leftcenterrightdel

Thực hiện xuyên suốt và nhất quán chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định quốc tế song phương, đa phương, trong đó có Khuôn khổ hợp tác toàn diện nhằm ngăn chặn xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS - Domestic tax Base erosion and profit shifting) do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Là quốc gia đang phát triển, trên bước đường hội nhập sâu rộng, việc tham gia các sân chơi lớn với nhiều quy tắc chung là con đường tất yếu mà Việt Nam sẽ phải đi.

Bài 1: Nỗ lực quốc tế về việc ngăn chặn BEPS 

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, đặc biệt là việc mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu của các tập đoàn, công ty đa quốc gia và quá trình số hóa nền kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, các vấn đề về thuế quốc tế ngày càng có tầm quan trọng đặc biệt đối với hầu hết các nước đang phát triển, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ. Là quốc gia đang phát triển, trên bước đường hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tham gia các sân chơi lớn với nhiều quy tắc chung là con đường tất yếu mà Việt Nam sẽ phải đi.

Thuế quốc tế - cách ứng xử với BEPS

Theo định nghĩa và quan niệm chung của các cơ quan thuế thuộc nhiều quốc gia phát triển, đang phát triển cũng như các tổ chức thuế quốc tế, BEPS là hành động được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia, lợi dụng lỗ hổng chính sách và sự khác nhau giữa hệ thống thuế của các quốc gia trên thế giới để tối thiểu hóa số thuế phải nộp, nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Các nước đang phát triển phụ thuộc càng nhiều vào nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, càng phải chịu thiệt hại từ tác động của BEPS.

Những quốc gia đang phát triển phụ thuộc nhiều vào thuế thu nhập doanh nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nghĩa là sẽ phải chịu nhiều tác động trực tiếp bởi những hành động vô tình hoặc cố ý làm suy yếu hệ thống thuế nội địa và dịch chuyển lợi nhuận - hay vẫn được gọi là BEPS.

leftcenterrightdel
 Những quốc gia đang phát triển phụ thuộc nhiều vào thuế thu nhập doanh nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo thống kê của OECD, thực tế, BEPS đã khiến các quốc gia thiệt hại ước tính từ 100 - 240 tỷ USD thu nhập hằng năm, tương đương với khoảng 4 - 10% doanh thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu.

Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, thuế quốc tế đã trở thành vấn đề toàn cầu. Cụ thể, từ năm 2009, một Diễn đàn toàn cầu được thành lập với 163 thành viên là các quốc gia, vùng lãnh thổ, đã thống nhất ban hành Công ước về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong các vấn đề về thuế (MAAC), và mở rộng cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với khoảng 144 quốc gia hiện đang tham dự. Bên cạnh đó, một loạt các mạng lưới và quan hệ đối tác quốc tế được tạo ra, đặc biệt là Hiệp định Chương trình hành động Addis Ababa về Tài trợ cho phát triển (AAAA) năm 2015 với cam kết các nước sẽ tăng cường hợp tác quốc tế về thuế và tăng cường tính minh bạch và trao đổi thông tin. Các thành viên tham gia đã cam kết bổ sung tài trợ và hành động cụ thể để hỗ trợ việc thực hiện AAAA, bao gồm cả thuế quốc tế.

Ngoài ra, các chính phủ, tổ chức quốc tế đang tăng cường hoạt động và hợp tác về thuế quốc tế. Ủy ban chuyên ngành hợp tác quốc tế về các vấn đề thuế của Liên hợp quốc (UN) đã tăng cường các hoạt động của mình kể từ khi có thỏa thuận về AAAA.

Nền tảng hợp tác về thuế (PCT) giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), OECD, UN và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) thành lập vào năm 2016 đã tạo điều kiện mở rộng hoạt động hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực thuế quốc tế, bao gồm cả đối thoại, phân tích khu vực và triển khai các công cụ cần thiết. Các cộng đồng kinh tế khu vực như: Liên minh châu Phi (AU), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Cộng đồng Caribe (CARICOM) ngày càng quan tâm tới các vấn đề về thuế quốc tế, trong khi các ngân hàng phát triển đa phương cũng tăng cường chú ý về các vấn đề này, điển hình là việc thành lập Trung tâm về các vấn đề thuế của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

leftcenterrightdel
 

Khuôn khổ hợp tác chung và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu

Là diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các nguyên thủ, Thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU), G20 (hay còn gọi là Nhóm 20) hiện chiếm khoảng hơn 90% trong tổng quy mô của toàn bộ nền kinh tế thế giới đang nỗ lực thiết lập một cấu trúc quốc tế mới về thuế, với cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường năng lực xây dựng cơ sở thu thuế bền vững.

Theo yêu cầu của G20, tháng 6/2016, Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa OECD/G20 đã được được thành lập tại thành phố Kyoto (Nhật Bản) với số lượng thành viên ban đầu gồm 89 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đến nay, Khuôn khổ hợp tác này có 141 thành viên, hoạt động trên cơ sở bình đẳng, giám sát việc thực hiện các giải pháp ngăn chặn BEPS, cũng như không ngừng đổi mới các giải pháp ngăn chặn dựa trên sự đồng thuận để củng cố hệ thống thuế quốc tế. Ngoài các thành viên tham dự, có 15 tổ chức quốc tế và khu vực hiện là quan sát viên của Khuôn khổ hợp tác này.

Sau hơn 5 năm kể từ khi thành lập Khuôn khổ hợp tác và 12 năm kể từ khi Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin vì mục đích thuế ra đời, đã có những bước phát triển mạnh mẽ mang tính toàn cầu với mức độ hợp tác và phối hợp về thuế giữa các thành viên của Khuôn khổ hợp tác ngày càng chặt chẽ, cùng sự tham gia sâu rộng của các tổ chức quốc tế, tổ chức thuế khu vực, ngân hàng phát triển đa phương và các đối tác khác.

Ban đầu, các quốc gia tham gia Khuôn khổ hợp tác đã thống nhất thực hiện 15 hành động về BEPS để giải quyết tình trạng trốn thuế, cải thiện tính nhất quán của các quy tắc thuế quốc tế, bảo đảm môi trường thuế minh bạch hơn. Hơn 100 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đàm phán Công ước đa phương để thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp ước thuế đa phương (MLI) nhằm ngăn chặn BEPS.

leftcenterrightdel

Đến tháng 7/2021, 134 thành viên của Khuôn khổ hợp tác đã đạt được thỏa thuận lịch sử về Chương trình hành động hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế trong quá trình số hóa nền kinh tế và đưa ra mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với lợi nhuận của các công ty đa quốc gia lớn.

Thỏa thuận này quy định những cải cách cơ bản về thuế, cập nhật các yếu tố chính của hệ thống thuế quốc tế và hỗ trợ các quốc gia bảo vệ nền tảng thuế của mình. Các nước đang phát triển là thành viên của Khuôn khổ hợp tác ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thông qua các thỏa thuận và ảnh hưởng đáng kể đến các cam kết đưa ra. Cấu trúc thuế mới là điều kiện để các nước đang phát triển có tiếng nói mạnh mẽ trong việc bảo đảm quy tắc và tiêu chuẩn thuế quốc tế phải phản ánh đầy đủ những lợi ích của họ.

Là quốc đang phát triển, trên bước đường hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tham gia các sân chơi lớn với nhiều quy tắc chung là con đường tất yếu mà Việt Nam sẽ phải đi. Tuy nhiên, việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, có thể ảnh hưởng nhất thời đến hoạt động của hàng loạt các công ty đa quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam như: Samsung, Intel, Lotte, Formosa... với số vốn hàng tỷ USD.

Thực tế, dòng vốn FDI hiện vẫn là một trong những trụ cột quan trọng góp phần thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Chính vì vậy, việc Việt Nam cần nghiên cứu, ứng xử như thế nào để phù hợp và hài hòa lợi ích các bên liên quan là việc phải làm và bước tiến tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel

Bài 2: Thông lệ quốc tế và những nỗ lực hội nhập của Việt Nam

Bài 3: Thận trọng nhưng nhất quán với chính sách hội nhập rộng mở

 

Nhóm phóng viên
17/04/2023 09:45