước; mô hình "Chuyển đổi số trong ngành giáo dục" của Đảng bộ Viễn thông Lai Châu; "Công đoàn cơ sở Báo Lai Châu với công tác an sinh xã hội” của Báo Lai Châu…

Ngoài thực hiện tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ, lực lượng Công an Lai Châu cũng đã chú trọng quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ Nhân dân trên địa bàn phụ trách; kịp thời giúp người dân khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra. Nhiều hoạt động giúp đỡ Nhân dân được xã hội ngợi khen, cảm phục, lan tỏa như các hoạt động giúp dân thu hoạch lúa, dựng nhà, đưa người dân vượt đường rừng đi cấp cứu, hiến máu cứu người, cõng người già yếu đi làm căn cước công dân... Những chiến công trực tiếp mà Công an Lai Châu thực hiện được là bắt 195 vụ ma túy; phối hợp bắt 85 vụ, 90 đối tượng phạm tội về ma túy; bắt 46 vụ phạm tội về trật tự xã hội; phát hiện 24 vụ vi phạm về kinh tế, môi trường; tìm kiếm cứu nạn 01 vụ đuối nước... Toàn lực lượng đã triển khai xây dựng, nhân rộng 08 mô hình đạt hiệu quả như: Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “03 không, 03 có”, “Camera an ninh”, “Bản đoàn kết, xây dựng phát triển kinh tế, tự quản về ANTT”,... qua đó, chủ động làm tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; kịp thời giải quyết các vụ việc ngay tại cơ sở; được Nhân dân đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, thái độ trong công tác.

 Những tuyến đường liên thôn làm thay đổi bộ mặt huyện Tam Đường có sự góp sức của các tầng lớp Nhân dân.

Học tập, làm theo tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Bác, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng cho mình phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Với việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào: “BĐBP tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “BĐBP tỉnh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; các chương trình: “Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” và các mô hình, thiết thực, hiệu quả như: “Hũ gạo tình thương”, “Tay kéo biên phòng”, “Vườn rau cho bé”, “Tiết học biên cương”... với số tiền, vật chất quyên góp trong năm 2023 - 2024 hàng chục tỷ đồng đã góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, đáp ứng cơ bản tâm tư, nguyện vọng và giảm bớt khó khăn về đời sống tinh thần của Nhân dân, tạo động lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhờ đó, các cấp ủy đảng tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện hiệu quả 1.095 nhiệm vụ đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, 719 mô hình tiêu biểu; tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế; đến giữa nhiệm kỳ Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh có 41,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới (Nghị quyết đề ra chỉ tiêu cuối nhiệm kỳ là 57,5%), đời sống vật chất và tinh thần, môi trường sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể; thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với hơn 200 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình đạt 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm 4,7%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra… là những con số biết nói trong phong trào học và làm theo Bác của tỉnh Lai Châu.

Tạo sức lan tỏa rộng khắp, mạnh mẽ

Học và làm theo gương Bác, nhiều cá nhân, tập thể ở tỉnh Lai Châu đã sáng tạo và duy trì những hoạt động vô cùng thiết thực, có ý nghĩa, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trên nhiều lĩnh vực, là minh chứng sống động cho thấy hiệu quả và sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua học tập và làm theo gương Bác trên mảnh đất này.

Trong phát triển kinh tế là việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển cây dược liệu, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ tạo sinh kế cho người dân, tăng cường liên kết hộ, nhóm hộ trong sản xuất, kinh doanh, phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Than Uyên. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội là mô hình câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Lự, Lào, Dao Mông huyện Tam Đường; phục dựng không gian văn hoá theo kiến trúc truyền thống của 08 dân tộc Thái, Hà Nhì, Cống, Mảng, La Hủ, Mông, Si La, Kinh; cán bộ, đảng viên nêu gương thực hiện bài trừ các hủ tục lạc hậu...

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh là mô hình phát huy sức mạnh tổng hợp giữa kinh tế và quốc phòng; Quân dân y kết hợp, Bộ đội biên phòng giúp dân phát triển kinh tế, an ninh trật tự thôn, bản; mô hình con nuôi của Đảng ủy Quân sự, Biên phòng, Công an tỉnh; xây dựng môi trường văn hóa theo 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”; 10 lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân của Đảng bộ Quân sự tỉnh…

 Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pa Ủ thực hiện công tác dân vận tại bản Pha Bu (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè). Ảnh: Hà Dũng/Báo Lai Châu

Thời gian qua, cùng với việc tập trung làm tốt 3 vấn đề học tập, làm theo và nêu gương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã xác định các chủ đề học tập theo từng năm để tổ chức thực hiện, đồng thời đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Để việc học và làm theo Bác đi vào thực chất, đạt hiệu quả thiết thực, đồng chí Lê Văn Lương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với phương châm việc học và làm theo Bác phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, trở thành nhu cầu văn hoá của mỗi người, cơ quan, đơn vị, từ gia đình tới nhà trường và toàn xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc lựa chọn nội dung đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức cho cán bộ đảng viên đăng ký bằng những việc làm cụ thể và có đánh giá, bình xét hàng năm; thực hiện các khâu đột phá đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các nhiệm vụ trọng tâm trong năm; chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch khắc phục khuyết điểm của tập thể, cá nhân sau kiểm điểm; kịp thời phát hiện, nuôi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng, lan tỏa các mô hình mới, tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác.

Xác định ý nghĩa, vai trò và giá trị to lớn của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực được tỉnh chú trọng đổi mới bằng nhiều hình thức phong phú như tuyên truyền thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; sinh hoạt chi bộ, đoàn thể; họp thôn, tổ dân phố; băng zôn, khẩu hiệu;… nhờ đó tác động tích cực đến nhận thức và hành động của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, cách thức tuyên truyền cũng linh hoạt như phát huy hiệu quả công nghệ thông tin thông qua mạng xã hội để đăng tải, tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo Bác; mở chuyên trang “Học tập và theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên các bản tin của các đơn vị, ngành; tuyên truyền việc học và làm theo Bác bằng các tiếng dân tộc trên đài phát thanh...

Thực tế cho thấy, các phong trào thi đua học tập và làm theo Bác thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực, trở thành động lực phát triển cho tỉnh Lai Châu với nhiều kết quả quan trọng đạt được trên các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với kế hoạch. Năm 2023 là năm có nhiều khó khăn của cả nước, nhưng tổng thu ngân sách địa phương Lai Châu ước đạt 13.956,53 tỷ đồng, vượt 36% so với dự toán Trung ương giao, vượt 31% so với dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 15% so với năm 2022. Các hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc với hơn 1 triệu lượt khách, vượt 27,4% kế hoạch, sản xuất nông nghiệp đạt và vượt kế hoạch. 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao 43,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,36%; doanh thu vận tải tăng 11,05%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 12,67%. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng…

Tôn vinh, khen thưởng là cách để nhân rộng, lan tỏa các mô hình mới, tập thể, cá nhân điển hình trong học và làm theo Bác ở Lai Châu.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Lương cho biết, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, các cấp, các ngành tỉnh Lai Châu khắc phục khó khăn, hạn chế, thực hiện tốt 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung thực hiện tốt 3 nội dung: học tập, làm theo và nêu gương Bác, nhất là người đứng đầu; thực hiện các khâu đột phá đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch khắc phục khuyết điểm của tập thể, cá nhân; động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế; tháo gỡ những bức xúc, điểm nghẽn; tuyên truyền, vận động, bồi đắp ý chí, nghị lực không cam chịu đói nghèo, lạc hậu để người dân phát huy nội lực của gia đình, bản, xã, địa phương để phát triển sản xuất, làm giàu; Kịp thời phát hiện, nuôi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng, lan tỏa các mô hình mới, tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác vì mục tiêu “Phát triển Lai Châu xanh, nhanh, bền vững và toàn diện”./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực