BÀI 3:  QUỐC HỘI VÌ DÂN TỪ NHỮNG VIỆC CHƯA CÓ TIỀN LỆ 
 

(ĐCSVN) - Quốc hội đã siết chặt kỷ luật lập pháp, một mặt sẵn sàng làm việc ngày đêm, kể cả ngày nghỉ, với những câu chuyện lần đầu tiên "chưa có tiền lệ" nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách từ cuộc sống nhưng đồng thời cũng kiên quyết không chấp nhận các dự án luật không bảo đảm chất lượng.

Hoàn cảnh bất thường, sáng kiến đặc biệt

Nửa nhiệm kỳ đã qua, có nhiều câu chuyện lần đầu tiên, chưa từng có tiền lệ trong thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội với phương châm lập pháp vì sự phát triển.

Ngay tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ, Quốc hội đã có một sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ - Nghị quyết số 30/2021/QH15 quyết định 8 nhóm giải pháp cấp bách để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Khi ấy, COVID-19 đã đẩy Việt Nam vào hoàn cảnh khó khăn chưa từng có tiền lệ. Hoàn cảnh chưa có tiền lệ đòi hỏi phải có những giải pháp linh hoạt, chưa có tiền lệ. Cũng vì là trường hợp đặc biệt trong tình huống cấp bách, nên việc giải quyết cũng theo trình tự rút gọn, đặc biệt.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp chủ trì 02 Phiên họp để cho ý kiến chỉ đạo về nội dung, thủ tục trình Nghị quyết. Đồng thời, các cơ quan của Quốc hội đã rất quyết liệt, khẩn trương để trình Quốc hội điều chỉnh chương trình, thảo luận, biểu quyết thông qua, chỉnh lý hoàn thiện trong 01 tuần, thể hiện rõ nét tinh thần chống dịch như chống giặc.

Nghị quyết số 30 được ban hành đã thống nhất việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động, linh hoạt quyết định triển khai các giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch COVID-19. Với quyết định quan trọng này, Quốc hội đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội, của cử tri và Nhân dân cả nước.

Quốc hội đã phát huy vai trò là người đại diện của Nhân dân, tích cực, chủ động đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thể chế, cùng Chính phủ triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch theo phương châm đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

leftrightdel
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) 

Khi nhìn nhận về Nghị quyết số 30/2021/QH15, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đánh giá, đây không chỉ là một sáng kiến lập pháp mà còn hơn thế là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ.

Theo đại biểu Mai, Nghị quyết 30 đã định khung, định hình đi trước mở đường, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, hiệu quả đã quyết định làm thay đổi cục diện chống dịch. Hàng loạt chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và cả hỗ trợ bạn bè quốc tế được triển khai, tổ chức thực hiện. Đặc biệt là chiến lược ngoại giao vaccine, chiến lược tiêm chủng vaccine cùng nhiều biện pháp khác, cùng với sự cống hiến hết mình, quên mình của các lực lượng tham gia chống dịch, nhất là lực lượng tuyến đầu. Nước ta đã cơ bản khống chế được đại dịch, tạo điều kiện tiên quyết đưa cuộc sống toàn xã hội trở lại bình thường, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành, chọn thời điểm thích hợp để mở cửa nền kinh tế, tạo bước đột phá chiến lược cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở vững chắc cho đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội của đất nước

Nhắc lại bối cảnh ra đời của Nghị quyết 30/2021/QH15 khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội trong cả nước, với số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày, từ 100 ca/ngày lên tới 1.000-5.000 ca/ngày; trong bối cảnh thuốc điều trị, phác đồ điều trị chưa có; vật tư y tế, máy móc, thiết bị, giường bệnh không đáp ứng đủ, nhân lực y tế quá tải…, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, việc Quốc hội phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, làm việc ngày đêm để đưa vào Nghị quyết cuối kỳ họp thứ nhất khóa XV những nội dung quan trọng giúp Chính phủ có thể chủ động linh hoạt áp dụng các giải pháp phòng chống, ứng phó COVID-19 trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan là rất sáng suốt.

Kỹ thuật lập pháp mới "một luật sửa nhiều luật"

Quốc hội đã sử dụng quy định về ngoại lệ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một luật sửa nhiều luật, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất.

Điều đặc biệt là nếu như trước đây kỹ thuật lập pháp “một luật sửa nhiều luật trước đây” thường áp dụng đối với các luật trong cùng nhóm ngành, lĩnh vực có mối tương quan. Lần này, Quốc hội thông qua một dự án luật có tính chất đặc biệt, sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau, các quy định có tính chất tương đối độc lập.

Đó là Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Các nội dung cụ thể được sửa đổi, bổ sung liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật 

Khi bàn về tính hiệu quả của kỹ thuật "một luật sửa nhiều luật”, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật được Quốc hội thông qua theo quy trình rút gọn thể hiện tính kịp thời trong phản ứng chính sách và công tác lập pháp trước những đòi hỏi cấp bách nhất mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, nhằm tháo gỡ ngay những vướng mắc về thể chế, pháp luật cản trở các doanh nghiệp, nhà đầu tư phục hồi trong bối cảnh đại dịch khi chúng ta chưa thể sửa đổi toàn diện các luật chuyên ngành liên quan. 

Việc Quốc hội vận dụng kỹ thuật lập pháp "một luật sửa nhiều luật" giúp khắc phục nhanh chóng những mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật. Bởi, thực tiễn cho thấy, các luật được ban hành tại những thời điểm khác nhau nên khó tránh khỏi tình trạng thiếu thống nhất khi điều chỉnh cùng một vấn đề. Vì vậy, kỹ thuật “một luật sửa nhiều luật” là giải pháp tạo sự thống nhất trong pháp luật.

Trong cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Luật này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (nay là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, Luật được thông qua tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội nhưng trước đó, trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, là các bộ quản lý nhà nước về các lĩnh vực lớn được sửa đổi, bổ sung trong Luật, tiến hành đánh giá, tổng kết thực tiễn, phát hiện các khó khăn, vướng mắc.

Với sự kỹ lưỡng và thận trọng, các chính sách lớn đều đã được các Bộ phụ trách các lĩnh vực đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ. Trước khi báo cáo Chính phủ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cũng đã tiến hành thẩm định cụ thể, chi tiết. Các chính sách đều đã được lấy ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động.

Chất lượng là ưu tiên hàng đầu

Quốc hội đã siết chặt kỷ luật lập pháp, một mặt sẵn sàng làm việc ngày đêm, kể cả ngày nghỉ để kịp thời xem xét, cho ý kiến nhưng đồng thời cũng không nóng vội thông qua luật và kiên quyết không chấp nhận các dự án luật không bảo đảm chất lượng.

Người đứng đầu Quốc hội đã thường xuyên đề nghị lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các vị đại biểu Quốc hội trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra trong quá trình tổng kết, xây dựng Đề án. Kiên quyết không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những dự án, dự thảo không đảm bảo chất lượng và tiến độ; những nội dung không đảm bảo chất lượng và quy trình "thì đến phút bù giờ vẫn phải bỏ lại"…

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, kỷ luật lập pháp chính là thực hiện đúng quy trình và bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật trình Quốc hội. Đây cũng là cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, là bài học trong phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quy trình lập pháp.

Quy trình làm luật đã được hoàn thiện qua nhiều nhiệm kỳ của Quốc hội đòi hỏi nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ngay từ bước đầu sáng kiến lập pháp. Một dự án luật, dù là ban hành lần đầu hay sửa đổi luật hiện hành đều bắt buộc phải qua các bước rà soát, tổng kết, đề xuất chính sách, lấy ý kiến, đánh giá tác động… mới đủ cơ sở để xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Từng khâu, từng công đoạn, từng chủ thể tham gia phải chủ động, đề cao trách nhiệm, bảo đảm tiến độ thời gian và chất lượng.

leftrightdel
TS Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội 

TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kể lại, cách đây hơn 20 năm, trong một cuộc hội thảo của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách (Quốc hội Khóa X) về đổi mới cách thức làm luật và giải pháp nâng cao chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, khi tóm tắt những “khuyết tật” đang tồn đọng trong các đạo luật hiện hành và cách thức làm luật, Chủ nhiệm Ủy ban - Chủ tọa phiên họp đã chỉ ra “5 không, 4 mất, 3 chờ” (5 không là không đồng bộ, không thống nhất, không minh bạch, không thực tế, không đủ rõ; 4 mất là mất thời gian, mất chi phí, mất cơ hội, mất bạn hàng; 3 chờ là chờ xin ý kiến, chờ xét duyệt, chờ ký). Nguyên nhân bao trùm của tình hình đó là: Phải làm luật trong tình thế “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Chỉ trong 3 khóa (VIII, IX, X) giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, để đáp ứng nhanh chóng yêu cầu quản lý, Quốc hội đã xây dựng tới 111 đạo luật, về số lượng, gấp hơn 10 lần so với 7 khóa trước đó, và về nội dung gần như mới hoàn toàn, chưa có tiền lệ.

Ông đánh giá, chúng ta đã khắc phục về căn bản những hạn chế của 15 năm trước. Đến nay, hệ thống pháp luật hiện hành đã bao gồm khoảng 250 đạo luật. Về số lượng là tương đối đủ, tình trạng “quanh năm cấp bách, tứ mùa khẩn trương” chạy theo số lượng đã thuyên giảm nhiều. Bây giờ, vấn đề là chất lượng luật, không chạy theo số lượng.

Theo dõi hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XV, ấn tượng cá nhân của TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đã có những chỉ đạo rất quyết liệt trong việc yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy trình xây dựng luật theo luật định, những dự án chưa đạt chất lượng, nhất thiết chưa trình Quốc hội, những dự án trình rồi mà xét thấy chưa thật bảo đảm yêu cầu thì trả lại để chuẩn bị tiếp. 

Ông đặc biệt đánh giá cao yêu cầu kèm theo dự án luật, phải có dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành. Chẳng hạn tại Kỳ họp thứ Năm, kèm theo dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đã có dự thảo 2 Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành: Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định Quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. 

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ qua, có nhiều minh chứng cho việc Quốc hội đã kiên quyết chỉ xem xét, ban hành những dự án luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, có căn cứ khoa học, thực tiễn, có cơ sở chính trị, pháp lý và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; dự án luật nào mặc dù cần thiết nhưng chuẩn bị chưa kỹ, còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt đồng thuận thì kiên quyết chưa trình Quốc hội thông qua để tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị.

Có thể kể đến các dự án đã được Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình các năm trước nhưng chưa được chấp thuận và giao lại Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ như các dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Phát triển công nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Dân số (sửa đổi).

Một ví dụ điển hình khác là quá trình thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là luật có tính chất “xương sống” của ngành y tế, định hướng cho công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, được nhân dân, ngành y tế mong đợi.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, chúng ta mong đợi có luật mới nhưng cũng không vội vàng, phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, bảo đảm tính khả thi và "tuổi thọ" của dự luật chứ không thể ban hành năm nay rồi năm sau lại sửa.

Được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 và theo chương trình ban đầu thì dự luật sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Song tại Kỳ họp thứ 4, khi thảo luận về dự án Luật này vẫn còn có ý kiến khác nhau về những nội dung lớn. Đặc biệt, dự thảo Luật chưa xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cũng như cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ…

leftrightdel
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội 

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra đã đề nghị cân nhắc xem xét thông qua dự án luật trong 3 kỳ họp để thuận lợi hơn cho cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, vì còn nhiều vấn đề trong dự thảo luật chưa được làm rõ, nhất là liên quan đến mặt chính sách.

Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh chia sẻ, tinh thần của cơ quan thẩm tra là không ngại khó, ngại khổ, đã làm việc ngày đêm về dự án luật này, nhưng nhiều vấn đề lại phụ thuộc vào phía cơ quan cơ quan soạn thảo. Cơ quan soạn thảo là cơ quan xây dựng, thiết kế chính sách và cũng là cơ quan thực hiện các chính sách, mọi quyết định dù là của Quốc hội, nhưng ý kiến của Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng và tiên quyết.

Do đó, ngày 05/11/2022, trên cơ sở kết quả biểu quyết của đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã nhất trí rút nội dung thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Phải đến Kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra đầu năm 2023, dự luật này mới được các vị đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua.

Có thể nói, mặc dù mục tiêu ban đầu dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 nhưng đến “phút chót” Quốc hội đã rút dự án này ra khỏi Chương trình kỳ họp, điều này cho thấy Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, không chạy theo tiến độ mà quyết định lùi thời gian thông qua Luật để đảm bảo chất lượng, không để khi luật được thông qua lại phát sinh bất cập. 

Quốc hội không ngừng đổi mới hoạt động lập pháp nhằm tạo khung khổ pháp lý đồng bộ, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững 

Trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã chia sẻ, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã giúp Ủy ban rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Đó là, trong mọi hoàn cảnh phải bảo đảm đúng thủ tục, quy trình, nhất là trong kỳ họp bất thường, dù thời gian để tiếp thu, giải trình các nội dung thảo luận rất ngắn. Đồng thời là sự quyết tâm, quyết liệt và không né tránh đối với những nội dung khó trong luật.

Cũng theo Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, bài học từ thực tiễn tiếp thu, chỉnh lý Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cho thấy, cần thực hiện nghiêm quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo luật.

Không nóng vội thông qua khi dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu là một biểu hiện sinh động của một Quốc hội trách nhiệm, chuyên nghiệp, luôn đặt chất lượng công việc lên đầu. Việc này cũng cho thấy bản lĩnh của Quốc hội trong việc lắng nghe và lựa chọn giải pháp phù hợp khi quyết định sửa đổi, bổ sung một luật nào đó./.

Bài 1: Tư duy mới, tầm nhìn mới

Bài 2: Phối hợp "từ sớm, từ xa", cộng đồng trách nhiệm thì dự luật “dù khó mấy cũng làm được”

Bài 4: Để luật không "lỗi nhịp" cuộc sống

Bài 5: Vững bước trên con đường đồng hành cùng dân tộc

Nội dung: Nhóm phóng viên Thời sự
Ảnh: Nhóm phóng viên và nguồn Văn phòng Quốc hội
05/10/2023 10:56