Đánh giá về thực trạng văn hóa, nghệ thuật nước nhà từ sau đổi mới đến nay nhất là trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Nghiên cứu văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Thị trường văn hóa, nghệ thuật Việt Nam đã bước đầu phát triển sôi động, đa sắc và đa diện hơn với những loại hình, sản phẩm, dịch vụ phong phú, đã bước đầu tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Nhiều sản phẩm, hàng hóa nghệ thuật vừa chuyển tải được bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đổi mới về cách thức biểu đạt mang tính hiện đại, tiên tiến, có sức hấp dẫn với công chúng trong nước và quốc tế. Chưa bao giờ hoạt động trao đổi, mua bán tác phẩm nghệ thuật lại diễn ra sôi nổi, quy mô và thu hút nhiều tầng lớp xã hội tham gia như trong giai đoạn hiện nay, đã có sự tăng trưởng sức tiêu dùng và đa dạng hóa các hình thức tiêu dùng đối với sản phẩm nghệ thuật trong bối cảnh số hóa. Bắt đầu hình thành một số tác phẩm nghệ thuật có thương hiệu, trong đó có nhiều sản phẩm, dịch vụ nghệ thuật do tư nhân đầu tư hoặc phối hợp công - tư liên doanh. Một số thị trường như: Hội họa, sân khấu, điện ảnh... đã đạt được những thành tựu nhất định.
Tuy nhiên, nhìn chung thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn còn quá nhỏ lẻ, chưa thực sự tạo ra sự bứt phá ngoạn mục, chưa có sức ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ trong tiêu dùng của người dân Việt Nam. Chất lượng sản phẩm nghệ thuật nhìn chung chưa cao và đồng đều, năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế thấp, thiếu các thương hiệu ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, chưa có nhiều sản phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, góp phần bồi bổ tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức. Tình trạng nhập khẩu, nhập siêu sản phẩm nghệ thuật nước ngoài vào Việt Nam còn vượt trội so với xuất khẩu hàng hóa nghệ thuật. Tình trạng phát triển sơ khai, vi phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến…
Như vậy, rõ ràng mặc dù có nhiều cố gắng và có nhiều thành tựu trong những năm qua, nhưng chúng ta chưa thể lạc quan về văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đó chính là sự xâm lăng văn hóa, sự nhập siêu văn hóa… Ở đó ảnh hưởng tiêu cực từ các bộ phim, các bài hát, lối sống và cả suy nghĩ ở nước ngoài… đang gặm nhấm, tàn phá tinh thần và tâm hồn của một bộ phận người Việt. “Thực tế hiện nay không ít người Việt chúng ta đang ở đây nhưng tâm hồn, tinh thần của chúng ta đã "vượt biên", đã bị thao túng bởi Facebook và Youtube, bởi Tiktok…”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định.
Trong thời gian qua, mặc dù chúng ta đã có những sản phẩm văn hóa khẳng định được thương hiệu Việt khi bước ra thế giới, nhiều nhất là ở lĩnh vực nghệ thuật. Thế nhưng chúng ta không thể nhìn vài ba bộ phim, vài ba sản phẩm âm nhạc hay hội họa… thành công mà có thể đánh giá cả nền văn học nghệ thuật nước nhà tươi sáng. Vì bên cạnh rất hiếm những tác phẩm thành công đó còn vô vàn những bộ phim đóng máy xong cũng cất kho luôn, không được khán giả đón nhận, lỗ ròng khi ra rạp. Hay "hằng hà sa số" những tác phẩm hội họa, âm nhạc… sáng tạo ra có khi chỉ là sự ngẫu hứng, không có ý nghĩa hoặc giá trị với mấy người. Khẳng định điều này, trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 29/10/2024, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Chúng ta không thể nhìn thấy 1-2 chương trình âm nhạc, vài ba nghệ sĩ sống xa hoa mà cho rằng cả nền nghệ thuật Việt Nam đang giàu có, vì còn hàng trăm chương trình, hàng ngàn nghệ sĩ đang trong hoàn cảnh khó khăn…”. Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới. Chính vì vậy hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn chúng ta rất cần “chấn dân khí” vì kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra là chúng ta “chấn dân khí”, xây dựng sức mạnh mềm bằng cách nào? Hy vọng Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa 2025-2035 sẽ trả lời được một phần cho câu hỏi lớn và khó này.
"Chấn dân khí" là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân.
Phát biểu trong phiên thảo luận sáng 26/10/2024, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã cho biết: VHTTDL là lĩnh vực liên quan đến nhiều Bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương nên chỉ một mình nỗ lực của ngành văn hoá là chưa đủ. Muốn hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL, cần phải có sự đồng hành của toàn xã hội để văn hoá thực sự phát triển, phát huy được vai trò, sức mạnh mềm trong sự phát triển chung của đất nước.
Với tư cách là cơ quan quản lý cao nhất về văn hóa, để tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện cho văn hóa phát triển, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, không chờ tới khi Quốc hội thông qua Chương trình mà ngay từ sau Đại hội XIII và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ngành Văn hóa đã tập trung vào những công việc chính như: Tiếp tục xây dựng và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho sự phát triển của văn hóa. Bộ đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan để sửa đổi về thể chế. Đặc biệt, Ngành đã tập trung sửa đổi và trình Quốc hội Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo và tiến tới xây dựng các luật về nghệ thuật biểu diễn, tài trợ và hiến tặng… Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tập trung cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để mang lại lợi thế cho các sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam, tác động lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác; tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế, khu vực và quốc gia để xây dựng thương hiệu cho các sự kiện, nghệ sĩ Việt Nam; Tập trung cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Ngoài ra, ngành sẽ tập trung không chỉ cho việc ghi danh các di sản văn hóa ở các cấp, từ UNESCO, quốc gia mà còn chú ý cả đến việc đầu tư gìn giữ và phát huy các biểu đạt đa dạng của các sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người, ở vùng sâu, vùng xa và khu vực khó khăn…
|
Là lĩnh vực đặc thù, cần phải có thời gian để thẩm thấu, vì thế việc tháo gỡ những điểm nghẽn khơi thông đưa dòng chảy văn hóa Việt thấm sâu vào đời sống mỗi người dân và vươn tầm thế giới không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Với chủ trương phân cấp, phân quyền “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã cùng với các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục nỗ lực, san sẻ khó khăn, cùng chung tay gánh vác “chấn dân khí” vì một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mang cốt cách, tâm hồn Việt tỏa sáng trên bản đồ thế giới.
P
hát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã yêu cầu “Dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm" ở mọi lĩnh vực. Soi chiếu vào lĩnh vực văn hóa, có thể nói, đây là chủ trương mới phần nào sẽ làm thay đổi và hạn chế cách quản lý quan liêu trước đây, thúc đẩy sự hồi sinh của sáng tạo và bản sắc văn hóa.
Từ nhiều năm nay, Bộ VHTTDL cũng đã chủ động khơi thông nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, tạo hành lang thông thoáng cho các nghệ sĩ sáng tạo, cho văn hóa phát triển. Bộ đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan để sửa đổi về thể chế như: Sửa đổi thông tư về chế độ, chính sách, thù lao cho các diễn viên hay cải thiện chế độ, chính sách cho các vận động viên…
|
Khi không còn rào cản của những lệnh cấm, nghệ thuật mới được tự do thể hiện những ý tưởng táo bạo, độc đáo.... |
Tuy nhiên, ở lĩnh vực văn hóa, nhất là văn học nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập toàn cầu và công nghệ số, việc nở rộ các tác phẩm trên không gian mạng đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Để hạn chế việc để lọt những tác phẩm chất lượng kém, những bộ phim có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống, thậm chí là những vấn đề nghiêm trọng khác như: Chủ quyền quốc gia..., để an toàn thì áp dụng tư duy “không quản được thì cấm"…
Một vấn đề nữa, mặc dù đã có cơ chế kiểm duyệt, tiền kiểm duyệt tác phẩm trước khi đến với công chúng nhưng thực tế thời gian qua tại sao vẫn còn để lọt những tác phẩm có nội dung phản cảm, không phù hợp phải đình chỉ, thu hồi hoặc cấm ra rạp…?
Trong bối cảnh các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là phim trên không gian mạng ngày càng phổ biến và có sức ảnh hưởng sâu rộng, những nội dung tiêu cực nếu không được kiểm soát có thể gây hại đến nhận thức và lối sống, đặc biệt đối với giới trẻ. Tiền kiểm được coi là một cách hữu hiệu để ngăn chặn sự lan truyền của những nội dung có thể đe dọa đến chủ quyền quốc gia hay kích động bạo lực, chia rẽ xã hội... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc tự do sáng tạo, “trăm hoa đua nở” các tác phẩm nghệ thuật trên không gian mạng nói riêng và đời sống nói chung.
Bàn về vấn đề này PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Trong xu hướng toàn cầu, việc cho phép nghệ sĩ và các nhà sáng tạo được tự do thể hiện ý tưởng của mình giúp thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo không giới hạn, từ đó có thể mang lại những giá trị mới mẻ và hấp dẫn cho nghệ thuật. Tự do sáng tạo sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều tài năng mới được thể hiện, và đây là yếu tố cốt lõi để nền nghệ thuật phát triển phong phú và bền vững…
Hiện nay, chúng ta cũng chưa đủ nguồn lực, cả con người, kỹ thuật, hạ tầng để thực hiện tốt được nhiệm vụ tiền kiểm, vì vậy mới có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Để hạn chế tối đa những sai sót về nội dung, chúng ta phải linh hoạt, kết hợp giữa tiền kiểm với cơ chế hậu kiểm để vừa đảm bảo một không gian sáng tạo phong phú, vừa bảo vệ cộng đồng khỏi những nội dung tiêu cực.
Để giảm tải áp lực cho người kiểm duyệt và tránh tình trạng “không quản được thì cấm” và việc kiểm soát trên không gian mạng không trở thành rào cản đối với sáng tạo, chúng ta cần phải xây dựng các tiêu chí đánh giá nội dung rõ ràng và minh bạch; phải xây dựng được hệ thống lọc và cảnh báo thông minh, chuẩn xác…
Khi không còn rào cản của những lệnh cấm, những người sáng tạo, từ nghệ sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn đến các nhà thiết kế và những tâm hồn nghệ thuật được tự do thể hiện những ý tưởng táo bạo, độc đáo của mình. Đây là cơ hội để văn hóa Việt Nam có thể tái hiện và phát triển theo cách phong phú nhất, rực rỡ nhất. Mỗi tác phẩm sẽ không còn bị che phủ bởi nỗi lo hạn chế mà thay vào đó là không gian để tỏa sáng và được đón nhận.
Với góc nhìn xuyên suốt từ nghệ thuật đến văn hóa và các lĩnh vực khác, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, với tư duy cởi mở, không còn bị bó hẹp, văn hóa Việt Nam sẽ được tiếp thêm sức sống để bay cao, bay xa hơn, hòa nhịp vào dòng chảy của thời đại mà không đánh mất mình. Đặc biệt, tư duy mới này còn mở ra cánh cửa cho các ngành công nghiệp văn hóa như: Điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn có cơ hội vươn mình mạnh mẽ hơn. Các lĩnh vực này sẽ không chỉ đóng góp cho nền kinh tế, mà còn là những sợi dây vô hình nhưng vô cùng bền chặt kết nối con người, khơi dậy niềm tự hào về văn hóa dân tộc trong mỗi người Việt.
Khi văn hóa Việt Nam được làm giàu bằng những sắc màu mới, chúng ta không chỉ giữ được cái hồn của văn hóa mà còn làm sống lại những giá trị đang dần phai nhạt theo năm tháng. Tư duy “không quản được thì cấm” được dỡ bỏ cũng là cách tôn vinh và bảo vệ sự đa dạng văn hóa của đất nước. Bằng cách này, tiếng nói của các nhóm xã hội khác nhau được lắng nghe, được trân trọng và phát huy, giúp nền văn hóa Việt Nam trở nên đầy màu sắc và gắn kết hơn. Một xã hội mà mỗi giá trị, mỗi sắc thái văn hóa đều được coi trọng sẽ là nền tảng cho tinh thần đại đoàn kết và phát triển bền vững - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Đối với công chúng hiện đại, việc thoát khỏi cách quản lý cấm đoán mang đến không gian văn hóa rộng mở hơn, phong phú hơn, đáp ứng đúng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao. Mọi người có thể tiếp cận các sản phẩm văn hóa đa dạng, từ đó nuôi dưỡng và làm giàu đời sống tinh thần, nâng cao nhận thức và sự tự hào dân tộc. Hơn hết, một nền văn hóa cởi mở sẽ đưa Việt Nam tiến gần hơn tới bạn bè quốc tế, thể hiện rằng chúng ta không chỉ hội nhập về kinh tế mà còn sẵn sàng chào đón những luồng gió mới trong văn hóa. Đây là điều kiện lý tưởng để Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới, mang đến niềm tự hào không chỉ cho hôm nay mà còn cho những thế hệ mai sau./.
Bài 1: Định vị “thương hiệu Việt”
Bài 2: Tạo sức bật đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Bài 3 Khơi thông điểm nghẽn , tăng sức mạnh mềm từ đầu tư
Bài 4: Kỳ vọng vào "con đường sáng"