left center right del

 (ĐCSVN) – Các “Sứ giả tiếng Việt” khẳng định, những công việc họ đã, đang và sẽ làm đều nhằm mong muốn lan tỏa tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ, duy trì tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt khi ở nước ngoài. Họ mong muốn các thế hệ thứ 2, thứ 3 người Việt vẫn tiếp tục nói thông thạo được tiếng mẹ đẻ cũng như duy trì văn hóa Việt ở nước ngoài.

left center right del

 Nhằm thực hiện Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng  người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) giai đoạn 2023-2030”, Cuộc thi “Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài” đã được Uỷ ban Nhà nước về NVNONN triển khai năm thứ hai. Cuộc thi nhằm tìm kiếm những cá nhân tích cực trong việc quảng bá văn hóa, truyền cảm hứng, tạo động lực học tập và sử dụng tiếng Việt trong đồng bào ta ở nước ngoài; từ đó góp phần gìn giữ, tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Sau khi được phát động, Cuộc thi “Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài” năm 2024 đã được Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở các nước nhiệt tình hưởng ứng và triển khai rộng rãi đến đông đảo bà con.

Mới đây, ngày 8/6/2024, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) đã phối hợp với Hội người Việt Nam tại Fukuoka tổ chức trao giải Cuộc thi “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024” tại Nhật Bản. Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka nhấn mạnh: “Với hơn 110.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại các tỉnh khu vực Kyushu, Okinawa và Trung Nam Nhật Bản, việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt cho thế hệ trẻ em thứ hai, thứ ba, là người Việt hoặc gốc Việt là một việc làm có ý nghĩa quan trọng, hết sức thiết thực và nhân văn”.

left center right del

Theo ông Nguyễn Duy Anh, vào tháng 4/2024, Lễ phát động và cuộc thi "Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt" năm 2024 được khởi động, là sự kiện khởi đầu trong chuỗi hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, gia đình và cá nhân chung tay lan tỏa tiếng Việt và văn hoá dân tộc trong cộng đồng người Việt tại khu vực trong năm 2024.

Cuộc thi thu hút sự tham gia của đông đảo thí sinh từ nhiều tỉnh, thành trong khu vực Kyushu - Okinawa. Ban giám khảo đã nhận được hơn 70 bài dự thi ở nhiều thể loại khác nhau và lựa chọn được 35 thí sinh vào vòng chung kết, mở cổng bình chọn thí sinh có nội dung và cách trình bày được yêu thích nhất qua bình chọn trên online.

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka cho biết, quy mô giải thưởng của cuộc thi năm nay gồm có: Sứ giả Tiếng Việt nhỏ tuổi nhất; Sứ giả Tiếng Việt phát âm tiếng Việt lưu loát; Sứ giả Tiếng Việt có nội dung hay; Sứ giả Tiếng Việt phong cách; Sứ giả Tiếng Việt truyền cảm hứng; Sứ giả Tiếng Việt có nội dung và cách trình bày được yêu thích nhất qua bình chọn trên online.

Các thí sinh gửi bài và được chọn vào vòng chung kết, được đăng trên facebook của Hội người Việt Nam tại Fukuoka sẽ được nhận Giấy chứng nhận tham dự cuộc thi và phần quà của Ban Tổ chức. Các thí sinh ở xa không tham dự trực tiếp, Ban Tổ chức sẽ gửi Giấy khen và quà theo đường bưu điện.

Không chỉ ở những đất nước có cộng đồng người Việt Nam sinh sống đông đảo như ở Nhật Bản, ở những nước có ít người Việt Nam sinh sống như Tanzania, việc “tìm kiếm sứ giả tiếng Việt” cũng được chú trọng. Đại sứ quán đã đưa thông tin về cuộc thi Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt lên website chính thức của Đại sứ quán, bên cạnh đó phổ biến trực tiếp tới các gia đình có người Việt Nam biết về cuộc thi.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Tanzania Vũ Thanh Huyền, hiện nay, tại địa bàn Tanzania có 59 người Việt đang sinh sống gồm: 50 cán bộ, nhân viên làm việc cho Công ty Viettel Tanzania, 8 công dân kết hôn người nước ngoài và 01 cha sứ (công giáo). Bên cạnh đó còn có một số doanh nhân sang tìm hiểu thị trường kinh doanh trong thời gian ngắn. Do người Việt làm ăn sinh sống ở địa bàn ít nên không có hội nhóm, tổ chức nào mà chỉ nằm ở quy mô gia đình.

Địa bàn Tanzania có 5 cháu trong độ tuổi dưới 14 tuổi, việc học tiếng Việt chủ yếu ở quy mô gia đình do các con đi theo bố mẹ công tác trong thời gian nhất định tại Tanzania. Trong số này, có 1 cháu là con của công dân Việt Nam kết hôn với người Tanzania. Cùng với việc học tập tại trường học ở nước sở tại, cháu Judith (6 tuổi) vẫn đang duy trì việc học tiếng Việt. 

left center right del
left center right del

Năm 2023, Cuộc thi “Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài” lần đầu tiên được tổ chức và thành công tốt đẹp. Cuộc thi được triển khai từ tháng 4 đến tháng 8/2023, dành cho NVNONN và người nước ngoài ở sở tại, yêu mến văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam và sử dụng thành thạo tiếng Việt. Sau thời gian làm việc công tâm và tích cực, Ban giám khảo Cuộc thi là những chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ và văn hóa đã lựa chọn được 5 Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023 đến từ các quốc gia Lào, Malaysia, Australia, Đức, Bỉ. Đây là những cá nhân có năng lực sử dụng tiếng Việt và có các hoạt động tích cực nhằm gìn giữ, tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

left center right del
Ban Tổ chức Cuộc thi "Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2023 đã trao Giấy khen tặng 5 Sứ giả tiếng Việt đến từ các quốc gia Lào, Malaysia, Australia, Đức, Bỉ. (Ảnh: Linh Đức)

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Liên - một trong 5 Sứ giả tiếng Việt năm 2023 (hiện đang sinh sống tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia) cho biết: “Tôi biết đến Cuộc thi thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. Tôi thấy đây là một cuộc thi rất ý nghĩa, lần đầu tiên được tổ chức nhằm tôn vinh những người có đóng góp trong việc giữ gìn, lan toả tiếng Việt ở nước ngoài. Khi được biết mình trở thành 1 trong 5 Sứ giả được Ban Giám khảo lựa chọn, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Trở về Hà Nội tham dự đêm Gala “Tiếng Mẹ thân thương” thực sự là một kỉ niệm đẹp trong hành trình dạy tiếng Việt của tôi. Tôi thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn và đồng thời thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa để góp phần vào việc giữ gìn, lan toả tiếng Việt”.

left center right del
 Chị Nguyễn Thị Liên (thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia) là 1 trong 5 Sứ giả tiếng Việt năm 2023 (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về công việc của mình, chị Liên cho biết: “Là một giáo viên dạy tiếng Việt, đồng thời cũng là một người mẹ có những đứa con lớn lên ở nước ngoài, tôi cảm nhận rất rõ về ý nghĩa của việc gìn giữ và bảo tồn tiếng Việt. Thông qua việc học tiếng Việt, các con tôi, các học sinh của tôi biết về cách người Việt nói năng, giao tiếp, biết được phong tục, tập quán, quan niệm về đạo đức cũng như về lịch sử, danh lam thắng cảnh  của Việt Nam. Khi có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, các cháu sẽ thấy không ngại nói chuyện với ông bà, họ hàng, người thân trong nước, không còn thấy rào cản giao tiếp trong những lần về thăm Việt Nam… Như vậy, các cháu sẽ thấy quê hương Việt Nam gần gũi hơn, thấy mình là một “người Việt Nam” thật sự”.

Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia, trong suốt 8 năm qua, chị Liên cũng như các thành viên Câu lạc bộ luôn xác định nhiệm vụ tiên phong trong việc vận động phụ huynh, tập hợp học sinh, tổ chức các lớp học, tổ chức hoạt động giảng dạy, hoạt động ngoại khóa,...

Bắt đầu từ con số 0, vào đầu năm 2016, chị Liên đã cùng các chị em trong Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia đặt những nét chữ đầu tiên cho câu chuyện dạy tiếng Việt ở Malaysia và sau đó là việc  khai giảng 2 lớp dạy tiếng Việt cũng như duy trì hoạt động của Câu lạc bộ tiếng Việt tại Malaysia như hiện nay. Chị kể, việc vận động để có được 2 lớp học đầu tiên là không hề dễ dàng vì việc học tiếng Việt lúc đó chưa được các phụ huynh quan tâm. Các cháu học sinh người Việt ở Malaysia thường học tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Malaysia… nên thời gian biểu cho việc học tiếng Việt rất khó.

left center right del
 Chị Liên trong một tiết dạy tiếng Việt cho các em nhỏ tại Câu lạc bộ (Ảnh: NVCC)

Do vậy, khi tổ chức các lớp học, Câu lạc bộ đã cố gắng hết sức để các cháu thích học và tiến bộ, phụ huynh thấy được lớp học hoạt động nghiêm túc, chất lượng và có nhiều hoạt động ngoại khoá bổ ích, ý nghĩa… Để từ đó “tiếng lành đồn xa”, mọi người tìm đến Câu lạc bộ để gửi gắm con mình với sự tin tưởng, tín nhiệm.

left center right del
left center right del

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trao Giấy khen  "Sứ giả tiếng Việt năm 2023" tặng chị Trần Hồng Vân.              (Ảnh: Linh Đức)

TS. Trần Hồng Vân hiện đang sinh sống và làm việc tại Australia là 1 trong 5 Sứ giả tiếng Việt năm 2023. TS. Trần Hồng Vân hiện đang dạy tại trường Đại học Western Sydney và làm nghiên cứu tại trường Đại học Strantard về giáo dục đa ngôn ngữ và duy trì tiếng mẹ đẻ cho trẻ em gốc Việt ở nước ngoài. Chị sang Australia từ năm 2007 học tiến sỹ về ngôn ngữ Anh. Năm 2018, chị có cơ duyên được nhận học bổng tham gia một dự án nhằm đánh giá năng lực ngôn ngữ của các gia đình Việt Nam tại Australia và việc duy trì tiếng mẹ đẻ của trẻ em các gia đình việt nam tại Australia. Từ đây, Luận án tiến sĩ thứ hai của chị được hình thành từ chủ đề này và đã được trao giải Luận án xuất sắc nhất Đại học Charles Sturt. Đây là cơ duyên để chị theo đuổi công tác nghiên cứu về giữ gìn tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài.

Công trình nghiên cứu bốn năm của chị và đội ngũ giáo sư, tiến sĩ chủ trì dự án VietSpeech đã chứng minh việc giữ tiếng Việt không ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực tiếng Anh của trẻ và tìm ra những yếu tố quan trọng trong việc giữ tiếng Việt khi sinh sống ở nước ngoài. Hai trong những yếu tố đó là bố mẹ phải nói tiếng Việt với con ở nhà và thái độ tích cực của bố mẹ đối với việc giữ tiếng Việt và văn hóa Việt.

left center right del
 Tổ chức có tên gọi VietSchool do chị Hồng Vân sáng lập góp phần thúc đẩy duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt. (Ảnh: NVCC)

Theo chị Vân, việc duy trì tiếng Việt cho trẻ em ở nước sở tại gặp khó khăn là: khi ra ngoài môi trường, các con chỉ nói tiếng của nước sở tại, tiếng Việt chỉ được nói ở trong gia đình và trong cộng đồng người Việt. Chính vì thế, môi trường nói tiếng Việt chính là ở nhà, thế nên vai trò quan trọng nhất với việc dạy tiếng Việt cho con chính là cha mẹ. Bố mẹ phải nói tiếng Việt với con khi ở nhà và có thái độ tích cực để duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt thì con mới nói tiếng Việt tốt được. Còn nếu như bố mẹ không có được hai yếu tố này thì rất là khó để duy trì tiếng Việt cho con.

Ngoài công việc bận rộn ở các trường Đại học, chị Vân vẫn duy trì các lớp dạy tiếng Việt miễn phí cho các em nhỏ ở nhà vào cuối tuần từ 5-6 năm nay. Với sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự Việt Nam ở Sydney, chị Vân còn làm một chương trình đọc sách cùng con, nhằm cung cấp 1 bộ sách gồm 10 cuốn sách thiếu nhi chuyện tranh song ngữ cho 100 gia đình Việt Nam ở Australia và các tài liệu hướng dẫn, thảo luận để cho con yêu thích đọc sách từ bé. Chương trình này đã được hưởng ứng nhiệt liệt bởi cộng đồng người Việt ở Australia. Theo chị Vân, việc đọc sách với các con rất là quan trọng vì nó không chỉ là giúp các con làm quen với tiếng Việt, với phát triển ngôn ngữ mà còn khiến con yêu thích tiếng Việt qua những câu chuyện.

Góp phần duy trì việc sử dụng tiếng Việt, chị Vân cũng đưa ra sáng kiến về cuốn nhật ký "Mỗi ngày một câu thôi”. Chị Vân cho rằng, đây là một công cụ đơn giản nhưng hiệu quả, giúp các em học sinh duy trì thói quen viết và sử dụng tiếng Việt hàng ngày. Mỗi ngày, các em chỉ cần dành từ 3 đến 5 phút để trả lời một câu hỏi ngắn như "Hôm nay bạn có gì vui?" hay "Tuần này bạn học được điều gì?". Việc sử dụng ngôn ngữ Việt để viết những điều này không chỉ giúp các em giữ gìn tiếng mẹ đẻ mà còn phát triển khả năng tư duy và biểu đạt.

left center right del
 Trang bìa cuốn nhật ký "Mỗi ngày một câu thôi" do TS. Trần Hồng Vân biên soạn, giúp các em nhỏ hình thành thói quen viết và học tiếng Việt vui. (Ảnh: NVCC)

Từ tháng 3/2023, với sự khích lệ và trợ giúp của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, chị Vân thành lập tổ chức thúc đẩy duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt có tên là VietSchool, với ba sứ mệnh chính: các lớp tiếng Việt sau giờ học cho học sinh các trường tiểu học tại khu vực Inner West, Sydney và các lớp tiếng Việt trực tuyến; chương trình Đọc sách cùng con; chương trình SuperSpeech - khóa huấn luyện các gia đình biết cách giúp con giữ tiếng Việt và phát triển song ngữ.

TS. Trần Hồng Vân khẳng định, những công việc chị đã, đang và sẽ làm đều nhằm mục đích lan tỏa tình yêu,  duy trì tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt khi ở nước ngoài, mong muốn các thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt vẫn tiếp tục nói thông thạo được tiếng mẹ đẻ cũng như duy trì văn hóa Việt khi ở nước ngoài./.

Bài 1: Sợi dây kết nối kiều bào với nguồn cội

Bài 2: Chung tay lan tỏa tình yêu tiếng Việt

Bài 4: Tiếng Việt kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế 

Bài 5: Nâng tầm vị thế của tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập

Nhóm PV Ban Thời sự
27/06/2024 15:24