Bài 5: Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn
(ĐCSVN) – Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang là nhiệm vụ hết sức quan trọng, được các cấp uỷ, chính quyền, ngành chức năng và người dân, nhất là bà con nông dân tỉnh Quảng Nam quan tâm, tích cực đồng hành dù ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Theo đánh giá chung, đây sẽ là nền tảng thúc đẩy để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và nền kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.
Trên cơ sở Đề án chuyển đổi số Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, tỉnh Quảng Nam đã cụ thể hoá, tập trung chỉ đạo sâu rộng, đồng bộ ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng với những tham mưu giúp Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo có liên quan đến chuyển đổi số, ngày 10/6/2021 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 1313/KH-SNN&PTNT về triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành; các chủ thể sản xuất hiểu và tiếp cận có hiệu quả chuyển đổi số vào trong quá trình quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất; vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh (LRIS) kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia (GRIS); đề xuất xây dựng hệ thống thông tin ngành Nông nghiệp và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; sử dụng có hiệu quả các hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ NN&PTNT.
Về kinh tế số, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam- Trương Xuân Tý cho hay, cùng với việc thí điểm tổ chức các mô hình về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Quảng Nam cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên Cổng thông tin sản phẩm Quảng Nam (http://sanpham.quangnam.gov.vn; http://conghtxocop.vn); tổ chức các phiên chợ khuyến nông và các sàn thương mại điện tử: Postmart.vn, Voso.vn. Kết quả đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam đã hỗ trợ hơn 100 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử…
Bên cạnh thành công trên, hiện ở Quảng Nam, lượng tàu cá hoạt động vùng khơi có chiều dài >24m khá tương đối với 44 chiếc, tàu cá ≥15m có 657 chiếc; tàu cá hoạt động vùng lộng có chiều dài từ 12 ÷ <15m là 720 chiếc; tàu cá hoạt động vùng bờ có chiều dài từ 6 ÷ <12m là 1.338 chiếc.
“Với tổng sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt từ 90 ÷ 100 ngàn tấn, giá trị sản xuất xấp xỉ 3.000 tỷ đồng/năm, khai thác thuỷ sản đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động; trong đó có đến 13.000 người khai thác trực tiếp trên biển và khoảng 2.000 lao động trên bờ làm nghề thu mua thủy sản và dịch vụ hậu cần khác (bán nhu yếu phẩm, đá lạnh ...). Đây là những đóng góp không nhỏ của lĩnh vực thuỷ sản địa phương đối với nền kinh tế và đời sống xã hội”- đồng chí Trương Xuân Tý khẳng định.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con ngư dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, thời gian qua các cấp, các ngành và xã hội đã đồng hành với ngư dân; từ việc tổ chức tập huấn, đào tạo máy trưởng, tập huấn sử dụng các thiết bị liên quan đến vận hành, đánh bắt trên biển…; hỗ trợ vay vốn để ngư dân tiếp cận công nghệ đánh bắt hiện đại. Nhờ đó, các chủ tàu và bà con ngư dân đã nhanh chóng tiếp thu, làm chủ công nghệ, thành thạo sử dụng nhiều máy móc như: máy đo sâu - dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc, hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU, sử dụng đèn LED...
“Qua sử dụng các thiết bị, máy móc trên, ngư dân không những tiết kiệm được nhiên liệu mà còn nâng cao hiệu quả khai thác trên biển. Song, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản hiện cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong quản lý tàu cá, minh bạch nguồn gốc các sản phẩm thuỷ sản khai thác,... Điều này đòi hỏi phải có phương thức quản lý mới phù hợp hơn. Do đó, công tác chuyển đổi số bước đầu cũng được ứng dụng vào trong khai thác thủy sản để giải quyết các tồn tại nêu trên”- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam- Trương Xuân Tý chia sẻ.
Theo đồng chí Trương Xuân Tý, với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, cụ thể là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình định vị 24/24 sẽ cho biết chính xác và đầy đủ về tốc độ, hướng đi, vùng khai thác và một số hoạt động của tàu thuyền. Điều này giúp các ngư dân quản lý được quá trình khai thác thủy sản một cách dễ dàng, từ đó vạch ra lộ trình đánh bắt phù hợp và tối ưu tối đa chi phí cho mỗi lần ra khơi. “Thiết bị giám sát hành trình còn giúp ngư dân đưa ra cảnh báo cứu hộ, cứu nạn khi gặp sự cố trên biển hoặc hỗ trợ ứng cứu kịp thời các tàu cá khác đang gặp nạn ngay khi nhận tín hiệu từ thiết bị. Ngoài ra, thiết bị giám sát hành trình còn thường xuyên thông báo về tình hình thời tiết trên các vùng biển, giúp ngư dân chủ động hơn để ứng phó với các tình huống thiên tai trong quá trình đánh bắt hải sản. Đặc biệt, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng giúp cơ quan quản lý Nhà nước xác định được hành vi đánh bắt sai vùng hoạt động; tàu cá vượt ra ngoài ranh giới của vùng biển Việt Nam để có phương án xử lý kịp thời; hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai…”- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam - Trương Xuân Tý chia sẻ và thông tin thêm: Đến nay, trên 98,5% tàu cá trong tổng số 657 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên tại Quảng Nam đã lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá, trong đó hơn 288 tàu cá sử dụng thiết bị giám sát hành trình tích hợp điện thoại vệ tinh có thể liên lạc trực tiếp từ vùng khơi về đất liền.
Đối với thiết bị điện tử tự động ghi nhật ký đánh bắt hải sản trên biển, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đưa ra con số thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 24 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được thí điểm trang bị thiết bị điện tử tự động ghi nhật ký đánh bắt trên biển (nhật ký điện tử). “Theo quy định, tàu cá tham gia khai thác thuỷ sản phải có sổ ghi nhật ký khai thác nhằm thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt. Với việc lắp đặt thiết bị này, ngư dân khai báo chính xác sản lượng, vị trí mẻ lưới đánh bắt mà không cần ghi chép vào sổ nhật ký khai thác giấy như trước đây. Thông qua kết nối vệ tinh, dữ liệu đánh bắt có thể trích xuất từ thiết bị máy tính trên bờ mà không cần đợi tàu cá về tới cảng. Trong khi đó, sản phẩm thủy sản minh bạch về nguồn gốc xuất xứ và làm cơ sở để xác nhận chứng nhận nguồn gốc thủy sản”- đồng chí Trương Xuân Tý chia sẻ thêm.
Ngoài ra, do được tích hợp vệ tinh, nhật ký khai thác điện tử có thể xác định vị trí chính xác tàu cá khi tham gia khai thác trên biển, qua đó giúp cơ quan quản lý xác định, có giải pháp nhằm ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, mặc dù đã được quy định bắt buộc và hầu hết đã áp dụng vào thực tiễn. Song, vẫn còn một số ngư dân cố tình vô hiệu hệ thống giám sát hành trình để hoạt động đánh bắt sai vùng hoạt động hoặc vượt ranh giới cho phép đánh bắt trên biển để khai thác thủy sản trái phép trên các vùng biển nước ngoài. “Hiện nay, nhật ký điện tử chỉ mới áp dụng thí điểm, các phần mềm tiếp nhận thông tin từ nhật ký điện tử đang vận hành thử tại các cảng cá. Qua khảo sát ban đầu, phần lớn ngư dân với thói quen sản xuất truyền thống, trình độ chưa cao nên còn ngại trong việc ứng dụng thử nghiệm thiết bị này. Ngoài ra, việc lắp đặt thiết bị nhật ký khai thác thuỷ sản điện tử cũng làm phát sinh chi phí sản xuất đất cũng là một trong những rào cản đối với việc khuyến khích người dân áp dụng”- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam- Trương Xuân Tý nhận xét.
|
|
Đa dạng các hình thức thực hành chuyển đổi số trong đời sống kinh tế- xã hội ở khu vực nông tỉnh Quảng Nam |
Trước những khó khăn trên, hiện ngành NN&PTNT tỉnh Quảng Nam và hệ thống chính quyền các cấp trên địa bàn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành các quy định về sử dụng giám sát hành trình tàu cá, chấp hành quy định pháp luật của Việt Nam và các nước trong khu vực về khai thác thủy sản trên biển; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về khai thác IUU nói chung và sử dụng giám sát hành trình nói riêng theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với việc áp dụng nhật ký khai thác điện tử, theo đề xuất của Sở NN&PTNT, tỉnh cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân trong việc đầu tư mua sắm, lắp đặt nhật ký điện tử; triển khai áp dụng đồng bộ các phần mềm tiếp nhận thông tin từ nhật ký điện tử của các tàu cá tại các cảng cá.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời từng bước hạn chế, khắc phục các khó khăn, tồn tại nhằm góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đồng hành, tạo giải pháp căn cơ, quan trọng để nông nghiệp, nông thôn nói chung và bà con nông dân nói riêng cũng như ngành Nông nghiệp địa phương phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, tới đây tỉnh sẽ tập trung xây dựng và phát triển nền tảng phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể, Quảng Nam sẽ chuẩn hóa tài liệu lưu trữ; số hóa tài liệu, từng bước xây dựng kho dữ liệu số tập trung của ngành NN&PTNT, hình thành nên các nguồn dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý, điều hành và khai thác dữ liệu của công dân, doanh nghiệp.
|
|
Hiện nay, ngành Giao thông và các đơn vị có liên quan của Quảng Nam cũng đã nỗ lực tiến hành số hoá các tuyến đường giao thông tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. |
Cạnh đó, địa phương cũng tiến hành xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp, nông thôn phù hợp với danh mục cơ sở dữ liệu của Bộ NN&PTNT và Đề án “Phát triển ứng dụng Công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025”; đồng thời khai thác và vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành liên quan và quốc gia.
Một giải pháp hết sức quan trọng nữa là Quảng Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Xem đây là nhiệm vụ then chốt cần tổ chức triển khai thực hiện trong Chương trình phát triển kinh tế số và xã hội số. “Trước mắt là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các địa phương tiến hành quy hoạch xây dựng vùng, huyện phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh; hình thành, phát triển vùng nguyên liệu, vùng nuôi tập trung đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, OCOP, bản địa; thực hiện cấp mã số vùng trồng; cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn, động vật thủy sản”- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam- Trương Xuân Tý bày tỏ và cho rằng, cùng với tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tỉnh Quảng Nam cũng tập trung thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có chứng nhận. Trong đó, sẽ áp dụng quy trình kỹ thuật, quy trình thực hành sản xuất tốt và tương đương; sản xuất theo yêu cầu cụ thể từng thị trường trong nước và xuất khẩu nhằm đạt được mục tiêu tạo sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo qui định hoặc được chứng nhận VietGAP (tương đương), sản phẩm hữu cơ ….; đồng thời ứng dụng công nghệ số để số hóa quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là Quảng Nam phải phát triển mạnh liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị nông sản gắn với vùng nguyên liệu, tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ số vào các khâu trong chuỗi giá trị, giúp tập trung được nguồn lực cả về vốn, nhân lực, tài nguyên (đất đai) để hình thành nên chuỗi giá trị nông sản đủ mạnh về chất lượng và sản lượng. Mặt khác, ngành Nông nghiệp chủ động thúc đẩy, hướng dẫn xây dựng thương hiệu cho nông sản. Trong đó, việc đăng ký bảo hộ, khai thác, quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể trong nước và quốc tế; gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sẽ là những định hướng, ưu tiên để thực hiện. Song song đó, tỉnh cũng tiến hành đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Cụ thể là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại theo sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh trong tình hình mới trên nền tảng số, sàn giao dịch điện tử.
“Một điều đáng chú ý nữa đối với Quảng Nam tới đây là triển khai có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh. Đây luôn là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo”- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam- Trương Xuân Tý cho biết và nêu ra 03 nhóm nhiệm vụ chủ yếu lên quan đến vấn đề này. Trước hết là thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, tạo cơ sở dữ liệu đồng bộ và tiến hành thực hiện quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, tăng cường trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Nhóm nhiệm vụ thứ hai là tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó sẽ quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài long của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số đầu tư, phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn ở các địa phương; triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số, đảm bảo từng địa chỉ hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được gắn biển địa chỉ số; tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các nền tảng, dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet.
Thứ ba là xây dựng thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương (y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, môi trường, cải cách hành chính, an ninh trật tự, du lịch nông thôn…) và các mô hình thôn nông thôn mới thông minh để nhân rộng trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu./.
Bài 1: Nền tảng ban đầu trong chuyển đổi số ở Quảng Nam
Bài 2: Vai trò “bà đỡ” của Bưu điện trong chuyển đổi số ở Quảng Nam
Bài 3: Chuyển đổi số trong lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam
Bài 4: Chuyển đổi số đang “bén duyên” để nâng tầm du lịch Quảng Nam