leftcenterrightdel
 

(ĐCSVN) – Những kết quả trong công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện đến từ những cách làm sáng tạo, đổi mới ở các địa phương. Kết quả đó cũng có sự góp sức rất lớn từ những nhân viên ngành BHXH, các đại lý thu -những người trực tiếp rỉ rả”, không quản ngày nghỉ, không quản khó khăn, vất vả, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để đưa chủ trương, chính sách về bảo hiểm tự nguyện đến gần hơn với người dân.

ĐẠI LÝ THU - "CÁNH TAY NỐI DÀI"

Có thể nói, hiện nay các tổ dân phố, các thôn, bản đều có nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHXH tự nguyện từ cơ sở. Mỗi hệ thống đại lý có những thuận lợi riêng, tác động tích cực tới việc phát triển, vận động đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.  

leftcenterrightdel
 Nhân viên BHXH đến chợ để tư vấn, vận động các tiểu thương tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: TL

Ông Đinh Duy Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện nay, hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT đã phát triển sâu rộng đến từng địa bàn xã với đa dạng hóa các loại hình. Tính đến hết năm 2020, cả nước có tổng số 11.851 đại lý thu (gồm: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; đơn vị sự nghiệp; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức kinh tế) với 37.728 điểm thu và 52.225 nhân viên đại lý thu.

Trong những năm qua, đại lý thu BHXH, BHYT đã đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Nhân viên đại lý thu đến từng nhà, tuyên truyền từng hộ gia đình, từng người dân để vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; thực hiện tổ chức thu và trả kết quả cho người dân, tạo được niềm tin cho người dân trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Theo đó, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình, tăng dần qua từng năm. Tính đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện của nước ta trên 1,1 triệu người, trong đó số người do đại lý thu khai thác chiếm 92,5% tổng số đối tượng tham gia, còn lại 7,5% tham gia trực tiếp tại cơ quan BHXH; số người tham gia BHYT hộ gia đình gần 19,4 triệu người, trong đó số người do đại lý thu khai thác chiếm 95%, còn lại 5% tham gia trực tiếp tại cơ quan BHXH.

leftcenterrightdel
 

Ông Đinh Duy Hùng chia sẻ: Đại lý thu được ví là “cánh tay nối dài” của cơ quan BHXH. Để đại lý thu hiệu quả, chiếm được cảm tình, niềm tin của người dân, giúp họ tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, nhân viên đại lý phải là người kiên trì, có tinh thần trách nhiệm cao, thực sự nhiệt tình và tâm huyết với công việc. Việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT không chỉ đơn thuần là tìm đến nhà vận động, gặp người dân nhiều hay ít lần, mà quan trọng hơn là thông qua tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người dân, khiến họ tin tưởng, cảm thấy thoải mái, yên tâm, tự nguyện tham gia.

Muốn vậy, người làm đại lý thu phải gần gũi với bà con, nắm bắt, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình, từ đó tuyên truyền theo kiểu "mưa dầm thấm lâu"; có những dẫn chứng phù hợp bằng người thực, việc thực tại địa bàn thôn, xóm thì đối tượng mới hiểu được lợi ích, ý nghĩa thiết thực mà tham gia BHXH. Do đó, nhân viên đại lý phải là người cập nhật nhanh nhất những điểm mới, những thay đổi của các chính sách, từ đó sẵn sàng giải đáp, tư vấn hợp lý, làm thỏa mãn và tạo sự yên tâm cho những người tham gia bảo hiểm và mọi người dân.

Với lợi thế bám sát địa bàn, hằng ngày tiếp xúc với người dân, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT đã đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT nói chung, chế độ BHXH tự nguyện nói riêng tại cơ sở, trực tiếp giúp người dân nâng cao nhận thức, thấy rõ lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.

ĐI TỪNG NGÕ, GÕ TỪNG NHÀ

Theo chân những “cầu nối” của BHXH tỉnh Sơn La, Đồng Tháp… đã cho chúng tôi hiểu hơn sự nỗ lực và ý nghĩa của những công việc họ đang cần mẫn mỗi ngày.

Nhiệt huyết là điều không thể không nhắc tới chị  Lê Thị Hiền, nhân viên giám định - một tuyên truyền viên về BHXH tự nguyện của BHXH huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Chúng tôi gặp chị Lê Thị Hiền vào buổi tối một ngày giữa tháng 4/2021. Hiền có dáng người nhỏ nhắn, nụ cười dễ mến, lối nói chuyện nhẹ nhàng, cuốn hút, rất dễ gần. 

leftcenterrightdel
 Chị Lê Thị Hiền (ngoài cùng bên trái) nhân viên giám định - một tuyên truyền viên về BHXH tự nguyện của BHXH huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã vận động được 217 người tham gia BHXH tự nguyện. (Ảnh: Kim Thanh)

Trên đường dẫn tôi xuống nhà người dân để tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, chị Hiền chia sẻ, hiện chị là nhân viên giám định BHXH được phân công làm tại Bệnh viện Mộc Châu. Theo đó, trong nội dung phát động, mỗi công chức, viên chức BHXH tỉnh Sơn La (tùy vào vị trí làm việc) đều được giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 2-5 đối tượng/tháng. Riêng công chức làm công tác tuyên truyền thì chỉ tiêu được giao là 10 đối tượng/tháng.

Từng rất lo lắng với chỉ tiêu được giao, song chị Hiền chia sẻ: "Mỗi lần đi chợ mua rau hay mua thịt, tôi lại tranh thủ hỏi chuyện các bà, các chị bán hàng đã tham gia loại hình bảo hiểm nào chưa, từ đó tôi giới thiệu đến mọi người loại hình BHXH tự nguyện, ích lợi của mọi người khi tham gia…".

Chị Hiền cũng thường đi gặp các gia đình sau giờ làm việc, vào buổi tối. Với chị, để vận động người dân tham gia, không chỉ đơn thuần là tìm đến nhà vận động, gặp người dân nhiều hay ít lần, mà quan trọng hơn cả là hiểu người dân cần gì để cung cấp thông tin, làm thay đổi nhận thức khiến họ tin tưởng và yên tâm, tự nguyện tham gia.

“Cần chuẩn bị nội dung tư vấn cho người dân, làm sao họ thấy quyền lợi ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT; tư vấn mức căn cứ đóng phù hợp. Làm sao để giúp họ hiểu tham gia BHXH tự nguyện là một quyển sổ tiết kiệm an toàn nhất cho tương lai. Quỹ hưu trí là Nguồn quỹ an toàn nhất chỉ sau Ngân sách nhà nước vì được Nhà nước bảo hộ. Và lương hưu, duy nhất do Quỹ BHXH chi trả, không có hình thức bảo hiểm nào tham gia để được lương hưu ngoài BHXH.

Vận động một người dân tham gia BHXH tự nguyện khó một, nhưng để duy trì bền vững còn khó gấp đôi. Theo chị, cần sâu sát, quan tâm đến người tham gia bảo hiểm bằng việc nắm bắt về thời gian tham gia, thời gian sắp hết hạn sử dụng, thời gian đóng tiền của sổ, thẻ để đôn đốc, nhắc nhở họ đóng đúng, đủ, đảm bảo quyền lợi và tính liên tục của mỗi loại hình bảo hiểm.

Cũng có những lúc buồn lòng, khi gặp nhiều trường hợp hoài nghi, thậm chí bị cho là lừa đảo khi người dân nhầm lẫn giữa chính sách BHXH của Đảng, Nhà nước với các loại hình bảo hiểm thương mại khác. Bởi đã có nhiều vụ việc tham gia bảo hiểm thương mại khiến người dân mất lòng tin. Khi họ chưa hiểu, chưa phân biệt được các loại hình bảo hiểm khác nhau thì việc tuyên truyền là rất khó.

Mặc dù khó như vậy nhưng những người làm BHXH như chị vẫn quyết phải đi, phải đến để giải thích một cách “thấu tình đạt lý” cho họ hiểu về những lợi ích mà chính sách an sinh xã hội của Nhà nước mang lại.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhưng với những nỗ lực không mệt mỏi, chị Hiền đã vận động được 217 người tham gia BHXH tự nguyện.

leftcenterrightdel
 Nhân viên BHXH tích cực đến từng hộ gia đình tiềm năng để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. (Ảnh: Đỗ Thoa)

Hăng say nhất với phong trào tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện của xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phải kể đến chị Lê Thị Như Trúc - nhân viên Đại lý thu BHXH, BHYT.

Sinh sống tại đây, lại là người nắm vững chính sách BHXH, chị Trúc đã nỗ lực đi từng nhà, gặp từng người để đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với bà con, giúp bà con thêm hiểu, tin tưởng và tham gia vào chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Với sự hăng say, quyết tâm đó, từ năm 2020 đến nay, chị Trúc đã vận động được hơn 150 người trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện.

leftcenterrightdel
 

Dưới cái nắng chói chang của miệt đồng, chị Trúc vẫn không quản ngại lặn lội vào những khu dân cư xa trung tâm xã để đưa chính sách BHXH tự nguyện tới bà con. Lau nhanh những giọt mồ hôi, chị Trúc trải lòng: “Có khi để vận động 01 người tham gia, tôi phải đi hàng chục lần, ngồi mấy tiếng đồng hồ để nói cho bà con hiểu hết được lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Dù vất vả nhưng cứ nghĩ đến việc có thể giúp bà con đảm bảo an sinh xã hội về sau thì mình lại có thêm động lực bước tiếp”.

Với chị, dù hơi cực nhưng việc đến từng hộ gia đình tiềm năng để tư vấn, tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện thật sự mang lại hiệu quả. “Bởi khi xác định được hộ gia đình tiềm năng thì rất dễ vận động vợ hoặc chồng tham gia. Mà khi đã có một người tham gia thì việc vận động thêm những người trong gia đình là không khó. Thực tế, tôi đã vận động được rất nhiều gia đình cả vợ và chồng đều tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2020”, chị Trúc chia sẻ./.

Bài 1: "CỦA ĐỂ DÀNH" CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO

Bài 2: "BÍ QUYẾT" TỪ NHỮNG ĐIỂM SÁNG

Bài 3: CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG LÀ "CHÌA KHÓA"  

Đỗ Thoa - Kim Thanh
25/12/2021 18:57