Bài 2: Ứng dụng công nghệ cao – Chìa khóa vàng để nông nghiệp Việt bứt phá
(ĐCSVN) - Sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã và đang trở thành hình mẫu cho nông nghiệp tri thức của thế kỷ 21. Bởi nó không chỉ gia tăng năng suất mà còn tạo ra những sản phẩm chất lượng, nâng cao đời sống nông dân.
Công nghệ cao - tạo sức bật trên cánh đồng TH
Theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp phát triển bền vững muốn tạo ra sản phẩm nông sản đồng nhất tiêu chuẩn quốc tế ngay trên đồng đất Việt Nam thì phải ứng dụng công nghệ cao, khoa học quản trị (4.0); đưa công nghệ cao vào nông nghiệp là một cuộc cách mạng để đạt được những thành tựu to lớn.
Một trong những mô hình trang trại công nghệ cao gây ấn tượng mạnh trong những năm gần đây là trang trại bò sữa của Tập đoàn TH ở vùng đất Tây Nghệ An.
Thành công bước đầu từ mô hình ứng dụng hiệu quả công nghệ cao vào nông nghiệp và nông thôn của Tập đoàn TH đã làm “thay da đổi thịt” cả một vùng cao nguyên Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn - Nghệ An) vốn đầy nắng và gió Lào, biến nơi đây trở thành vùng đất khác lạ.
|
|
Trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH được triển khai từ tháng 10/2009. |
Thăm trang trại bò sữa TH True Milk vào một ngày đầu tháng 4, chúng tôi bị choáng ngợp bởi một màu xanh ngát của những cánh đồng cỏ Mỹ, ngô sinh khối bạt ngàn, rồi những máy nông nghiệp hiện đại hàng đầu thế giới, máy cày, máy cắt cỏ, ép cỏ…
Được biết, dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” của Tập đoàn TH được triển khai từ tháng 10/2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Tới nay đã vận hành 9 trang trại với gần 70.000 con bò sữa. Sau hơn một thập kỷ phát triển, TH là niềm tự hào của người Việt khi thiết lập những thành tựu chưa từng có tiền lệ trong ngành sữa, ghi dấu Việt Nam trên bản đồ sữa thế giới với cụm trang trại công nghệ cao khép kín đạt kỷ lục lớn nhất thế giới.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Thực phẩm sữa TH Gilad Efrat tự hào cho biết: Trang trại của TH True Milk ứng dụng những công nghệ hàng đầu trong chăn nuôi bò sữa như: hệ thống quản lý đàn Afifarm - Israel tiên tiến nhất thế giới; quy trình quản lý dịch bệnh và thú y của New Zealand; quy trình, thiết bị xử lý nước sạch của Hà Lan; quy trình, thiết bị xử lý nước thải và chất thải Nhật Bản, Israel, Hà Lan; hệ thống vắt sữa tự động khép kín.
Đặc biệt, về công nghệ, đàn bò sữa tại đây được đeo chip và quản lý bằng phần mềm máy tính, có thể quản lý thời gian sinh sản, cảnh báo và phát hiện bệnh viêm nhiễm của bò trước 4 ngày, phân loại bò, năng suất, chất lượng sữa…
|
|
Trang trại của TH True Milk ứng dụng những công nghệ hàng đầu trong chăn nuôi bò sữa. |
Đến tham quan Trung tâm thức ăn, chúng tôi đã được chứng kiến không khí làm việc hết sức khẩn trương, sôi động. Quy trình lập khẩu phần, phối trộn chế biến và cung cấp thức ăn cho bò sữa ở nơi đây được vận hành hoàn toàn tự động, vi tính hóa 100% dưới sự tư vấn và điều hành bởi các chuyên gia dinh dưỡng Israel trên công nghệ phần mềm NDS Professional - phần mềm lập khẩu phần thức ăn và phần mềm điều hành phối trộn và rải thức ăn. Hiện nay, mỗi ngày có hơn 2.000 tấn thức ăn được phối trộn tại trung tâm thức ăn và phân phối đến từng chuồng bò cho các loại bò khác nhau như: Bò đang cho sữa, bò cạn sữa, bê, bò mang thai, bò tơ, bò chuyển dạ…
Cách Trung tâm thức ăn không xa, là cánh đồng nông nghiệp công nghệ cao Đông Hiếu - Nghĩa Đàn. Đến đây, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi được quan sát hoạt động của hệ thống tưới nước Pivot hiện đại hàng đầu thế giới. Nhìn hệ thống tưới nước “khổng lồ” đang phun những dòng nước mát tưới cho cánh đồng cỏ bạt ngàn ai lấy đều thốt lên: “Đỉnh cao của công nghệ hiện đại”.
Những “cánh tay tưới” dài từ 350 đến 500 mét chạy dọc theo các cánh đồng, tắm mát cây trồng theo quy trình được tự động hóa nghiêm ngặt. Tất cả các khâu, từ làm đất, gieo trỉa, thu hoạch đều được vận hành theo kiểu đại công nghiệp. Hình ảnh những chiếc máy liên hợp hiện đại, được nhập khẩu từ Israel có thể đảm nhiệm cùng lúc rất nhiều khâu (vừa xới đất, bón phân vừa làm cỏ, gieo hạt trong trồng trọt; vừa cắt, thái, băm nhỏ rồi chuyển trực tiếp sang xe tải trong khâu thu hoạch) đã trở nên vô cùng quen thuộc. Ở đây, máy móc đã thay thế hoàn toàn sức người. Chỉ cần một công nhân vận hành là có thể xử lý liên hoàn hàng loạt công đoạn, trên diện tích 3 - 5 ha/ngày. Để rồi từ đó cho ra lượng thức ăn thô cho đàn bò xấp xỉ 40.000 con, đáp ứng được nguồn cung tới 80%.
Tham quan trên cánh đồng nông nghiệp công nghệ cao này, chúng tôi được chứng kiến chỉ bằng một chiếc máy có thể thay cho hàng trăm nhân công còng lưng gánh nước tưới. Nơi đây đã không còn hình ảnh người nông dân “chân lấm, tay bùn”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, thay vào đó là những người công nhân tự tin điều khiển những thiết bị công nghệ cao, thao tác thuần thục trong các dây chuyền sản xuất hiện đại.
Để đưa những thành tựu khoa học 4.0 vào chăn nuôi bò sữa nói riêng, phát triển nông nghiệp sạch nói chung, TH đã làm “thay da đổi thịt” cả một vùng đất, thiết lập những thành tựu trong ngành sữa và ngành chăn nuôi, ghi dấu Việt Nam trên bản đồ sữa thế giới với cụm trang trại công nghệ cao khép kín từ mảnh đất miền Trung nắng gió.
Tỷ phú dưa lưới trên đất Hậu Giang
Xuôi theo vùng đất miền Trung, chúng tôi về với miền Tây để thấy được những kỳ tích mà người nông dân nơi đây đã ứng dụng công nghệ cao, đưa nông nghiệp bứt phá và vươn xa.
Tìm đến ấp Tân Long B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, chúng tôi hỏi nhà ông Võ Văn Trưng, trồng dưa lưới trong nhà màng thì người dân nào cũng biết. Bởi ông là người đầu tiên tại đây mạnh dạn từ bỏ lúa chuyển sang mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bắt đầu từ một cơ sở sản xuất vào năm 2014 với diện tích 2.000m2, ông Võ Văn Trưng cho hay, đến nay đã được mở rộng thành hơn 15.000 m2, nâng cấp trở thành Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát.
|
|
Trồng dưa lưới là một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên và tiêu biểu ở tỉnh Hậu Giang. |
Để có được cơ ngơi nhà lưới khang trang, hiện đại như hiện nay, ông Võ Văn Trưng cho biết không hề đơn giản. Bởi vùng đất Bình Thành này xưa nay nhiễm phèn nặng, nông dân chủ yếu sống nhờ vào việc trồng lúa, rau màu nhưng thu nhập cũng bấp bênh, chỉ đủ sống qua ngày. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài vào mùa khô gây nhiều khó khăn cho người dân trong sản xuất. Không chịu đầu hàng trước “ông trời”, vào năm 2013, ông Trưng đã lặn lội đến nhiều tỉnh như: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… để tìm tòi, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp mới về áp dụng trên đồng đất của mình. Cuối cùng, ông Trưng quyết định chọn mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao để trồng cây dưa lưới trên giá.
Chỉ vào những cây dưa lưới đang vươn mình xanh mơn mởn, trái sai trĩu chờ thu hoạch, ông Trưng cho biết, nhờ áp dụng trồng dưa trong nhà màng và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel nên đã tiết kiệm hơn 80% lượng nước so với cách tưới truyền thống. Dưa lưới thuộc họ bầu bí, thích nghi tốt với nắng, nhiệt độ cao nhưng chịu mưa kém nên nếu gặp mưa trái mùa, hay sương muối thì cây dễ bị nhiễm nấm bệnh, thậm chí chết dây. Vì vậy, ông Trưng chia sẻ, trồng dưa lưới trong nhà kính vừa giúp tránh được những bất lợi của thời tiết, vừa ngăn chặn côn trùng, sâu bệnh tấn công nên tiết giảm đáng kể khoản chi phí và công sức phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Đáng nói, đây là sản phẩm làm ra không bị tồn dư lượng hóa chất độc hại.
Với công nghệ này, sau khi ươm hạt dưa thành cây con tại một góc nhà lưới, ông trồng mỗi cây dưa vào một bầu chứa 4 lít giá thể nuôi dưỡng bộ rễ, cung cấp dưỡng chất cho cây trong suốt thời gian sinh trưởng hơn 60 ngày, nên bộ rễ cây dưa hoàn toàn không tiếp xúc với nền đất lúa trước đây. Trên đó đều có cắm sẵn vòi tưới nhỏ giọt nối với nhánh dây rẽ được gắn cố định vào đường dây chính bằng nhựa dẻo đã lắp đặt khắp khu nhà kính.
Bên cạnh đó, toàn bộ nước tưới trữ trong các thùng nhựa composite, được pha chế với nhiều hợp chất hữu cơ cần thiết đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của cây. Toàn bộ quy trình tưới nhỏ giọt được điều khiển bằng mắt thông minh, do đó khâu bơm nước được thực hiện hoàn toàn tự động trong khoảng thời gian nhất định đã được lập trình sẵn.
Theo ông Võ Văn Trưng, trung bình một 1.000m2 thu hoạch khoảng 2,5 tấn - 3 tấn, giá thị trường khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, theo chu kỳ 2 tháng/lần, mỗi năm ông Trưng thu về lợi nhuận gần 2 tỉ đồng.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích, ông Trưng còn phối hợp với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang xây dựng mô hình trồng dưa lưới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho HTX dưa lưới Thuận Phát. Sau gần một năm rưỡi thực hiện các quy trình, ngay từ cuối tháng 4/2021, HTX Dưa lưới Thuận Phát đã được nhận giấy chứng nhận GlobalGAP.
Ông Võ Văn Trưng chia sẻ: Từ khi thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, chúng tôi giảm được rất nhiều chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên. HTX đang mở rộng diện tích, mục tiêu là không chỉ cung ứng sản lượng dưa lưới nội địa mà hướng đến thị trường nước ngoài. Tham gia xây dựng quy trình sản xuất dưa lưới theo hướng GlobalGAP là bước đầu tiên để HTX có thể thực hiện được mục tiêu đó. Hướng tới chúng tôi sẽ áp dụng qui trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu”, ông Trưng cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang chia sẻ, đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên và tiêu biểu ở tỉnh Hậu Giang, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên địa phương đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ; khuyến khích để các hộ dân có điều kiện nhân rộng thêm tại nhiều điểm khác, nhất là ở những nơi thiếu nước ngọt sản xuất.
Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này cũng gặp những khó khăn nhất định do chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi đầu ra ổn định, kỹ thuật cao từ khâu chuẩn bị khung nhà màng - giống - cây con, điều hòa môi trường và dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng dưa lưới, cách tỉa cành, lá và tuyển chọn./.
Bài 1: Không thể thiếu vai trò khoa học công nghệ trong xây dựng nền nông nghiệp bền vững
Bài 3: Ứng dụng chuyển giao khoa học giúp cà phê Sơn La vươn ra thế giới
Bài 4: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang vướng rào cản nào?
Bài 5: "Phủ" tri thức khoa học trên những cánh đồng nông nghiệp