leftcenterrightdel

Bài 4: Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình

(ĐCSVN) – Sau 8 năm cử các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã lan tỏa được thông điệp về một đất nước yêu chuộng hoà bình, năng động, luôn sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc chung của Liên hợp quốc vì hoà bình, an ninh và phát triển.

                 Liên hợp quốc ghi nhận những đóng góp tích cực của Việt Nam 

Trong các ngày từ 7 đến 10/6 vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Hội nghị toàn thể thường niên và Hội thảo Hiệp hội các trung tâm Gìn giữ hòa bình (GGHB) châu Á - Thái Bình Dương (AAPTC) năm 2022. Hội nghị do Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với đối tác quốc tế và các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức.

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị toàn thể thường niên và Hội thảo AAPTC năm 2022 đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của nước Chủ tịch và Chủ nhà AAPTC đương nhiệm, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong hợp tác về GGHB Liên hợp quốc (LHQ) trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đóng góp thiết thực cho việc nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động GGHB LHQ của các nước thành viên trong khu vực; khẳng định và nêu cao thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 và nhanh chóng thích ứng với tình hình mới một cách an toàn, hiệu quả; quảng bá về thành quả và đóng góp của Việt Nam vào hoạt động GGHB LHQ.

leftcenterrightdel
 Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai  Hội nghị toàn thể thường niên và Hội thảo Hiệp hội các trung tâm Gìn giữ hòa bình châu Á - Thái Bình Dương (AAPTC) năm 2022. (Ảnh: Cục GGHB)

Trong khuôn khổ hội nghị, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng – Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, trong quá trình tham gia các hoạt động GGHB Liên hợp quốc (LHQ), lực lượng của Việt Nam đã thể hiện mức độ sẵn sàng cao, hoàn thành nhiệm vụ với mức độ đánh giá rất tích cực của LHQ. Cho đến nay, Việt Nam đã triển khai được 512 quân nhân đến 3 phái bộ và trụ sở LHQ, bao gồm bốn bệnh viện dã chiến cấp 2, một đội công binh và 76 sĩ quan theo hình thức cá nhân.

  Trong bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị từ trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Đại tướng Birame Diop, Cố vấn quân sự Cục Hoạt động hòa bình LHQ, nhận định hoạt động GGHB LHQ luôn đặt ra những thách thức đối với lực lượng tham gia GGHB vì những đòi hỏi trình độ và phẩm chất đạo đức cao nhất trong thực thi nhiệm vụ. Qua đây, Đại tướng Birame Diop biểu dương và đánh giá cao lực lượng GGHB của các nước thành viên AAPTC tại các phái bộ vì những nỗ lực không mệt mỏi, không ngại hiểm nguy để duy trì các sứ mệnh GGHB nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Nhân dịp này, Đại tướng Birame Diop cũng bày tỏ sự ghi nhận những đóng góp và cảm ơn các cam kết của Việt Nam đối với hoạt động GGHB LHQ.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Đại tướng Birame Diop, Cố vấn quân sự Cục Hoạt động hòa bình LHQ ghi nhận những đóng góp của Việt Nam đối với hoạt động GGHB LHQ (Ảnh: Mạnh Quân)

Trước đó, vào tháng 2/2022, nói về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã cảm ơn Việt Nam về sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cũng như những đóng góp của Việt Nam về nhân sự cho Liên hợp quốc. Ông Lacroix nhấn mạnh Việt Nam đã điều quân tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014 và kể từ đó, luôn có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực này.

Theo Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Lacroix, Việt Nam lần đầu tiên triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 cho phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) vào tháng 10/2018. Ông đánh giá bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Nam Sudan đã đóng vai trò quan trọng trong sự thành công chung của phái bộ Liên hợp quốc tại quốc gia châu Phi này, đảm bảo sức khỏe và điều kiện y tế cho lực lượng cán bộ, binh sỹ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhất là trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành.

Ông Lacroix đánh giá cao tính chuyên nghiệp, sự tận tụy, nỗ lực, hy sinh của các binh sỹ Việt Nam khi phải thực hiện nhiệm vụ trong những môi trường khó khăn, đồng thời bày tỏ tiếc thương trung tá Đỗ Anh, người đã hy sinh đầu năm nay trong khi đang làm nhiệm vụ ở phái bộ Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi.

Cũng nói về những đóng góp của Việt Nam trong tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bà Caitlin Wiesen – Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự tham gia của các nữ quân nhân trong các hoạt động này. Theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam cử nữ sỹ quan đầu tiên tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan vào năm 2018. Từ đó đến nay, tỷ lệ nữ trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tăng đều và hiện ở mức cao hơn so với các nước trong khu vực. Với tư cách là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021, Việt Nam đóng vai trò tiên phong ở khu vực trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.

leftcenterrightdel
Bà Caitlin Wiesen – Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (người mặc trang phục xanh) chụp ảnh cùng các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 trước giờ lên đường làm nhiệm vụ (Ảnh: Kiều Giang)  

 Có thể nói, việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong lĩnh vực đối ngoại nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng, làm tiền đề để đất nước hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn; góp phần gia tăng vai trò của Việt Nam trong xử lý các vấn đề lớn, phức tạp của thế giới như giải quyết xung đột, gìn giữ môi trường hòa bình chung.

Việt Nam sẵn sàng gánh vác các công việc chung của Liên hợp quốc 

Nhìn lại lịch sử, ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc, đánh dấu sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ.

Trên chặng đường 45 năm qua, Việt Nam luôn coi hợp tác với Liên hợp quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, là phương thức hiệu quả thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Với những nỗ lực và đóng góp hiệu quả đối với các hoạt động và tiến trình phát triển của Liên hợp quốc, Việt Nam được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, bầu vào nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, nhất là Hội đồng Kinh tế - Xã hội (các nhiệm kỳ 1998-2000 và 2016-2018); Hội đồng chấp hành Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (2000-2002), Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (2013-2014), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2014 – 2016), Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (2015-2019), Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (2018-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021)... Đặc biệt, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2008-2009 và tiếp tục giữ trọng trách này trong nhiệm kỳ 2020-2021.

leftcenterrightdel
 Một số hình ảnh về hoạt động của Việt Nam trong chặng đường 45 năm là thành viên của Liên hợp quốc (Nguồn ảnh: TTXVN, Báo Thế giới và Việt Nam)

Với lần thứ hai giữ vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, cộng đồng quốc tế không chỉ đánh giá cao truyền thống yêu hòa bình, chính sách đối ngoại độc lập và thúc đẩy hợp tác quốc tế, mà còn ghi nhận những thành quả của Việt Nam trong hội nhập, ủng hộ và đóng góp vào mục tiêu và nỗ lực chung của thế giới.

Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ghi mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế và hợp tác với Liên hợp quốc, khi mở rộng đóng góp cả nhân lực cho công việc chung của Liên hợp quốc. Mặc dù tham gia hoạt động GGHB LHQ muộn hơn nhiều so với các nước khác, nhưng Việt Nam được LHQ và các nước đánh giá cao bởi cam kết chính trị mạnh mẽ đóng góp lâu dài cho sứ mệnh chung, sự chủ động, tích cực trong quá trình tham gia cũng như năng lực chuyên môn đã tạo được niềm tin và uy tín trong lực lượng mũ nồi xanh.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng GGHB của LHQ là bằng chứng sinh động cho cam kết tham gia và đóng góp lâu dài cho hoạt động GGHB LHQ của Chính phủ Việt Nam. Và mặc dù đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động GGHB LHQ, Việt Nam vẫn bảo đảm duy trì sự tham gia liên tục và hiệu quả tại địa bàn cũng như bảo đảm công tác huấn luyện tiền triển khai, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng sang địa bàn.

leftcenterrightdel
 Những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam mang theo thông  điệp về một đất nước Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình khi tham gia các Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc  (Ảnh: Kiều Giang)

 Vừa qua, cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 7/6/2022 đã đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí này trong 1 năm kể từ ngày 13/9 tới.

Có thể nói, thời gian qua, hơn 500 quân nhân Việt Nam tham gia tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại châu Phi chính là những “sứ giả hòa bình” của Việt Nam. Họ đã truyền đi bức thông điệp về một đất nước Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, nhân văn, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt... Họ cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp Việt Nam tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, góp phần tạo thế và lực cho Việt Nam thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình./.

 Bài 1: Công binh Việt Nam lần đầu thực hiện nhiệm vụ quốc tế

Bài 2: Tiếp nối sứ mệnh gìn giữ hòa bình của quân y Việt Nam

Bài 3: Tự hào nữ quân nhân Việt Nam tại châu Phi

Kiều Giang
30/06/2022 14:53