Bài 3: Chuyển đổi số trong lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam

Chuyển đổi số - Động lực để Quảng Nam phát triển
Thứ hai, 24/04/2023 22:24
(ĐCSVN) - Với vai trò là cơ quan Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 tại tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, Công an tỉnh này đã có nhiều tham mưu và chỉ đạo, tổ chức triển khai các giải pháp thiết thực, bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số ở địa phương.

Bài 1: Nền tảng ban đầu trong chuyển đổi số ở Quảng Nam

Bài 2: Vai trò “bà đỡ” của Bưu điện trong chuyển đổi số ở Quảng Nam

 

Ngay từ khi tiếp thu Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Công an tỉnh Quảng Nam đã xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án này trong việc phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và chuyển đổi số quốc gia; coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng để góp phần cùng với tỉnh triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện thành công Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, theo Thượng tá Hồ Song Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở sự phân công của lãnh đạo tỉnh, Công an tỉnh Quảng Nam giữ vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác Đề án 06 do UBND tỉnh chủ trì. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao này, Công an tỉnh đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu ban hành nhiều văn bản, báo cáo lãnh đạo Tổ công tác để triển khai Đề án 06. Đặc biệt, Công an tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn về đẩy mạnh cài đặt, sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) và Công văn về đăng ký mô hình điểm cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06; chủ trì, tổ chức các hội nghị với các sở, ngành có liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

Trong các kết quả chung mang lại, đáng kể đầu tiên là đến nay Quảng Nam đã thu nhận trên 1,3 triệu hồ sơ căn cước công dân (CCCD), đạt khoảng 96% tổng số công dân đến đội tuổi thu nhận trên địa bàn; trong đó đặc biệt quan trọng là thu nhận hồ sơ với học sinh cấp 3 đang chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đại học. Qua việc thu nhận hồ sơ CCCD này sẽ là cơ sở nhập dữ liệu cư trú cho học sinh nhằm giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo khi tuyển sinh có căn cứ để cộng điểm vùng miền cho thí sinh; đồng thời cũng là căn cứ phục vụ cho mục tiêu hợp nhất các loại giấy tờ thành một loại giấy tờ của công dân trong kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Cùng với thu nhận hồ sơ CCCD, đến nay lực lượng công an tỉnh Quảng Nam cũng triển khai trên 110.000 hồ sơ định danh điện tử, đồng thời cung cấp số định danh cá nhân của công dân cho các cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Y tế về cập nhật dữ liệu mũi tiêm theo đề nghị, phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia. Cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng mở đợt cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP.

Lực lượng công an tỉnh Quảng Nam đến tận nhà dân để thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân. 

Cùng với nhiệm vụ kể trên, theo Thượng tá Hồ Song Ân, lực lượng Công an tỉnh đảm nhận trực tiếp 11/25 nhóm dịch vụ công thiết yếu. Đến nay, 11 nhóm dịch vụ công thiết yếu tại Quảng Nam đều đạt trên 50%, trong đó có nhiều dịch vụ công đạt 100% như: làm con dấu, chứng nhận ngành nghề kinh doanh có điều kiện và an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, hộ chiếu phổ thông, lưu trú….

Để đảm nhận các dịch vụ công thiết yếu trên, thời gian qua 100% công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 liên quan đến người dân trên các lĩnh vực. Ngành công an Quảng Nam cũng đã phân cấp đăng ký xe mô tô, xe gắn máy cho công an cấp xã đủ điều kiện theo đúng kế hoạch chỉ đạo của Bộ Công an.

Mới đây, ngày 10/3/2023, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) công an tỉnh đã ra mắt mô hình “Thực hiện dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực QLHC về TTXH” tập trung vào nhóm tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện để người dân, tổ chức thực hiện các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại cơ sở… đảm bảo giải quyết các thủ tục hành chính trên nền tảng điện tử, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

“Các kết quả này là cơ sở giúp Quảng Nam hướng đến mục tiêu bỏ qua việc làm trực tiếp và chuyển sang trực tuyến trong giải quyết hồ sơ công dân, giúp công dân giảm bớt các tốn kém về thời gian, công sức và chi phí; tránh các phiền hà không đáng có khi đến giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan quản lý nhà nước”, Thượng tá Hồ Song Ân chi sẻ.

Đối với nhóm các nhiệm vụ khác khá quan trọng theo Đề án 06 là hướng đến tạo hệ thống dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Công an tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo công an các xã, phường, thị trấn và công an các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tiến hành cập nhận đầy đủ dữ liệu của công dân. Thông qua đó, mọi biến đổi, thay đổi của một công dân từ khi sinh ra đến lúc mất đi đều được cập nhật, làm cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân với các ngành, nhất là Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng, Tư pháp, Y tế, Giáo dục...

“Lực lượng công an đã làm việc cả ngày lẫn đêm, không kể cả ngày nghỉ, đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan rà soát, kiểm tra, đánh giá, xác định những vướng mắc, qua đó kịp thời tháo gỡ, khắc phục, bổ sung, hoàn chỉnh các trở ngại, khó khăn về hạ tầng, công nghệ, quy trình, tái cấu trúc hệ thống biểu mẫu ở các trường thông tin của các bộ, ngành. Trên cơ sở đó, Tổ công tác đề án 06 tỉnh tham mưu, đề xuất kiến nghị với tỉnh, Trung ương có những sửa đổi, bổ sung, triển khai hiệu quả, tạo sự đồng nhất thông tin dữ liệu dân cư”, Thượng tá Hồ Song Ân thông tin.

Công an Quảng Nam tổ chức hướng dẫn cài đặt các phần mềm tiện ích để giúp người dân làm quen với chuyển đổi số. 

Về triển khai, thực hiện các giải pháp mô hình trong thực hiện Đề án 06. Theo Thượng tá Hồ Song Ân, hiện Quảng Nam có 02 mô hình liên quan của nhiệm vụ này đang được lực lượng công an triển khai khá hiệu quả là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến về lưu trú khi công dân lưu trú để khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; đồng thời triển khai các dịch vụ công đối với lực lượng quản lý hành chính (đang được thực hiện tại cơ quan công an tỉnh và đang triển khai ở công an 18 huyện, thị, thành phố của tỉnh và sắp tới sẽ tiếp tục triển khai đến công an xã, phường, thị trấn).

Qua triển khai, thực hiện các mô hình trên sẽ giúp công dân khi đến lưu trú để khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế sẽ được cập nhật thông tin, tạo cơ sở dữ liệu cung cấp cho các cơ sở y tế thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh được thuận lợi; đồng thời tháo gỡ các khó khăn khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở những địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi còn thiếu hạ tầng và các phương tiện thông minh như điện thoại, máy tính, mạng viễn thông hoặc những nơi người dân chưa nắm, chưa quen với công nghệ… Tại đây, công an cơ sở và công an cấp huyện, thị, thành phố trực tiếp hướng dẫn công dân thao tác, thực hiện các dịch vụ công.

Ngoài các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên, lực lượng Công an tỉnh cũng tập trung phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tuyên truyền, trong đó vai trò quan trọng của các cơ quan báo đài. Qua đó, giúp người dân thấy và nâng cao nhận thức để cùng tham gia thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến; mang những thuận lợi, tiện ích nhất đến với người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tránh những phiền hà, tốn kém trong giải quyết các thủ tuc hành chính./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực