Những cựu chiến binh không lùi bước trước nghèo đói

Thứ sáu, 14/07/2017 21:30
(ĐCSVN) - Với nghị lực và ý chí của người lính bộ đội cụ Hồ, những cựu chiến binh (CCB) xứ Quảng anh hùng đã không lùi bước trước nghèo đói, vươn lên làm kinh tế giỏi và đạt nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần xây dựng quê hương.

Làm giàu từ gà siêu trứng

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, chúng tôi đã đến thăm mô hình nuôi gà siêu trứng của người bệnh binh 2/3 Trương Công Lanh, sinh năm 1957 (thôn Thanh Quýt 1, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Cùng đến thăm mô hình nuôi gà siêu trứng, một cán bộ xã Điện Thắng Trung cho biết, trong những năm qua, ông Lanh luôn là một bí thư chi bộ gương mẫu, người bệnh binh tiêu biểu tại địa phương, có tinh thần phấn đấu vượt khó vươn lên đạt nhiều thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất.

Bệnh binh Trương Công Lanh cho biết, ông tham gia lực lượng du kích tại địa phương từ năm 1974, khi mới 17 tuổi. Sau khi đất nước thống nhất, ông công tác tại Trại giam Tiên Lãnh, rồi chuyển về công tác tại công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ). Đến năm 1987, sau hơn 12 năm hoạt động trong lực lượng công an, do sức khỏe yếu, ông xin nghỉ công tác theo chế độ bệnh binh, mất sức 62%.

Ông Lanh bên đàn gà của mình

Về nghỉ, ông cùng với vợ làm nông nghiệp, chăn nuôi, làm thuê đủ nghề để nuôi 3 đứa con nhưng cuộc sống luôn khó khăn, chật vật. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, ông đã mạnh dạn tìm hiểu và vay vốn nuôi gà lấy trứng.

Năm 1999, ông bắt đầu nuôi gà siêu trứng quy mô nhỏ. Sau một thời gian nắm bắt được thị trường, ông quyết định thuê thêm đất nông nghiệp của người dân, thuê nhân công, mở rộng quy mô trang trại nuôi gà.

Đến nay, gia đình ông có 7 trại nuôi gà lấy trứng, với hơn 15.000 con gà đẻ trứng, thu hoạch 10.000 trứng gà/ngày, cung cấp cho thị trường Quảng Nam và Đà Nẵng. Mỗi năm, trang trại gà siêu trứng của ông cho doanh thu 4-5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 300-400 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người.

Ông Lanh chia sẻ, nghề nuôi gà siêu trứng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, giá cả và lợi nhuận đều tùy vào thị trường, có lúc lãi cao nhưng có lúc lỗ, đặc biệt là khi dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại cũng lớn. Do vậy, đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, biết chọn giống có nguồn gốc, đồng thời nắm bắt khoa học kỹ thuật, cách phòng chống dịch bệnh để duy trì đàn gà, như vậy, trang trại mới phát triển ổn định được.

Đến nay, gia đình ông Lanh trở thành hộ gia đình có kinh tế khá tại địa phương. Bên cạnh nuôi gà, ông Lanh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ đóng góp cho thôn, xóm và những gia đình trong thôn khi gặp khó khăn.

Ghi nhận thành tích này, mới đây, bệnh binh Trương Công Lanh  được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen đã phát huy truyền thống và tinh thần đấu tranh cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiếp tục đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.

Làm giàu từ trồng rừng

Xuất phát từ hai bàn tay trắng, ở nơi núi rừng xa xôi, hẻo lánh của tỉnh Quảng Nam, CCB Hồ Trường Sinh đã không quản ngại khó khăn, vươn lên làm giàu từ rừng.

Ông Hồ Trường Sinh, sinh năm 1955, người dân tộc Kor (thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Năm 1970, ông tham gia vào lực lượng du kích, phục vụ chiến đấu và làm y tế cho đơn vị tại địa phương. Trong quá trình chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, ông đã bị thương, mất đi trên 61% sức khoẻ.

Năm 1980, ông trở về nhà và lập gia đình. Điều kiện phát triển kinh tế gia đình cũng gặp không ít khó khăn. Với quyết  tâm làm giàu để vợ con bớt khổ và nhờ có chủ trương của Đảng và Nhà nước cho nhân dân tiếp cận vay vốn phát triển kinh tế, từng bước xoá đói giảm nghèo, ông Sinh đã mạnh dạn vay vốn để trồng rừng.

Năm 2005, gia đình ông đã trồng được 50 ha rừng keo, trồng xen kẻ sắn, dứa, lúa và chăn nuôi vịt, gà, heo, trâu, bò, dê. Những năm gần đây, giá cây keo luôn ổn định nên thu nhập của gia đình tăng cao. Hiện tại, ông đã xây dựng được một căn nhà khang trang, mua thêm xe tải, xe múc phục vụ sản xuất.

Vườn keo của ông Hồ Trường Sinh

Nhằm tăng thêm thu nhập, gia đình ông kinh doanh thêm dịch vụ, tạo việc làm thường xuyên cho trên 15 lao động với thu nhập 4 triệu mỗi tháng/người. Hàng năm, thu nhập bình quân của gia đình ông trên 500 triệu đồng.

Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, bản thân ông và gia đình đã nhận nuôi và phụng dưỡng hai mẹ con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Gia đình ông cũng luôn tham gia tích cực các hoạt động phong trào tại địa phương.

Với những thành tích đạt được, CCB Hồ Trường Sinh đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2009-2011; Bằng khen có thành tích xuất sắc trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 5 năm (2005-2009).

Có thể thấy,  những người cựu chiến binh như Hồ Trường Sinh và Trương Công Lanh là những tấm gương tiêu biểu của người thương, bệnh binh "tàn những không phế", góp phần bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng để thế hệ hệ trẻ noi theo./.

Bài, ảnh: Hoàng Thế Phong

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực