Người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong mọi quyết sách

Thứ năm, 07/10/2021 19:18
(ĐCSVN) - Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi thăm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), diễn ra chiều 7/10, tại Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc gặp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cách đây 17 năm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định lấy 13/10 là ngày doanh nhân Việt Nam. “Chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày quan trọng này. Trên thực tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn là đội ngũ xung kích và đi đầu trong công cuộc phát triển đất nước, đây là nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ doanh nhân”. Cũng cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. “Chúng ta tổng kết để tìm ra các quyết sách mới để trình Bộ Chính trị để có thể ban hành một Nghị quyết mới hoặc là một quyết sách mới để có thể có thể tiếp tục thực hiện Nghị quyết quan trọng này về đội ngũ doanh nhân Việt Nam" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị Trung ương lần 4 khóa XIII vừa mới kết thúc sáng nay với 2 nhóm nhiệm vụ quan trọng là phát triển kinh tế xã hội năm nay và kế hoạch cho 3 năm tới với nhiều quyết sách quan trọng. Quốc hội đang chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 được dự kiến sẽ được khai mạc vào ngày 20/11 năm nay. Tuần sau, Quốc hội cũng sẽ có phiên họp thứ ba để chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng này. Trong bối cảnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội hiện nay còn một số việc lớn liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, ở kỳ họp Quốc hội lần tới, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như Dự thảo Luật Điện ảnh, Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm.

Cũng tại kỳ họp lần này, Quốc hội cũng lắng nghe các quyết sách lớn về kinh tế - xã hội trong đó có việc đánh gúa tác động của COVID-19 tới việc làm, sinh kế người dân và tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

“Những vấn đề quan trọng đó rất cần tới tiếng nói, sự góp ý của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong thực tế, ở lần sửa các đạo luật quan trọng này, chúng ta đã rất lắng nghe rất nhiều ý kiến doanh nghiệp và trong mọi quyết sách của Quốc hội, Quốc hội luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, để chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm, tuần tới Quốc hội sẽ có buổi làm việc quan trọng với Uỷ ban Tài chính, Uỷ ban Ngân sách ngân sách của Quốc hội để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. 

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn và xem xét các vấn đề về pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới công tác phòng chống dịch COVID-19, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết, việc ban hành các văn bản pháp luật còn thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp, nhất là trước vấn đề phục hồi sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch COVID-19.

Thứ nhất, trong soạn thảo ban hành các văn bản với các doanh nghiệp nói chung, cần lấy quan điểm hỗ trợ đồng hành với doanh nhân, doanh nghiệp là chính, không nên mang nặng tính an toàn, sử dụng các từ ngữ dễ hiểu, không nên để các bên lợi dụng, bóp méo tạo giấy phép con, tạo rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông cho rằng nên có đánh giá bình chọn, chấm điểm trong việc bình chọn, đánh giá các văn bản, xây dựng văn bản hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Vừa qua, việc ban hành các văn bản còn thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong mùa dịch. Một số văn bản chỉ đưa toàn văn, không có tóm tắt, so sánh, đối chiếu với các văn bản khác, gây khó cho doanh nghiệp. Trước khi ban hành, nên có ý kiến của VCCI, đại diện các Hiệp hội và các doanh nghiệp lớn, tuy nhiên việc lấy ý kiến cũng cần được chuẩn bị chu đáo, có so sánh, đối chiếu, lý giải để dễ tiếp cận.

Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vẫn còn thụ động trong việc góp ý, nhưng các cơ quan nhà nước cũng còn có thái độ đại khái, sơ lược trong việc tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Hiện tượng này làm giảm bớt sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp trong việc góp ý các văn bản pháp luật.

“Chúng ta đã hội nhập, nên việc chỉnh sửa các văn bản pháp luật cũng phải có tính hội nhập, thì sau này các dịch vụ pháp lý ở Việt Nam mới có cơ hội phát triển. Thực tế có rất nhiều hợp đồng kinh tế được ký kết, thì đều xét xử theo luật nước ngoài hoặc luật Singapore, chứ không áp dụng luật Việt Nam. Đây cũng là điều mà Việt Nam chưa hội nhập được nhiều”, ông Đoàn nhấn mạnh.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ đại diện giới doanh nhân nhân Ngày doanh nhân Việt Nam

Thứ hai, mỗi khi thông qua luật, Quốc hội nên kiểm tra cả việc đồng bộ Nghị định, Thông tư để đảm bảo được đúng với tinh thần của luật và áp dụng được ngay. Trước mắt, ban hành sớm các chính sách hỗ trợ cụ thể các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, chịu tác động của dịch COVID-19 theo hướng dễ tiếp cận, thực tế, phù hợp với đặc điểm điều kiện của doanh nghiệp, với ngành nghề lĩnh vực và có thể tiếp cận thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đến nay, việc hỗ trợ pháp luật chưa đồng đều vẫn có sự chênh lệch giữa các địa phương vùng miền, vì vậy, cần triển khai đồng bộ các nội dung hỗ trợ của luật, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành, ví dụ như luật doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ ba, việc hỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là giải đáp thắc mắc về pháp lý phát sinh khi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, nhất là tại các tỉnh lẻ, rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước. Không chỉ trong việc giải đáp về nội dung quy định pháp luật, mà ngay cả trong việc trả lời về các vụ việc phát sinh giữa các doanh nghiệp với nhau, trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác xét xử và thi hành án cần có sự minh bạch, đột phá, không để những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh với pháp luật, hoặc xét xử thiên vị.

Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin pháp lý, nhất là những văn bản hướng dẫn thi hành luật, Nghị định. Trong đó, quan trọng nhất là các Thông tư của các Bộ, liên Bộ hỗ trợ doanh nghiệp hơn, trong việc cập nhật và nâng cao kiến thức pháp luật kinh doanh nói chung và pháp luật từng vấn đề chuyên sâu nói riêng, thông qua các hình thức phù hợp. 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh của BIDV cũng đã gặp nhiều khó khăn song để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, ngành ngân hàng BIDV đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực.

Để tiếp tục nâng cao các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng có thể nhanh chóng quay lại hoạt động kinh doanh, ông Lâm đã kiến nghị Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Luật giao dịch điện tử, để bổ sung thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Ông Lâm cho biết, qua thực tiễn hơn 15 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử đã cho thấy tồn tại một số bất cập cần sửa đổi bổ sung, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 và xu hướng số hóa mạnh mẽ của các ngân hàng, doanh nghiệp hiện nay còn nhiều điểm chưa phù hợp.

Tổng giám đốc BIDV cũng đề nghị Quốc hội xem xét luật hóa Nghị quyết 42 về Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nghị quyết số 42/2017/QH14, Về thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng được ban hành năm 2017 đánh dấu một dấu mốc quan trọng lần đầu tiên có một văn bản pháp quy trong lĩnh vực xử lý nợ xấu.

Qua 5 năm thi hành, Nghị quyết 42 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ là thí điểm nên có thời hạn 5 năm, dự kiến hết hiệu lực vào tháng 8/2022. Trong thời gian 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng bị ảnh hưởng. Do đó, Tổng giám đốc BIDV mong muốn Quốc hội xem xét, ban hành Luật riêng về xử lý nợ xấu.

Cuối cùng, BIDV mong muốn Chính phủ, các bộ ngành xem xét việc chủ trương tăng vốn điều lệ cho BIDV cũng như các Tổ chức tín dụng Nhà nước, thông qua các biện pháp đặc biệt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng./.

 

 

Tin, ảnh: Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực