(ĐCSVN) - Một vấn đề đã thành nguyên tắc: Đã là cán bộ, đảng viên thì phải gương mẫu, làm gương cho quần chúng noi theo. Đã là cán bộ lãnh đạo thì phải gương mẫu, làm gương cho cấp dưới làm theo. Trong cuộc chiến với giặc COVID -19 bài học về vai trò nêu gương được phát huy mạnh mẽ với tinh thần cán bộ, đảng viên càng ở vị trí cao càng phải nêu gương đi đầu, giám chấp nhận hy sinh.
Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh bài học về, sự nêu gương là điều rất quan trọng của người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát tình hình thực tế, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, truyền cảm hứng, tạo động lực mạnh mẽ cho cấp dưới. Thủ tướng cho rằng “bỏ một đồng phòng dịch thì sẽ không mất một triệu chống dịch”.
Xin được dẫn ra những ví dụ về vai trò trách nhiệm nêu gương của cấp ủy và người đứng đầu:
Báo cáo tại hội nghị về công tác phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội có một số kinh nghiệm đã triển khai, đó là sự chỉ đạo thống nhất từ Thành ủy đến Ban chỉ đạo, Sở chỉ huy và đến các địa phương, sâu và kỹ khi thực hiện chủ trương chung nhưng cũng có linh hoạt để phù hợp với từng địa phương. Cùng với đó, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng lòng, tự giác của nhân dân, thực tế qua triển khai cho thấy, nơi nào nhân dân cùng vào cuộc thì hiệu quả sẽ rất cao, kể cả khi giãn cách và khi nới lỏng, thực hiện Chỉ thị 15.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, từ đầu dịch đến nay, Hà Nội chỉ có hơn 4 nghìn ca mắc và đến ngày hôm nay, chỉ còn hơn 500 ca đang phải điều trị ở bệnh viện, nhưng Hà Nội luôn luôn chuẩn bị phương án cao hơn. Việc xét nghiệm diện rộng, tầm soát y tế toàn dân và tiêm chủng thần tốc cũng đem lại hiệu quả rất cao, và đặc biệt, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vắc xin thì Hà Nội cũng không thể bao phủ mũi 1 và mũi 2 vắc xin trong thời gian vừa qua. Tăng cường công tác vận động tuyên truyền để nhân dân hiểu “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất” chính vì thế, thời gian qua, việc tiêm chủng của Hà Nội được thực hiện rất thuận lợi nhờ nhận được sự hưởng ứng, đồng tình rất lớn của người dân. Chỉ trong 7 ngày, đã tiêm được trên 3,5 triệu mũi, có điểm tiêm hoạt động đến 2h sáng để đảm bảo tiêm hết cho người dân đã mời.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ngày 30-8-2021, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã ban hành Công văn số 190-CV/TU về tăng cường phân công cán bộ, đảng viên tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó yêu cầu thực hiện tốt việc phân công nhiệm vụ đối với từng đảng viên trong chi, đảng bộ cơ sở phụ trách từng gia đình, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm nòng cốt của đảng viên trong hoạt động của các tổ COVID -19 cộng đồng, tổ dân phòng tự quản, các chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại địa bàn...Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho rằng, Quận ủy cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy cao độ tính tiên phong, gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên trong phòng, chống dịch. Mỗi đảng viên phải phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm nòng cốt trong hoạt động của các tổ COVID -19 cộng đồng, tổ dân phòng tự quản, chốt kiểm soát tại địa bàn dân cư. Mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục đoàn kết và quyết tâm cao hơn nữa, thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trên mọi lĩnh vực và ngành nghề, vị trí công tác. Từng cán bộ, đảng viên phải đóng góp công sức cùng cấp ủy Đảng, chính quyền ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát ngay từ trong từng gia đình, từng khu dân cư, tổ dân phố.
Cùng quan điểm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng nêu: Tình hình dịch bệnh hiện nay đang rất phức tạp và Hà Nội vẫn là khu vực có nguy cơ lây lan cao, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu và mỗi cán bộ, đảng viên, từng người dân Thủ đô tiếp tục giữ vững ý chí, quyết tâm, kiên trì thực hiện giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả hơn. Do vậy, Công văn số 190-CV/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường phân công cán bộ, đảng viên tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới là hết sức cần thiết. Để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, huyện tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm nòng cốt của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống dịch. Các cấp ủy Đảng, các chi, đảng bộ cơ sở phải phát huy vị trí là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Lấy hiệu quả phòng, chống dịch làm “thước đo” năng lực, uy tín của cán bộ, đảng viên và năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu.
Những nhận thức, việc làm tích cực, cụ thể của mỗi đảng viên chính là cách tốt nhất để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên phải tích cực phê phán, phản bác các ý kiến sai lệch, xuyên tạc, thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh, về các chính sách liên quan đến công tác phòng dịch để góp phần tích cực bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và thành quả phòng, chống dịch của Thủ đô cũng như cả nước.
|
|
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cám ơn sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ của Trung ương, địa phương, đặc biệt ngành y tế đã sát cánh đóng góp tinh thần trách nhiệm bằng tình cảm đặc biệt, chung tay chăm lo cho TPHCM - Ảnh: hcmcpv.org.vn |
Đối với TP Hồ Chí Minh, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, sau những ngày khó khăn nhất đỉnh điểm của đợt dịch đã được kiểm soát TPHCM đang chuẩn bị cho những bước đi cẩn thận trong quá trình mở cửa. Tuy nhiên không thể loại hẳn dịch bệnh COVID-19 ra khỏi cộng đồng, những điều kiện chuẩn bị để phòng chống dịch đến giờ tương đối bảo đảm như có thuốc trị, vaccine, ý thức người dân chấp hành để cùng vượt qua khó khăn, sức chịu đựng của xã hội đã đến hạn không thể kéo dài và nền kinh tế cũng đã tới ngưỡng không thể chịu đựng được nữa. Do đó, việc giãn cách phải từng bước phải mở dần, bảo đảm sự an toàn. Hiện nay chính quyền đã chuẩn bị các chiến lược để chuyển sang giai đoạn bình thường mới, sống trong môi trường có COVID-19 và chuẩn bị thói quen, tinh thần để ứng phó với môi trường có virus. “TPHCM đã chuẩn bị 13, 14 chiến lược trong đó trụ cột là chiến lược y tế; củng cố y tế cơ sở, cộng đồng, bệnh viện tư nhân, hệ thống nhà thuốc tây, phải có quy định rõ khi phát hiện F0 trong cộng đồng và hình thành mạng lưới y tế cơ sở để chăm sóc cho bệnh nhân. Đồng thời, TPHCM còn có chiến lược về chính sách an sinh xã hội chăm lo cho đời sống Nhân dân, phát triển sản xuất” – Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cám ơn sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ của Trung ương, địa phương, đặc biệt ngành y tế đã sát cánh đóng góp tinh thần trách nhiệm bằng tình cảm đặc biệt, chung tay chăm lo cho TPHCM. “Chúng ta lạc quan với những gì làm được, nhưng cũng không chủ quan, mà cần có những bước đi cẩn thận, chặt chẽ, an toàn trong quá trình mở để đưa TPHCM về trạng thái “bình thường mới”, có bước khôi phục và phát triển vững chắc trở lại tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với vị trí đầu tàu kinh tế cả nước”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm túc, khoa học, bài bản, sáng tạo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia. Khi Thủ tướng nêu quan điểm “chống dịch như chống giặc”, Vĩnh Phúc không coi đó chỉ là một khẩu hiệu mà còn là mệnh lệnh, một căn cứ pháp lý để Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định chuyển trạng thái sang tình trạng khẩn cấp, từ đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, áp dụng các biện pháp phù hợp tình hình. Tỉnh đã nâng rất nhanh công suất xét nghiệm mỗi ngày từ 5.000 mẫu lên ngay 10.000 mẫu và nay đã đạt 80.000 mẫu, nâng khả năng cách ly lên 10 lần…, với chiến lược bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn dịch.
Tại Hội nghị trực tuyến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết tỉnh đã kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều giải pháp vừa sản xuất, vừa chống dịch tại các nhà máy, khu công nghiệp. Quan tâm củng cố và duy trì hoạt động hiệu quả của các tổ COVID cộng đồng, tổ COVID -19 an toàn trong doanh nghiệp. Nhờ đó, nhiều chỉ số kinh tế hết sức tích cực, tăng cao so với năm ngoái. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, tỉnh đã tiêu thụ tốt 215.000 tấn vải thiều với tổng doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng. Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cũng nhiều lần khẳng định “chiến thắng chống dịch của Bắc Giang là chiến thắng của nhân dân”.
Bí thư Dương Văn Thái cho biết: Có được điều này là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Thủ tướng Chính phủ hằng ngày đều gọi điện chỉ đạo sát sao. Mọi khó khăn, vướng mắc mà tỉnh nêu ra đều được các Bộ, nhất là Bộ y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an giải quyết rất nhanh. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các địa phương khác, nhất là Lạng Sơn, Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và sự ủng hộ của Nhân dân cả nước. Nhờ vậy mà đến nay kinh tế của tỉnh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì đà phục hồi khá; GRDP quý III tăng 6,7% đã bù đắp sự sụt giảm 6,8% của quý II, góp phần đưa GRDP 9 tháng lên mức 5,5% (6 tháng đạt 4,3%). Bắc Giang đã và đang thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội”.
Chia sẻ kinh nghiệm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho rằng “vừa chống dịch, vừa sản xuất” tại các nhà máy, khu công nghiệp, gắn với vai trò, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ nhà trọ và người lao động đồng hành với các cấp chính quyền. Tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành một số nội dung như đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại sau dịch; đơn giản hóa các thủ tục trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo thỏa thuận giữa tỉnh Bắc Ninh, Bộ Công Thương và Samsung…
Thực hiện chủ trương này, đã xuất hiện nhiều mô hình hay như: Đảng ủy phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu đã vận động gần 700 đảng viên có đủ sức khỏe trong tổng số gần 1.200 đảng viên tham gia công tác phòng chống dịch cùng tổ dân phố. Mỗi đảng viên phụ trách từ 10 đến 20 gia đình, đảm nhận việc cung ứng, mua hộ lương thực, thực phẩm, quan tâm đến sức khỏe trẻ nhỏ... Ngoài ra, các đảng viên cùng tổ dân phố đi vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà cho hơn 6.000 phòng trọ với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng, giúp các công nhân, người lao động vượt qua khó khăn. Ông Đặng Ngọc Nhân, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết, mỗi đảng viên ở cơ sở là cánh tay nối dài, giúp chính quyền thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. “Đảng viên rất nhiệt tình, rất trách nhiệm nêu gương trong cộng đồng dân cư. Nắm bắt tình hình nhân dân tại địa phương, phát hiện những gia đình khó khăn đặc biệt là công nhân, sinh viên thì đảng viên đã tham mưu cho cấp ủy, chi bộ đề xuất kiến nghị phường, kể cả quận tăng cường hỗ trợ lương thực, thực phẩm, rau củ quả và hàng thiết yếu khác, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách”- ông Đặng Ngọc Nhân cho biết thêm.
Trong những ngày thực hiện cách ly y tế diện rộng, giãn cách xã hội triệt để, người dân không được ra khỏi nhà trừ trường hợp cấp cứu, đi lấy mẫu xét nghiệm. Những ngày đó, thành phố Đà Nẵng đề nghị tất cả đảng viên thể hiện vai trò nêu gương, huy động Ban điều hành khu dân cư, Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng đi chợ giúp dân, mua từng mớ rau, con cá, viên thuốc cho bà con. Hình ảnh các tổ trưởng dân phố lúc đeo băng bảo vệ trực chốt, lúc kéo xe đi giữa nắng nóng mua hàng về phát cho bà con, lúc khác lại chuyển quà cứu trợ đến từng người, không để sót một ai. Người dân nơi đây dìu nhau đi qua đại dịch.
Ở nơi tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế luôn hàng ngày túc trực 24/24, lao vào ổ dịch bất kể ngày đêm không quản gian khó nắng mưa, nhiều ngày không được về nhà. Hình ảnh những chiến sĩ áo trắng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè oi bức, dù đã kiệt sức nhưng vẫn quyết bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe của người dân, của cộng đồng, trong đó có cả sự hy sinh tính mạng, sức khỏe của hàng nghìn cán bộ y tế là hình ảnh tiêu biểu và phẩm chất tốt đẹp nhất 'thầy thuốc như mẹ hiền.
Như bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế lại chạy vào”. Hay một điều dưỡng tại Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai bộc bạch “Chúng tôi không sợ dịch bệnh, nhưng chúng tôi chỉ lo là nếu về thì ai sẽ chăm sóc cho người bệnh đây”.
Còn PGS.TS, Bác sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ: “Chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp. Nhiều hôm nửa đêm, vừa mới chợp mắt thiu thiu ngủ, nhận cuộc gọi khẩn cấp, cả Tổ công tác lại bật dậy bàn xử lý tình huống ngay”.
Theo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, những “chiến sĩ áo trắng” luôn trong tình trạng “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”. Hơn 1.000 cuộc gọi tới mỗi ngày khiến cho các nhân viên trực tại đây hiếm có một bữa cơm trọn vẹn.
Bác sĩ Lưu Nguyên Thắng, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ, thời gian qua, không chỉ riêng anh mà các đồng nghiệp trong Khoa đều phải làm việc liên tục, cường độ cao gấp 3 lần so với những ngày thường. Đặc biệt, dịch xảy ra trong thời điểm Tết Nguyên đán, hầu như cán bộ của Khoa không có Tết, ngày đêm họ cuốn vào guồng quay của công việc, sẵn sàng ứng trực, để thời gian sum họp với những người thân, gia đình ở lại phía sau.
Hình ảnh những bác sỹ, nhân viên y tế tranh thủ chợp mắt ngay tại nơi làm việc khiến ai nấy không khỏi nao lòng. Có những y, bác sĩ, nhân viên y tế kiêm nhiệm luôn cả nhiệm vụ khuân vác, phân phối hàng hóa…
Đối với bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang là một trong bệnh viện chủ công trong tuyến đầu điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Với đặc thù của một cơ sở y tế tuyến đầu về bệnh truyền nhiễm, công việc quá tải, làm việc liên tục căng thẳng không có ngày nghỉ là điều đã quá quen thuộc với “người lính áo trắng” nơi đây, thậm chí lây nhiễm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 2 bác sĩ tại Khoa Cấp cứu trong quá trình điều trị cho bệnh nhân đã bị nhiễm COVID-19, chúng ta mới thấy áp lực và căng thẳng của các nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch là như thế nào, song, không vì thế mà họ nản lòng.
Với bác sĩ Quách Duy Cường, Khoa Vi rút - Ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương gần 1 tháng nay đã không về nhà mà ở lại bệnh viện cùng các đồng nghiệp của mình chữa bệnh cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Điều đó đồng nghĩa với việc gần 1 tháng nay anh không được gặp vợ và cô con gái bé bỏng 16 tháng tuổi, Chelsea. Hàng ngày, cả nhà chỉ còn cách “gặp nhau” và gửi những nụ hôn qua màn hình điện thoại.
Trường hợp như bác sĩ Cường, chắc chắn không ít mà còn có hàng trăm, hàng nghìn y bác sĩ cùng với hàng ngàn chiến sĩ khác đang thầm lặng căng mình, dầm mưa, dãi nắng khắc nghiệt chăm sóc, chữa chạy cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, phục vụ hàng chục ngàn người cách ly tập trung.
Dẫu biết rằng lạc quan của đội ngũ y, bác sĩ là thế, nhưng mà trong guồng quay của dịch bệnh bác sĩ, y tá và những người phục vụ đã không chỉ vất vả hơn về công tác chuyên môn mà bản thân họ còn phải tập trung cao độ, không có sai sót nào xảy ra để tránh lây nhiễm chéo cho những người xung quanh. Còn trong tình cảnh họ điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, họ được tính là F1, vì vậy phải cách ly tuyệt đối, gần như không tiếp xúc với người ngoài, đặc biệt không được về nhà.
Ở Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 39 bệnh nhân mắc COVID-19, khối lượng bệnh nhân nhiều nên đội ngũ y, bác sĩ trong khoa phải chia làm 2 tốp, mỗi tốp có 3 bác sĩ, 8 điều dưỡng để đổi ca làm việc. Mỗi tốp làm 14 ngày rồi lại nghỉ để tự cách ly, hết thời gian cách ly lại “chiến đấu” tiếp chứ đâu được về nhà. Nhiều y bác sĩ không thể có một “nụ hôn” với đứa con thơ, không có câu chuyện vui đùa với con nhỏ hay ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ già. Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Thị Phương Mai, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết, cả tháng trời bệnh viện cách ly cùng người bệnh. Đặc biệt, khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 2 từ đầu tháng 3, chị và nhiều đồng nghiệp khác khoảng 1 tháng nay không về nhà, ở liền trong bệnh viện. Một phần vì bệnh nhân, phần dù nhớ con nhỏ nhưng về lại sợ lây bệnh sang con, sang người nhà...
Còn đối với những cán bộ y tế dự phòng, họ không đối mặt trực tiếp với loại vi rút mới này như những đồng nghiệp chuyên điều trị, thu dung bệnh nhân, nhưng họ mang sứ mệnh nặng nề khi trở thành “lá chắn thép”. Họ “đến từng nhà, rà từng xóm”, phải tiếp xúc với hàng trăm, hàng ngàn người để sàng lọc, chẩn đoán được “kẻ thù”, đâu có thể biết rằng những “kẻ thù” đó đang ẩn nấp trong bóng tối đó luôn rình rập đem đến sự nguy hiểm cho họ…
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chia sẻ, để có được những mẫu bệnh phẩm chuyển về phòng thí nghiệm tìm virus corona, ngoài việc đến các khu cách ly, những nhân viên, kỹ thuật viên lấy mẫu xét còn phải ngày đêm gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít đến tận nhà lấy mẫu bệnh phẩm. Việc lấy mẫu vô cùng khó khăn, nguy cơ phơi nhiễm rất lớn. Có một kỷ niệm đáng sợ của nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trực tiếp tại sân bay là cứ hễ đưa que lấy dịch mũi là người này chuẩn bị hắt hơi trực diện vào nhân viên xét nghiệm…
Có thể nói chỉ tính đợt dịch thứ 4 (tháng 4/2021 đến nay), ngành y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 25 nghìn giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch. Hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe, đã có khoảng 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm COVID-19 và hơn 10 trường hợp đã hy sinh, thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.
Gian khó, nguy hiểm luôn rình rập là vậy nhưng “chiến sĩ mặc áo trắng” ở tuyến đầu của trận chiến chống dịch vẫn luôn nêu cao ý trí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân. “Người dân Việt Nam đều ghi nhớ và rất cảm ơn, tự hào về đội ngũ y, bác sĩ, những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch.
|
|
Các bác sĩ thể hiện quyết tâm chiến thắng dịch bệnh COVID-19 |
Thời gian qua các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ, quân y đã chi viện tăng cường cho TPHCM và các tỉnh phía nam như Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - yêu cầu lực lượng quân đội phải đặt quyết tâm chiến thắng dịch bệnh: “đây như là trận chiến, không thắng không về”. Trong bất luận tình huống nào quân đội cũng phải sẵn sàng đi đầu trong phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần ấy đã có trên 135.000 cán bộ, chiến sĩ; duy trì hàng nghìn tổ, chốt, trong đó có 1.900 tổ chốt kiểm soát ở tuyến biên giới, những chiến sĩ quân hàm xanh đã "ăn núi, ngủ rừng" mưa dầm, rét mướt lập các đồn, bốt dã chiến để chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ biên giới, vùng biển; duy trì hàng nghìn chốt trong nội địa để tổ chức tuần tra, kiểm soát, làm nhiệm vụ, phục vụ việc cách ly tập trung ở các khu phong tỏa, góp phần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, hạn chế người ra đường làm lây lan dịch bệnh... Bộ Quốc phòng cũng triển khai 190 khu cách ly tập trung, các đơn vị đã nhường doanh trại bảo đảm việc ăn ở cho khoảng 290.000 lượt người; kịp thời điều động hàng nghìn y, bác sĩ, kỹ thuật viên; điều động 600 tấn vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc men chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Bộ Quốc phòng đã thành lập 11 bệnh viện dã chiến, truyền nhiễm và trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô hơn 6.000 giường bệnh để chia sẻ, hỗ trợ, giảm áp lực cho hệ thống y tế của địa phương; triển khai hơn 600 tổ quân y về các trạm y tế phường, xã... Vận chuyển, phân phối khoảng 112 tấn vaccine để góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine trên toàn quốc. Với tinh thần quân đội sẽ chủ động tới hỗ trợ nhân dân, Bộ Quốc phòng đã tổ chức hàng trăm lượt tổ quân y để tiêm vaccine; các tổ hồi sức cấp cứu; tổ quân y cơ động tham gia xét nghiệm, thu dung điều trị cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân; tổ chức vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa nông sản, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho hàng nghìn hộ dân...
Nhiều đồng chí có người thân mất; có vợ, con bị nhiễm bệnh nhưng không thể về được vì đang thực hiện nhiệm vụ. Nhiều y, bác sĩ quân y, trong đó có nhiều người có con nhỏ, nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tiếp tục xung phong vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình giúp dân phòng, chống dịch bệnh đã có những đồng chí nhiễm bệnh và có sự hy sinh... “Tất cả thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của chiến sĩ quân đội đối với sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong thời điểm khó khăn”-Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.
Với tinh thần ấy, ngày 21/8/2021, các đơn vị trực thuộc Bộ Công an tổ chức Lễ xuất quân tăng cường cán bộ, chiến sỹ (CBCS) vào TP. Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cục Cảnh sát giao thông: 37 CBCS Cục CSGT; 30 CBCS CSCĐ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; 31 CBCS Cục Hậu cần. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã tăng cường gần 4.000 CBCS hỗ trợ, chi viện Công an 15 tỉnh, thành phố. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh gần 1.000 CBCS; Bình Dương 600 CBCS, Hải Dương 510 CBCS, Bắc Giang gần 500 CBCS...
Còn nhiều lắm những gian truân, hy sinh thầm lặng, nỗ lực quên mình trong cuộc chiến này, bởi cùng với “chiến sĩ áo trắng” tham gia chống dịch, quân đội, công an luôn là lực lượng tiên phong đi đầu, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Phát huy truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân”; “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an đang ngày đêm dãi nắng dầm sương, tạo thành những “lá chắn thép” ở nơi tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Họ là những anh hùng hy sinh thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng. Dân tộc sẽ ghi nhận sự hy sinh cao cả của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an… trong cuộc chiến “chống giặc” COVID-19 vô hình này.
Để tôn vinh những đóng góp to lớn ấy Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen của cho 24 tập thể và 19 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Thuận, Bến Tre: Cụ thể: 14 tập thể thuộc TP Hồ Chí Minh; 03 tập thể thuộc thành phố Hà Nội; một tập thể và 4 cá nhân tỉnh Bình Thuận; 6 tập thể và 15 cá nhân tỉnh Bến Tre. 03 cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ đã có thành tích xuất sắc trong triển khai công tác ngoại giao vaccine năm 2021. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho: 1 cá nhân tỉnh Phú Yên; 3 cá nhân tỉnh Bình Thuận; 1 tập thể và 1 cá nhân tỉnh Quảng Ngãi; 2 cá nhân tỉnh Đồng Tháp; 3 cá nhân tỉnh Điện Biên; 3 tập thể và 5 cá nhân tỉnh Vĩnh Phúc; 3 cá nhân tỉnh An Giang có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; 1 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ; đồng thời, truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Bài 1: Khát vọng Việt Nam Hồ Chí Minh
Bài 2: Thách thức khát vọng và quyết định lịch sử
Bài 3: Bước đầu vượt qua thách thức
Bài 4: Nêu gương cấp ủy, người đứng đầu
Bài 5: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
Thực hiện: Nguyễn Minh