LTS: “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững" là nhiệm vụ chính trị mà Đại hội XIII của Đảng giao cho cơ quan lập pháp và các cơ quan hữu quan. 

Trọng trách, nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội khoá XV là rất lớn, đòi hỏi cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất phải có tầm nhìn mới, sáng tạo hơn kịp thời phúc đáp yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ năm (tháng 6/2023), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội; 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đằng sau con số ấn tượng trên là sự chủ động, nỗ lực rất lớn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan..., với những câu chuyện lần đầu tiên, chưa từng có tiền lệ. Và ấn tượng trên hết là sự đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách làm, linh hoạt, sáng tạo nhằm khơi thông điểm nghẽn, kiến tạo sự phát triển vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

----------------------------------------------------

BÀI 1: TƯ DUY MỚI, TẦM NHÌN MỚI

(ĐCSVN) - Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Quốc hội có một Kết luận do Bộ Chính trị ban hành để định hướng các nhiệm vụ lập pháp trong cả nhiệm kỳ. Đây là minh chứng rõ rệt của sự đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động, tích cực của Đảng đoàn Quốc hội trong việc khẩn trương thể chế hóa chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng, sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Tầm nhìn chiến lược xuyên suốt toàn khóa

Phát biểu trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao nhiệm vụ Quốc hội cần “tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động”. Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế-xã hội.

leftcenterrightdel

Quán triệt tinh thần đó, hai ngày sau khi khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, trong cuộc gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, đáp ứng yêu cầu kiến tạo đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Một mặt, Quốc hội Khóa XV phải tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp 2013, thể chế hóa kịp thời các chủ trương mới và cả các vấn đề đã có, đã đề cập nhưng được nhìn nhận với tư duy mới, tầm nhìn mới tại Nghị quyết và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Mặt khác, phải tiếp tục rà soát các vấn đề còn chồng chéo, mâu thuẫn không chỉ trong luật mà cả các văn bản dưới luật.

“Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ coi trọng cả hai nhiệm vụ này, tăng cường hơn nữa vai trò chủ động, dẫn dắt của Quốc hội trong xây dựng hệ thống pháp luật kiến tạo sự phát triển” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Để tăng tính chủ động, dẫn dắt tổng thể trong hoạt động lập pháp, Đảng đoàn Quốc hội, trong đó đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội giữ vai trò Bí thư Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo từ sớm, ngay sau những ngày đầu tiên kết thúc kỳ họp thứ nhất tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Sau đó, Bộ Chính trị đã thảo luận và ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.  

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Quốc hội có một Kết luận do Bộ Chính trị ban hành để định hướng các nhiệm vụ lập pháp trong cả nhiệm kỳ. Cũng là minh chứng rõ rệt của sự đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động, tích cực của Đảng đoàn Quốc hội trong việc khẩn trương thể chế hóa chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng, sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trước đây, chúng ta có cách tiếp cận pháp luật ngắn hạn, theo từng năm. Như Luật Tổ chức quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đã không còn quy định thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định chương trình lập pháp 5 năm như trước đây mà chỉ quyết định hàng năm. Điều này có ưu điểm là tạo sự linh hoạt trong việc xây dựng và điều chỉnh chương trình.

Tuy nhiên, điều này lại có hạn chế là thiếu đi cái nhìn dài hạn, tổng thể và tàn diện hay khó có thể tiếp cận từ sớm, từ xa để khắc phục tình trạng như dân gian vẫn nói “bắc nước sôi chờ gạo”, điều mà thực tế đang cần lại chưa trình được Quốc hội xem xét thông qua và ngược lại.

Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV 

Đúng 20 ngày sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận, ngày 03/11/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi đó đang đảm nhiệm chức vụ Thường trực Ban Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham dự và đồng chủ trì Hội nghị. Cần nhấn mạnh, đây là hội nghị chuyên đề toàn quốc đầu tiên về công tác lập pháp được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước tham dự, đồng chủ trì và trực tiếp chỉ đạo, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bộ Chính trị đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển nói chung và công tác lập pháp của Quốc hội nói riêng.

Khi bàn về đổi mới tư duy lập pháp ở Việt Nam hiện nay, PSG.TS Trần Quang Hiển, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần đổi mới tư duy lập pháp theo hướng pháp luật là công cụ quản lý sự thay đổi; mang tính định hướng, kiến tạo phát triển. Chuyển trạng thái tư duy lập pháp từ quản lý các quan hệ đã định hình sang quản lý sự thay đổi để có thể phản ứng, thích ứng kịp thời với những biến chuyển nhanh chóng, khó đoán định trong thế giới ngày nay như vấn đề của toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Xây dựng pháp luật phải mở đường cho kiến tạo phát triển, cho đổi mới sáng tạo để khơi dậy, kích thích, phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng trong xã hội

leftcenterrightdel
TS Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội 

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, về hoàn thiện một hệ thống pháp luật, sau khi rút ra những tồn tại của công tác lập pháp là “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn... chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, phải xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật với 8 tính chất đặc trưng: đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và ổn định.

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất nặng nề và phức tạp, theo TS Bùi Ngọc Thanh, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Đảng đoàn Quốc hội đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt công việc trọng đại này.

Quan sát nghị trường, TS Bùi Ngọc Thanh đánh giá: “Việc ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo thiết kế Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là một cách làm khoa học, bài bản. Sau khi xem xét, thảo luận, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 19-KL/TW”.

Tại Kết luận số 19-KL/TW, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung một tính chất nữa vào hệ thống pháp luật, đó là có sức cạnh tranh quốc tế. “Trong điều kiện đất nước hội nhập sâu rộng, luật pháp phải có sức cạnh tranh quốc tế, đó là quyết định đúng đắn và chính xác” - TS Bùi Ngọc Thanh trao đổi.

Nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm rõ ràng

  

Sự chủ động của Quốc hội được thể hiện rõ nét, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo hoàn thiện tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị và hoàn thiện Đề án trình Bí thư Đảng đoàn Quốc hội ký ban hành Thông báo cùng Kết luận và Đề án đến các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương để triển khai thực hiện. Đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội cũng giao cho các cơ quan của Quốc hội, các Tổ Đảng, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban nghiên cứu, quán triệt Kết luận và Đề án.

Cũng rất nhanh chóng, ngày 05/11/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 với 137 nhiệm vụ lập pháp cho cả nhiệm kỳ. Trong đó, có 109 nhiệm vụ lập pháp, bao gồm 71 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết hiện hành; 38 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng luật mới, pháp lệnh, nghị quyết mới.

“Tất cả các nhiệm vụ đã được phân công cụ thể cả nội dung và tiến độ tới từng chủ thể có nhiệm vụ phải trình và nhiệm vụ thẩm tra của từng cơ quan của Quốc hội và Chính phủ” - TS Bùi Ngọc Thanh trao đổi.

leftcenterrightdel
 Lập hiến, lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội 

Nhìn lại chặng đường lập pháp của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đánh giá, một trong hai kết quả nổi bật của Quốc hội khóa XV là có được Đề án trình Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ. “Việc ra đời định hướng chương trình này là một điểm sáng cho hoạt động lập pháp, tư duy chiến lược dài hơi hơn song hành với nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc của mỗi nhiệm kỳ” - đại biểu Lê Thanh Vân nhìn nhận.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cũng nhận định, Kết luận số 19-KL/TW là kim chỉ nam và Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 là sáng kiến nổi bật, có tính đột phá trong công tác lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV.

Với việc chuẩn bị công phu, khoa học, xác định rõ thứ tự ưu tiên, lộ trình thực hiện và dự kiến phân công thực hiện đối với từng nhiệm vụ cụ thể như vậy, đại biểu tin tưởng, chất lượng công tác lập pháp trong nhiệm kỳ Khóa XV sẽ tiếp tục nâng lên, khắc phục được tình trạng cơ quan của Quốc hội bị động, phụ thuộc vào tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án luật của cơ quan trình.

“Quốc hội khoá XV thực hiện hoạt động lập pháp với tinh thần chủ trương đó là luật pháp kiến tạo, đổi mới, phát triển và lúc nào cũng xác định hoạt động xây dựng chính sách phải đồng hành với công tác điều hành của Chính phủ, lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu để điều chỉnh, xây dựng chính sách” - đại biểu nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Nhiều luật, pháp lệnh được thông qua có ý nghĩa đặc biệt, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau dịch COVID-19

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng với cách làm bài bản, khoa học đã mang lại kết quả ấn tượng. Tính đến hết kỳ họp thứ 5, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình lập pháp năm 2023 và 2024.

Trong số các nhiệm vụ đã hoàn thành, được đề xuất, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết và đã được thông qua hoặc đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh có nhiều văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID - 19, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn và bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID - 19…

Quốc hội cũng đã cho phép thí điểm một số chính sách mới, một số cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế - xã hội và cả nước.

Nhiều vấn đề, nhiều "điểm nghẽn" của cuộc sống đã được tháo gỡ kịp thời từ đó.

leftcenterrightdel
 TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
"Từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã và đang rất chủ động “từ sớm, từ xa”, tích cực tập trung hoàn thiện thể chế và giám sát thể chế" - TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định.

Với sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách, giải pháp quyết liệt, quy mô, kể cả chưa có tiền lệ, được các cấp có thẩm quyền ban hành đi kèm việc thành lập, kiện toàn tổ chức - bộ máy chỉ đạo, thực hiện. Phải kể đến các định hướng, chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 86/2021/NQ-CP, Nghị quyết 128/2021/NQ-CP về phòng chống dịch bệnh; các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 2022-2023, về chính sách tài khóa cho phép giãn hoãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân với tổng giá trị miễn giảm thuế phí khoảng 210 nghìn tỷ đồng, tổng giá trị gia hạn là hơn 430 nghìn tỷ đồng (theo Bộ Tài chính) trong 4 năm (2020-2023). Thực hiện chính sách tiền tệ cho phép cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi..; cùng nhiều chỉ thị, nghị quyết, chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn…, được ban hành kịp thời.

TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Các chính sách, giải pháp chưa từng có nêu trên cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, suốt hơn 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận”./.

Bài 2: Phối hợp "từ sớm, từ xa", cộng đồng trách nhiệm thì dự luật “dù khó mấy cũng làm được”

Bài 3: Quốc hội vì dân từ những việc chưa có tiền lệ

Bài 4: Để luật không "lỗi nhịp" cuộc sống

Bài 5: Vững bước trên con đường đồng hành cùng dân tộc 

Nội dung: Nhóm phóng viên Thời sự
Ảnh: Nhóm phóng viên và nguồn Văn phòng Quốc hội
02/10/2023 21:53