left center right del

Bài 1: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” - Nét đẹp riêng của thành phố mang tên Bác

Bài 2: Chủ động, sáng tạo trong xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”

Bài 3: Đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” thấm sâu vào đời sống hàng ngày

Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ quan trọng, thu hút được sự tham gia đông đảo của cả hệ thống chính trị cũng như mọi tầng lớp Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Sau một thời gian triển khai đã xuất hiện nhiều mô hình hay, ý nghĩa, góp phần đưa Không gian đặc biệt này lan tỏa trong cộng đồng, thấm sâu vào đời sống hàng ngày.

Trở thành không gian tuyên truyền, học tập, sinh hoạt cộng đồng

Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Thành quả đạt được bước đầu hôm nay là có sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, trong đó Đảng bộ, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan, đơn vị giữ vai trò nòng cốt.

Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không phải làm để cho có, để báo cáo thành tích mà đã trở thành hoạt động vô cùng hiệu quả, thiết thực. Phường Hiệp Phú, quận Thủ Đức là đơn vị đã làm tốt điều đó. Cuối tháng 4/2023, Đảng bộ Phường đã khánh thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong địa bàn dân cư thuộc khu phố 2.  Đây là công trình này được xây dựng tại tiểu đảo công viên cũ với diện tích 250m2, kinh phí từ nguồn vận động trong Nhân dân và các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài địa phương. Bố cục gồm 28 khung triển lãm nội dung, hình ảnh liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh đối với các giới, ngành và các lĩnh vực. Đồng thời, cũng trong không gian này còn lồng ghép các nội dung thông tin về lịch sử Đảng bộ, quy hoạch của địa phương và định hướng 7 khu quy hoạch trọng điểm sáng tạo của TP Thủ Đức.

left center right del
 Khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức

Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình này được chính đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Thủ Đức (thời điểm xây dựng công trình trên đồng chí là Bí thư Đảng ủy Phường Hiệp Phú) lên ý tưởng, thiết kế bằng sự tinh tế và tâm huyết, đồng thời bản thân đồng chí cũng đã cất công đi nhiều nơi tìm kiếm các sản phẩm độc đáo nhưng rất đỗi thân quen, gần gũi với người dân Nam bộ mang về trưng bày để tạo không gian hài hòa, thẩm mĩ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cho biết, thông qua Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, mong muốn góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi tới cán bộ, đảng viên, Nhân dân trên địa bàn về thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo  đức, phong cách Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng của Người vào trong đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi mong rằng, qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân tích cực học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng, củng cố giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần vào sự phát triển của Phường nói riêng và TP Thủ Đức nói chung”, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bày tỏ.

Ngay từ khi lên ý tưởng, kế hoạch xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên địa bàn, chính quyền và người dân đã họp bàn và đi tới thống nhất xác định mục đích nơi đây phải là nơi tuyên truyền, sinh hoạt, học tập, rèn luyện thể dục cho cộng đồng dân cư, đồng thời, công trình ấy chính là “tài sản” mà bà con sẽ phối hợp với chính quyền quản lý, giữ gìn và duy trì hoạt động thường xuyên để phục vụ cộng đồng.

left center right del
 

Vui mừng khi Phường có một không gian không chỉ đẹp mà còn vô cùng ý nghĩa, anh Nguyễn Văn Tươi (địa chỉ 25 Ngô Quyền khu phố 2) chia sẻ, trước kia nơi đây là một công viên nhỏ, bà con cũng có tới tập thể dục, vui chơi song vì là nơi công cộng nên đôi lúc vệ sinh cũng chưa thật sự sạch sẽ. Khi Phường có kế hoạch xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, chính quyền đã họp để xin ý kiến của bà con từ mô hình thế nào, triển khai ra sao cho tới công tác quản lý sau khi công trình đi vào hoạt động, nên rất đồng thuận và cho tới nay, ai cũng rất phấn khởi, hài lòng.  Công trình là sự chung sức đồng lòng của chính quyền và Nhân dân, thể hiện sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm, năng động của cán bộ địa phương. Công trình được gắn hệ thống camera xung quanh để đảm bảo an ninh nhưng anh Tươi cho biết, “không cần camera phát hiện mà có bất kỳ hành động nào bất thường là bà con ra nhắc nhở liền. Bà con ở đây giám sát tích cực lắm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cả ngày lẫn đêm. Họ xem không gian này là nơi thiêng liêng và ai cũng muốn chung tay, góp sức để gìn giữ, luôn dọn dẹp sạch sẽ”.

Anh Tươi cũng cho biết, hiện nay, nơi đây ngoài là không gian sinh hoạt cộng đồng của bà con thì còn là nơi diễn ra các buổi lễ kết nạp Đội, Đoàn trang trọng cho học sinh; là nơi giáo viên đưa học sinh tới để tìm hiểu thực tế, giúp các em hiểu sâu sắc hơn các bài học về Bác trong sách, vở. “Tư liệu về Bác thì người dân được tiếp cận rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng đôi lúc bà con nghe mà không nhớ thì nay, nhờ có không gian này, mỗi sáng, tối, bà con ra đây tập thể dục, ngồi hóng mát có thể dễ dàng tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp, về tư tưởng, đạo đức của Bác. Có người còn kể ở nhà có đứa cháu nhờ hướng dẫn làm bài văn về Bác, họ nói luôn cứ ra ngoài đó (Không gian văn hóa Hồ Chí Minh-PV) đọc sẽ biết làm, ngoài đó đủ hết thông tin”, anh Tươi vui mừng cho biết.

Cũng theo chia sẻ của anh Tươi, với không gian ý nghĩa và đẹp, trong các dịp Lễ, Tết vừa qua, nơi đây đã đón rất nhiều các bạn trẻ, nhiều gia đình dẫn theo con cái tới để vui chơi và chụp hình kỷ niệm.

 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở nên gần gũi khi được đưa vào trong các cơ sở tôn giáo

left center right del
 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được đưa vào Hội quán Tuệ Thành. Học tập và làm theo Bác, Hội quán thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện để chia sẻ với những hoàn cảnh gặp khó khăn trong cuộc sống.
 

Tại TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua đã có hàng trăm cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian hình thành các thiết chế văn hóa Hồ Chí Minh. Trong khuôn viên các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian ấy, những hình ảnh, tư liệu, thước phim về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với công tác dân tộc, tôn giáo; những lời dạy của Bác lúc sinh thời trên các lĩnh vực… được trưng bày ở vị trí vô cùng trang trọng, dễ thấy. Việc làm này đã được các chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo rất vui mừng và đồng tình cao. Qua đó, góp phần lan tỏa, thấm sâu thêm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào đời sống xã hội; lan tỏa lối sống thanh cao, giản dị, yêu thương con người, yêu thương quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết các tôn giáo, dân tộc của Người. Điều đó cũng góp phần dần trở thành chuẩn mực trong nếp sống, nếp nghĩ của đại bộ phận người dân Thành phố.

Việc hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng dân gian còn cho thấy tính hệ thống, sự xuyên suốt, tinh thần sáng tạo, chủ động của TP Hồ Chí Minh trong triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Qua đó, kết nối được giá trị cốt lõi của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, những tư tưởng, đạo đức, tình cảm của Bác đối với đồng bào các tôn giáo, dân tộc trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, cũng như góp phần lan tỏa các chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Để tìm hiểu thực tế về hoạt động này, chúng tôi đã tới Hội quán Tuệ Thành trên địa bàn Quận 5. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của đồng bào người Hoa tại TP Hồ Chí Minh mà còn là điểm du lịch khá nổi tiếng, thu hút đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ông Lư Chấn Lợi - Trưởng ban quản trị Hội quán Tuệ Thành dẫn chúng tôi đi tham quan và giới thiệu tường tận về lịch sử hình thành, phát triển, hoạt động của Hội quán cũng như về việc hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đây.

Trong những năm qua, Hội quán Tuệ Thành đã luôn tuyên truyền, vận động đồng bào Hoa các giới tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động. Tiêu biểu có thể kể tới như: trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên, tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Lễ, Tết; ủng hộ quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, quỹ “Vì người nghèo”; cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai. Bên cạnh đó, Hội quán cũng đã vận động hỗ trợ kinh phí xây tặng các căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, sửa chữa, chống sập, chống dột cho hộ cận nghèo; hỗ trợ trao tặng thẻ bảo hiểm y tế; bảo trợ thường xuyên cho các hộ cận nghèo, hộ khó khăn, hộ già yếu neo đơn gặp khó khăn trong cuộc sống; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…

left center right del
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Tịnh xá trung tâm (phường 5, quận Bình Thạnh) 

“Năm 2022, với sự định hướng của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 5, chúng tôi đã tổ chức khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với mong muốn xây dựng, đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, trở thành nền nếp, việc làm thường xuyên của mỗi cá nhân. Đồng thời, đây sẽ là nơi trưng bày những hình ảnh, tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người; nơi giới thiệu những sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật (sách, thơ, tranh ảnh…) cũng như giới thiệu quá trình hình thành của Hội quán; những thành tích nổi bật của đơn vị trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Lợi cho biết.

Bên cạnh đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn được Hội quán thực hiện thông qua tọa đàm bàn về các giải pháp thực hiện tốt việc: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong sinh viên nhận học bổng và hội viên khuyến học của Hội quán; phát động nuôi gần 200 con heo đất tiết kiệm, đóng góp ủng hộ Quỹ xây dựng trường học tại quần đảo Trường Sa; phối hợp cùng các đơn vị tổ chức thành viên và Hội quán trên địa bàn tổ chức tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận,… Vận động các tổ chức thành viên, ban quản trị Hội quán và các em sinh viên nhận học bổng tại Hội quán tham gia viết bài cảm nghĩ về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Theo dấu chân Người”;…

Có thể thấy, việc xây dựng và thực hành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các Hội quán đồng bào người Hoa đã góp phần lưu truyền, giới thiệu giá trị văn hóa đặc sắc, những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, việc làm này góp phần nhân rộng, lan tỏa những tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các Hội quán trên địa bàn, từ đó giúp đồng bào người Hoa hiểu và tích cực hưởng ứng việc học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong đời sống hàng ngày. Qua đó cũng thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của Nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với triển khai, thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/6/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cho biết, trong thời gian tới, Thành phố chủ trương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh", góp phần phát triển văn hóa, con người Thành phố; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy giá trị văn hóa, nét đặc trưng, tính cách con người TP Hồ Chí Minh.

left center right del

------

Mời đọc:

Bài 4: Sáng tạo “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong trường học ở TP. Hồ Chí Minh

Bài cuối: Cần có sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân

V.Lê
10/05/2024 15:20