ĐHQG-HCM đào tạo nhân lực bám sát nhu cầu của đất nước

Thứ năm, 16/11/2023 19:00
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: ĐHQG-HCM cần phải bám sát vào nhu cầu phát triển của đất nước, của vùng, đào tạo trúng và đúng, tập trung vào các ngành, căn cứ vào quy hoạch phát triển của đất nước, của ngành, của vùng để xây dựng Chương trình đào tạo.
 Thủ tướng Phạm Minh Chính  lắng nghe và chia sẻ với các kiến nghị của  ĐHQG-HCM

Chiều 16/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM).

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS,TS Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG-HCM; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ĐHQG-HCM.

ĐHQG thuộc top 1.000 các trường Đại học tốt nhất thế giới

Tại buổi làm việc, PGS,TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết: Sau hơn 28 năm xây dựng và phát triển, từ 3 trường đại học thành viên nòng cốt trong 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, đến nay ĐHQG-HCM đã trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như: kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế - luật, khoa học sức khỏe, sư phạm, nông nghiệp… Các lĩnh vực này đều được cộng đồng khoa học trên thế giới và trong nước đánh giá cao.

Đến nay, ĐHQG-HCM thuộc top 1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới (QS World). Cụ thể, vừa qua, Tổ chức QS công bố kết quả xếp hạng các đại học trên thế giới năm 2024, ĐHQG-HCM thuộc nhóm 951-1.000 các đại học tốt nhất thế giới. ĐHQG-HCM có nhiều ngành, nhóm ngành và lĩnh vực được vinh danh trong QS Subject 2023 với 09 nhóm ngành học đạt vị trí cao. Đặc biệt, ngành Kỹ thuật Dầu khí tiếp tục duy trì thứ hạng Top 51-100….

Dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn quốc tế, tính đến tháng 08/2023, ĐHQG-HCM có tổng cộng 126 chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Trong giai đoạn 2018-2022, ĐHQG-HCM đã đào tạo và cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hơn 60.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là đội ngũ trí thức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, tham gia xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung. ĐHQG-HCM là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là trên các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus.

Cũng trong giai đoạn này, toàn ĐHQG-HCM thực hiện 6.373 hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt 216 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Hải Quân đã nêu một số kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể: ĐHQG-HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét sớm phê duyệt Đề án “Phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu Châu Á” sau khi ĐHQG-HCM đã tiếp thu ý kiến của các Bộ - Ngành - địa phương.  Kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương giao ĐHQG-HCM xây dựng và thực hiện: Đề án thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành; Các chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, Công nghệ Sinh học, Trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á; Chương trình phát triển ĐHQG-HCM thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với Vùng và khu vực châu Á.

ĐHQG-HCM kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương ủy quyền cho Giám đốc ĐHQG-HCM thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý của ĐHQG-HCM; chịu trách nhiệm về việc thực hiện thẩm định, phê quyệt theo đúng quy định của pháp luật; Giao cho Văn phòng Chính phủ chủ trì lấy ý kiến tham mưu bộ ngành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương và  giao ĐHQG-HCM phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bình Dương lập dự toán điều chỉnh tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng của ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2025, phù hợp với các quy định của pháp luật. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, chủ trì thẩm định trình Thủ tướng xem xét quyết định.

ĐHQG-HCM kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, thẩm định về số lượng, phương thức và ngân sách đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu; ngân sách đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu, nhất là các ngành trọng điểm như: công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và các ngành khoa học cơ bản khác. Kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm trình hồ sơ để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Trường Đại học Khoa học sức khỏe, là trường đại học thành viên thứ 8 của ĐHQG-HCM

Tại buổi làm việc đại diện lãnh đạo đã trao đổi, trả lời một số vấn đề ĐHQG-HCM kiến nghị, nêu rõ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 Đồng chí Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM báo cáo tại buổi làm việc.

Bám sát nhu cầu của đất nước để đào tạo nguồn nhân lực

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm vui khi được đến dự Lễ Khai khóa ĐHQG-HCM năm 2023 và dành hơn hai giờ để chia sẻ với các học sinh, sinh viên về chủ đề "Giáo dục đại học và vai trò kiến tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho đất nước trong giai đoạn mới" đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thủ tướng gửi đến toàn thể các thầy giáo, các nhà quản lý, nhà khoa học của ĐHQG-HCM lời chúc mừng tốt đẹp nhất. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định lại một lần nữa vai trò quan trọng của ĐHQG-HCM trong vấn đề đào tạo, đây là xương sống của trường. “Vậy, câu hỏi đặt ra là ĐHQG-HCM cần đào tạo như thế nào? ĐHQG-HCM cần phải bám sát vào nhu cầu phát triển của đất nước, của vùng, đào tạo trúng và đúng, tập trung vào các ngành, căn cứ vào quy hoạch phát triển của đất nước, của ngành, của vùng để xây dựng Chương trình đào tạo. như chăn nuôi, công nghệ sinh học...” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học cũng là một chức năng của ĐHQG-HCM. Thủ tướng cho rằng, muốn thực hiện tốt chức năng này cần phải căn cứ vào vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thuộc chức năng, nhiệm vụ của ĐHQG-HCM, trong đó có vấn đề thể chế, những vấn đề xu thế của thời đại, vấn đề mang tính dự báo...

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, con người là nguồn lực lớn nhất của ĐHQG-HCM, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, các nhà nghiên cứu khoa học và sinh viên. Điều đó đòi hỏi ĐHQG-HCM cần phải có giải pháp khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực này.

Về vấn đề thương mại hóa các sản phẩm của ĐHQG-HCM hay vấn đề quản trị hệ thống đào tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi: Phải làm như thế nào? Quản trị hệ thống đào tạo làm sao để có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm?... Với các đề án, dự án xây dựng ĐHQG-HCM Thủ tướng cho rằng, trước mắt cần phải quy hoạch xong và thực hiện giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng đề nghị Bình Dương và TP Hồ Chí Minh trong năm 2024 cần phải bàn giao mặt bằng lại cho ĐHQG-HCM.

 Toàn cảnh buổi làm việc

Theo Thủ tướng, từ vai trò của ĐHQG-HCM, để thực hiện các mục tiêu đề ra, cần xây dựng cơ chế chính sách hoạt động cho ĐHQG-HCM dựa vào chủ trương, đường lối của Đảng, vào điều kiện cụ thể để đề xuất các cơ chế, chính sách.

Chia sẻ về cách huy động nguồn lực, Thủ tướng gợi ý ĐHQG-HCM cần xây dựng chương trình đào tạo cụ thể 5 năm 10 năm; cần có các dự án như các phòng thí nghiệm lớn; cần có đề án, trong đó tập trung vào ngành, lĩnh vực cần thiết, đi liền theo đề án là mục tiêu, giải pháp gắn với giải pháp tài chính; cần hợp tác với các địa phương để tìm đầu ra cho sản phẩm hay hợp tác công tư trên từng lĩnh vực cụ thể...

Về các kiến nghị của ĐHQG-HCM, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ trên cơ sở ý kiến của các bộ, các ngành, căn cứ vào chức năng, quyền hạn của Chính phủ, nội dung nào thuộc bộ, ngành nào cần nêu rõ và thời gian thực hiện để Chính phủ duyệt. Tất cả các vấn đề kiến nghị này chậm nhất đến tháng  6/2024  phải được giải quyết./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực