left center right del
left center right del

(ĐCSVN) – Để thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới tư duy lập pháp, cần những đổi mới mang tính bứt phá, ở tầm cao mới, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực; tạo “điểm tựa”, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của đất nước. 

Lĩnh hội tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, người đứng đầu Quốc hội đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội đưa ra nhiều giải pháp để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, trong đó có nhiệm vụ đổi mới tư duy lập pháp với những nội dung cụ thể.

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân cả nước rất quan tâm. 

leftcenterrightdel
 

Trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật, Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết, đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu...

Với tư cách người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có thư gửi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

left center right del

Với tinh thần quyết liệt đổi mới tư duy lập pháp, ngay tại Kỳ họp thứ 8, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung xem xét thông qua 15 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến vào 13 dự thảo luật. Đây cũng là kỳ họp có số lượng đề án nhiều nhất từ trước đến nay với nhiều dự án, nội dung lớn.

Cũng tại Kỳ họp này, thời gian đọc tài liệu trên hội trường được giảm để Quốc hội có thời gian thảo luận, đi cùng với đó tăng thời gian thảo luận ở tổ, giảm thời gian thảo luận hội trường để nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu nhiều hơn. Đặc biệt, Quốc hội làm việc 4 ngày thứ Bảy và sẵn sàng làm cả buổi tối. 

Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, trong đó có 5 luật về đầu tư và 7 luật về tài chính, ngân sách.

Chính vì vậy, với tinh thần nhập cuộc kịp thời, nhiều dự thảo luật đã giảm đáng kể các điều, khoản. Ví dụ như: Luật Việc làm (sửa đổi) giảm 36 điều; Luật Nhà giáo giảm 21 điều; Luật Đầu tư công (sửa đổi) giảm 9 điều...Đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, luật sẽ dần ngắn gọn, song vẫn vừa đảm bảo quản lý tốt, vừa tạo không gian sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển.

Đây là nỗ lực rất lớn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan, nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới công tác lập pháp.

left center right del
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 

Phát biểu giải trình làm rõ về dự án dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, việc sửa đổi các luật bám sát quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Cụ thể là bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước; khuyến khích sáng tạo, giải phóng nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, bám sát thực tiễn, không cầu toàn, không nóng vội, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Cùng với đó, là thể hiện sâu sắc với tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phải chuyển phương thức quản lý mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các chính sách sửa đổi tại luật này là các vấn đề “đã chín”, “đã rõ”, thực sự quan trọng, cấp bách và thực tiễn đã chứng minh và đã có sự đồng thuận cao để đảm bảo tính kế thừa cũng như bổ sung đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, không khí các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và các dự án luật diễn ra dân chủ, thẳng thắn, phản ánh kịp thời, khách quan những vấn đề nóng bỏng thực tiễn đặt ra. Chỉ tính riêng phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 4/11, ngay đầu giờ đã có 125 đại biểu đăng ký với 59 đại biểu đã phát biểu, 6 đại biểu tranh luận và 3 Bộ trưởng giải trình những nội dung có nhiều ý kiến đề cập những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, giúp Quốc hội, Chính phủ có thêm nhiều chất liệu để xây dựng chính sách, luật pháp khả thi hơn; quản lý, điều hành hoạt động của nền kinh tế - xã hội hiệu lực, hiệu quả hơn.

Kết thúc Đợt 1, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về công tác nhân sự, 3 nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước; cho ý kiến đối với 19/22 dự án.

left center right del

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, bước sang một giai đoạn mới với tư duy mới, tư duy xây dựng pháp luật cần phải có đổi mới có tính bứt phá.

Theo đó, đổi mới xây dựng pháp luật phải gắn với đổi mới thi hành pháp luật. Trong Nghị quyết  27 có một số điểm mới là đổi mới công tác xây dựng pháp luật gắn tổ chức thi hành pháp luật, chú ý đến thẩm quyền của các cơ quan trong quá trình xây dựng pháp luật ở các khâu. Cơ quan nào làm tốt việc ở cơ quan đó. Với tinh thần như thế, Quốc hội làm đúng việc của Quốc hội, còn những việc của Chính phủ thì Chính phủ làm. Muốn đưa pháp luật mau chóng vào cuộc sống thì phải đưa cuộc sống vào pháp luật trước, từ đó pháp luật mới vào cuộc sống nhanh.

Trong đổi mới tư duy pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, tư duy làm luật khác, tư duy làm nghị quyết khác, tư duy làm văn bản của địa phương phải khác. “Tinh thần là việc của ai thì trả về cho người đó, ai làm tốt nhất thì giao cho người đó làm kèm theo giao việc gắn với bảo đảm điều kiện thực hiện. Giao việc mà không có người làm thì khó.”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tổ chức ngay sau Hội nghị Trung ương, phải thể hiện được tinh thần quyết tâm ấy, với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, đồng bộ nhất, với các giải pháp mới, tư duy mới để thực hiện hiệu quả, phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; khẳng định tầm vóc của đất nước ta, khẳng định sự lớn mạnh của dân tộc ta trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay rất phức tạp.

left center right del
GS.TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội 

Đặt vấn đề đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới thế nào để tránh bị lạc hậu và có thể theo kịp phát triển chung, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ: Cần có bước đột phá trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nói chung và trong từng bộ phận hợp thành công tác xây dựng pháp luật.

“Trước hết, phải tư duy về hệ thống pháp luật hiện nay ra sao; mối quan hệ giữa pháp luật Việt Nam với quốc tế như thế nào; cách làm luật như hiện nay đã giải quyết được vấn đề thực tiễn chưa; điểm nghẽn trong thể chế là gì...”, GS.TS Phan Trung Lý nói.

Nhấn mạnh đổi mới lập pháp cần đề cao vai trò và ý chí của người dân, GS.TS Phan Trung Lý cho rằng, hoạt động lập pháp phải thể hiện đầy đủ quyền và nguyện vọng của Nhân dân. Các quy định pháp luật không chỉ cần rõ ràng mà còn cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm, tránh quy định pháp luật quá chi tiết, dài dòng mà không thiết thực. Trên cơ sở đó, làm rõ phạm vi và thẩm quyền lập pháp trong điều kiện mới, bảo đảm tính đồng bộ và liên kết trong hệ thống pháp luật.

left center right del
left center right del
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp của người lãnh đạo Đảng là rất đúng đắn, giúp cho các cơ quan soạn thảo luật, lập pháp phải xem xét kỹ lưỡng và khi thảo luận thì cần tập trung vào tính khả thi, lâu dài của luật, phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhưng đồng thời tiếp thu những tinh hoa của thế giới để đảm bảo cho hệ thống pháp luật của Việt Nam không trở thành “điểm nghẽn” mà là “điểm tựa”, thúc đẩy sự phát triển của đất nước; giúp cho cơ quan quản lý nhà nước, quản trị quốc gia một cách hữu hiệu hơn.

Để thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, cần thay đổi từ cơ quan soạn thảo, rà soát những nội dung nào có trong nghị định, thông tư không đưa vào luật. Khi soạn thảo dự án luật, cần bám sát Kết luận 19-KL/TW, không xây dựng luật khung, luật ống. Tiếp đó, vai trò của cơ quan thẩm tra là Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục rà soát đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi phù hợp với chủ trương mới, để khắc phục tình trạng luật quá dài như hiện nay.

left center right del
Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. 

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho hay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định rất rõ quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Thời gian qua nhiều đại biểu, chuyên gia cũng phản ánh các luật hiện nay dài dòng và nhiều nội dung đã quy định trong nghị định, nhưng hiệu quả thực thi không cao. Đại biểu cho rằng, những chỉ đạo cụ thể của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 đã cho thấy sự cần thiết phải tiến hành đồng bộ từ trên xuống dưới.

Đại biểu bày tỏ tin tưởng, công tác xây dựng pháp luật sẽ thay đổi tích cực trong thời gian tới. Bởi, Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng khẳng định, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, việc tháo điểm nghẽn thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc khơi thông tất cả các điểm nghẽn khác; nếu không doanh nghiệp và người dân sẽ vẫn lúng túng trong vòng luẩn quẩn thể chế. Vì vậy, xây dựng pháp luật cần rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, không đưa thông tư, nghị định vào luật và cũng không viết chung chung theo kiểu nghị quyết.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị cần đề cao tính khách quan, tránh lợi ích cục bộ và cần thực hiện nghiêm Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

  
left center right del
 

Tại buổi họp báo kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đề cập đến đổi mới trong công tác lập pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nói đổi mới công tác xây dựng luật phải đúng vai; thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quyết định, thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ quyết, thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ quy định.

left center right del
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang 

“Từ trước đến nay, chúng ta đã làm đúng chưa? Phải nói rằng, có những lúc chúng ta quá sa đà vào quy trình thủ tục, mà quy trình thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ”, ông Giang nói.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Nghị quyết 27 của Trung ương yêu cầu luật phải cụ thể, song" cụ thể gì đi nữa cũng phải đúng thẩm quyền”. 

Ông Giang cũng nhấn mạnh, một trong những yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực kèm theo. Kiểm soát việc này trước tiên trách nhiệm thuộc cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản phải chịu trách nhiệm về việc chậm đó.

“Luật cũng đã quy định về trách nhiệm giám sát của các cơ quan của Quốc hội rồi, các cơ quan này phải tăng cường giám sát để bảo đảm các văn bản quy định chi tiết, vừa bảo đảm thời hạn có hiệu lực cùng với văn bản luật, đồng thời phải kiểm soát được các quy định trong đó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chia sẻ thêm.

left center right del
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình)

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình), Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, giải pháp khắc phục điểm nghẽn ở thể chế đã được chỉ ra, thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh. Đặc biệt, đại biểu lưu ý phải có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Đi cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương, tổ chức thực hiện với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng"; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

left center right del
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) 

Ở khía cạnh khác, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) chỉ ra, để gỡ được điểm nghẽn về thể chế thì rất cần nhân lực mà nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn. Bao nhiêu năm qua chúng ta nói rất nhiều đến sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Nhưng tại phiên thảo luận tổ vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nói, việc này mới làm từ xã, huyện, một số vụ, cục, tổng cục, còn trung ương chưa đủ để trình.

Đảng đã chỉ đạo, Quốc hội đã lĩnh hội sâu sắc và quyết tâm thực hiện, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng vào đổi mới công tác lập pháp.

Đổi mới là yêu cầu tất yếu, cho dù đổi mới ở khía cạnh nào, chúng ta có quyền tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đất nước ta sẽ tiếp tục hoàn thiện được một thể chế, nơi mà sẽ tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội và cũng là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Đây là một trong những “cánh cửa” quan trọng, góp phần đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc!./.

Bài 1: Tầm nhìn dài hạn của Đảng về đổi mới tư duy lập pháp

Bài 2: Đổi mới tư duy lập pháp: Tạo sự đồng thuận từ nhận thức đến hành động

Nội dung: Nhóm phóng viên Ban Thời sự
Ảnh: Nhóm phóng viên và nguồn Văn phòng Quốc hội
08/11/2024 11:09