leftcenterrightdel

LTS: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một trong những dự luật quan trọng sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, khai mạc vào tháng 10 tới đây.

Dự thảo Luật được xây dựng đã bám sát 05 chính sách lớn trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15. Trong đó, ba chính sách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH và mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH là những chính sách liên quan chặt chẽ, tác động trực tiếp đến thúc đẩy bình đẳng giới và giảm thiểu bất bình đẳng giới cũng như phân biệt đối xử về giới trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật về BHXH.

Các chính sách này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các nhóm dân số khác nhau với tư cách là những người tham gia và thụ hưởng BHXH, đặc biệt là phụ nữ trong một nền kinh tế mà việc làm ở khu vực phi chính thức vẫn chiếm một tỷ trọng lớn. Phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp hơn ở khu vực việc làm chính thức - nơi được đảm bảo tốt hơn rất nhiều về các chế độ BHXH. Phụ nữ có thu nhập thấp hơn, chịu trách nhiệm chính về thai sản và công việc chăm sóc không được trả công. Phụ nữ cũng có tuổi thọ cao hơn khi chiếm đa số trong số những người cao tuổi, ước tính khoảng 60% dân số từ 65 tuổi trở lên và 68% dân số từ 80 tuổi trở lên - độ tuổi có nhu cầu cao về bảo đảm thu nhập và chăm sóc sức khỏe.

BÀI 1: BẢO VỆ QUYỀN THAI SẢN CỦA LAO ĐỘNG NỮ

(ĐCSVN) - Hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam có thể giảm gánh nặng tài chính từ việc đóng BHXH đối với các hộ gia đình không có khả năng đóng góp, góp phần tăng mức độ bảo vệ thai sản cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, qua đó tăng diện bao phủ của BHXH.

Cần thiết có chế độ thai sản đa tầng tại Việt Nam

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã  hội) cho rằng, sửa đổi Luật BHXH lần này phải khắc phục những khoảng trống của pháp luật hiện hành; bảo đảm bình đẳng giới và không phân biệt đối xử, thu hẹp khoảng cách lương hưu giữa nam và nữ, bảo vệ quyền thai sản của lao động nữ, tăng cường phúc lợi, sức khỏe và dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, cơ hội bình đẳng của phụ nữ trong tìm kiếm việc làm.

Ước tính gần 40% trong số hơn 1,5 triệu phụ nữ Việt Nam sinh con đã hưởng chế độ thai sản ở Việt Nam vào năm 2021. Theo Công ước Bảo vệ thai sản của ILO, 2000 (C 183), các quy định bảo vệ thai sản nên được áp dụng cho tất cả phụ nữ, kể cả những người làm việc trong điều kiện không chính thức. Bảo vệ thai sản bao gồm: nghỉ thai sản; hỗ trợ tiền mặt và trợ cấp y tế; Bảo vệ sức khỏe; cho con bú; bảo vệ việc làm và không phân biệt đối xử. Do đó cần thiết có chế độ thai sản đa tầng tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã  hội) 

Việc mở rộng trợ cấp thai sản cho tất cả các bà mẹ của trẻ sơ sinh có thể được thực hiện thông qua một hệ thống trợ cấp thai sản đa tầng. Chế độ thai sản đa tầng sẽ hiện thực hoá quyền bảo vệ thai sản của tất cả phụ nữ ở Việt Nam, bất kể tình trạng việc làm của họ. Chế độ trợ cấp thai sản từ tầng 2 dựa trên quan hệ đóng góp (Bảo hiểm xã hội) sẽ thay thế thu nhập bị mất dành cho cha mẹ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện sinh con hoặc nhận nuôi con.

Chế độ trợ cấp thai sản từ tầng 1 do ngân sách nhà nước chi trả dành cho tất cả những người không có khả năng đóng BHXH sẽ mang lại sự bảo đảm thu nhập cơ bản cho các bà mẹ không tham gia BHXH.

Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cũng chỉ ra, chế độ thai sản là một thành tố quan trọng của sàn an sinh xã hội. Tuy nhiên, chế độ này hiện nay chỉ có trong hệ thống BHXH bắt buộc. Trong bối cảnh tỷ lệ bao phủ của BHXH còn hạn chế tại Việt Nam, hầu hết phụ nữ ngày nay đều phụ thuộc vào việc chia sẻ thu nhập trong gia đình để có thể đối phó với tình trạng mất thu nhập khi họ phải rút khỏi lực lượng lao động vì lý do sinh con, nghỉ sau sinh và chăm sóc con nhỏ.

Con em công nhân tại xóm trọ Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) 

ILO nhấn mạnh, điều quan trọng là tạo điều kiện cho phụ nữ nằm ngoài hệ thống BHXH cũng như số ít tham gia BHXH tự nguyện có quyền hưởng chế độ thai sản. ILO đề xuất mở rộng áp dụng chế độ thai sản đối với tất cả các bà mẹ có con nhỏ trong khuôn khổ gói trợ cấp đa tầng trong đó bao gồm trợ cấp trẻ em. Chế độ trợ cấp thai sản đa tầng sẽ giúp tất cả phụ nữ tại Việt Nam được hưởng chế độ thai sản, không phụ thuộc vào vị thế việc làm của họ.

Đảm bảo không có phụ nữ nào ở Việt Nam rơi vào cảnh nghèo đói vì sinh con

Không nguồn thu nhập ổn định, lại có thể gặp nhiều bất trắc về sức khỏe… là những rủi ro của người lao động tự do nói chung, lao động nữ nói riêng khi về già. Thế nhưng, nhiều lao động nữ vẫn lựa chọn không tham gia BHXH tự nguyện vì nhiều lý do.

Chị Phạm Thị Thủy (Cẩm Phả, Quảng Ninh) chia sẻ biết đến chính sách BHXH tự nguyện khi được nhân viên đại lý thu BHXH đến tư vấn trực tiếp tại nhà. Thế nhưng chị quyết định không tham gia BHXH tự nguyện, với lý do chủ yếu là vì chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn. “Tôi được biết, nếu tham gia BHXH tự nguyện thì khi sinh đẻ cũng không được chi trả chế độ thai sản. BHXH tự nguyện chỉ bao gồm 02 chế độ là hưu trí và tử tuất là không hấp dẫn” – chị Thủy nói.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra một số đề xuất điều chỉnh liên quan quy định về chế độ bảo hiểm thai sản

Để tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện, trong lần sửa đổi Luật BHXH này, Chính phủ đề xuất quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con. 

Ủng hộ đề xuất này, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá, đây là một chính sách vô cùng nhân văn, đảm bảo quyền lao động chính đáng của lao động nữ và thu hẹp dần khoảng cách giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện trong thụ hưởng BHXH của lao động nữ.

Nhận xét về mức hưởng này, TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng là rất thấp, chưa thực sự hỗ trợ cho phụ nữ bảo vệ thai sản. Theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần thì mức này chỉ tương đương 145.000 đồng/tuần, tức là khoảng 600.000 đồng/tháng, chỉ bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
TS Bùi Sỹ Lợi phân tích, thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số. Do đó, đề xuất mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần (3,5 tháng) là phù hợp và vẫn giữ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Chi phí hưởng chế độ thai sản do ngân sách nhà nước chi trả tại tầng 1, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân cho tất cả các bà mẹ sinh con tại Việt Nam, cần chi từ NSNN cho các chương trình trợ giúp xã hội khoảng 4.900 tỷ /năm, tương đương 0,05% GDP cả nước năm 2022.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam có thể giảm gánh nặng tài chính từ việc đóng BHXH đối với các hộ gia đình không có khả năng đóng góp, góp phần tăng mức độ bảo vệ thai sản cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, qua đó tăng diện bao phủ của BHXH. 

“Mục tiêu của trợ cấp gia đình/trợ cấp trẻ em là góp phần đảm bảo không một phụ nữ Việt Nam nào (hoặc gia đình) bị rơi vào tình trạng nghèo vì sinh con” – TS Bùi Sỹ Lợi khẳng định. 

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
 

 

Thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đánh giá, quy định trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện ở mức 2.000.000 đồng là chưa phù hợp với thực tế, đây là mức hỗ trợ được triển khai từ năm 2015. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng mức hỗ trợ này lên mức phù hợp hơn. 

Mặt khác, Ủy ban Xã hội cho rằng các quy định của chế độ Trợ cấp thai sản tại dự thảo luật mới chỉ chú trọng vào lợi ích vật chất mà người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng, chưa chú trọng đến những quyền lợi cũng rất quan trọng như: được nghỉ việc để đi khám thai, nghỉ việc khi thực hiện biện pháp tránh thai, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, nghỉ việc khi đình chỉ thai nghén… Đây là những lợi ích rất cần thiết đối với người lao động nữ khi mang thai, đồng thời thể hiện được tính bình đẳng giữa các chế độ BHXH trong hệ thống bảo hiểm xã hội quốc gia. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu, cân nhắc đánh giá tác động của việc quy định áp dụng chế độ nghỉ khám thai, đình chỉ thai nghén và chế độ nghỉ để thực hiện các biện pháp tránh thai dành cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện tương tự người lao động tham gia BHXH bắt buộc./.

 

(Còn nữa)

 
Kim Thanh
26/09/2023 14:38