left center right  

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC TRONG NHÂN DÂN

Hoà Phước là xã cửa ngõ phía Nam của TP Đà Nẵng. Từ Hoà Phước, nhiều địa bàn lân cận, giáp ranh của tỉnh Quảng Nam như: Điện Ngọc, Điện Thắng, Điện Hoà thuộc thị xã Điện Bàn muốn đưa hàng hoá hay giao thương với Đà Nẵng phải đi qua. Tuy nhiên, trên thực tế Hoà Phước vốn là một xã thuần nông, đời sống người dân còn không ít khó khăn.

Để giải bài toán phát triển kinh tế, từ nhiều năm về trước, sau khi tiếp thu Đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) do huyện và TP Đà Nẵng triển khai, Đảng bộ, chính quyền xã Hoà Phước xác định chỉ có xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại nền kinh tế mới đưa địa phương này bứt phá vươn lên.

Sau nhiều hội nghị bàn bạc tìm giải pháp, hướng đi phù hợp, giữa năm 2012, Đảng bộ xã Hoà Phước ban hành Nghị quyết chỉ đạo cả hệ thống chính trị và kêu gọi toàn dân chung tay xây dựng xã NTM. Từ Nghị quyết quan trọng này, các chi bộ của 10 thôn với 63 khu dân cư tiến hành rà soát thực trạng đời sống kinh tế, xã hội, đánh giá các tiềm lực, thế mạnh và những khó khăn, hạn chế cũng như nguyên nhân; trên cơ sở đó đăng ký xây dựng các mô hình điểm để tiến tới từng bước thực hiện các tiêu chí NTM.

left center right del
Nhiều công trình, dự án được xây dựng từ sự đóng góp của Nhân dân. 

Với lợi thế của xã cửa ngõ phía Nam nối TP Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam, có tuyến Quốc lộ 1A đi qua và nhiều tuyến đường vành đai phía Nam nối Hoà Phước, Hoà Vang với các phường, quận nội thành Đà Nẵng… đã tạo điều kiện giúp Hoà Phước phát triển kinh tế - xã hội.

Từ danh sách đăng ký của xã, qua nhiều lần thẩm định, Ban Chỉ đạo NTM huyện Hoà Vang và TP Đà Nẵng đã quyết định chọn thôn Trà Kiểm (xã Hoà Phước) là thôn điểm để phát động chương trình xây dựng NTM của huyện và TP. Ngay sau đó, thôn Trà Kiểm với sự hỗ trợ và vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến TP đã tiến hành triển khai, làm mới nhiều tuyến đường giao thông. Từ đó, mở ra nhiều hướng lưu thông kết nối giữa TP Đà Nẵng với Quảng Nam và giữa các xã trong nội bộ huyện và với các phường thuộc các quận nội thành Đà Nẵng với địa phương.

Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho xây dựng, mở rộng các tuyến giao thông này có hạn, nhất là giá đất và cây cối, tài sản của Nhân dân trên khu vực dự án đi qua khá cao; kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng lớn. Do đó, Ban Chỉ đạo NTM các cấp cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương sau nhiều phương án đưa ra họp để lấy ý kiến Nhân dân đã xác định: Phải huy động nguồn nội lực trong dân và xem đây là yếu tố hết sức quan trọng, quyết định thành công nhất cho mỗi công trình, dự án.

Với sự chi viện của cấp trên, Đảng bộ xã đã phối hợp thành lập nhiều đoàn công tác xuống cơ sở, tiếp cận từng hộ dân để tiến hành vận động, tuyên truyền, kêu gọi Nhân dân đồng thuận với chủ trương tiến hành các dự án, công trình đi qua. Trên cơ sở đó, phong trào thi đua làm dân vận và dân vận khéo tại xã Hoà Phước đã ra đời. Tuỳ từng trường hợp, mức độ ảnh hưởng và giá trị đền bù trong giải phóng mặt bằng mà có cách làm riêng. Kiên trì, thấu hiểu, phân tích có lý, có tình những lợi ích của các dự án, công trình để Nhân dân, nhất là các hộ có đất, công trình, nhà cửa, cây cối mà dự án, công trình đi qua phải giải toả, đền bù hiểu và thấy được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội.

"Từ sự kiên trì, thiết thực trong cách vận động, dần dần người dân đã hiểu, phối hợp, đồng hành để dự án thành công” - đồng chí Nguyễn Thanh Vi, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Hoà Phước cho biết. 

left center right del
Các khu dân cư tại Hoà Phước ra quân duy trì Ngày Chủ nhật xanh - sạch- đẹp.

ĐỔI THAY NẾP NGHĨ, CÁCH LÀM

Từ năm 2012 đến nay, các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần chuyển biến tích cực trong xây dựng NTM, làm thay đổi diện mạo nông thôn địa phương. Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện, phát triển theo hướng đô thị, đời sống người dân trên địa bàn được nâng cao.

Thống kê của UBND xã Hoà Phước cho thấy, trong các công trình, dự án được triển khai thời gian qua, có 07 tuyến đường giao thông xây mới và mở rộng kiệt hẻm đã được Nhân dân hiến gần 1.000m­­2 đất; nổi bật là hộ bà Lê Thị Hiên (thôn Trà Kiểm) hiến đến 680 m2. Cùng với đó, hàng chục hộ dân nơi có các công trình, dự án đi qua đều thống nhất hỗ trợ (tự nguyện hiến) 50% giá trị đất bồi thường; nhiều cây cối, tài sản khác đã tự tháo dỡ mà không nhận đền bù…

“Có rất nhiều hộ dân hiến đất, hiến tài sản, cây cối, hoa màu… để công trình được thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng" - đồng chí Nguyễn Thanh Vi nhấn mạnh.

Ngay sau thành công của một số công trình, dự án lớn, nhất là 07 tuyến đường mới và nâng cấp kiệt hẻm, xã, huyện và TP đã tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng cách làm, nhất là trong việc thí điểm chỉ đạo điểm xây dựng NTM cũng như trong công tác dân vận, vận động Nhân dân giải phóng bặt bằng, đền bù giải toả, ủng hộ, đóng góp ngày công, tiền của, tài sản để cùng địa phương xây dựng, hoàn thành các công trình, dự án theo hướng chuẩn NTM.

 
left center right del

Các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả tại Hoà Phước hiện nay.

Nhiều năm qua, những mô hình “Dân vận khéo” trong hội viên các đoàn thể phát triển khá mạnh, đồng đều cũng góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở Hoà Phước. Điển hình, Hội Nông dân đã vận động hội viên áp dụng mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Nổi bật là mô hình trồng 20 ha lúa hữu cơ (không dùng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu hoá học), cho năng suất bình quân hằng năm từ 78 tạ/ha đến trên 80 tạ/ha.

Trong khi đó, với Hội Cựu chiến binh, qua phong trào “Dân vận khéo”, nhiều hội viên đã áp dụng, phối hợp xây dựng các tổ hợp tác để phát triển kinh tế. Đặc biệt, quỹ “Nghĩa tình đồng đội” thu hút sự tích cực tham gia của hội viên, đóng góp xây dựng để có kinh phí hỗ trợ các cựu chiến binh phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn lúc ốm đau, bệnh tật, thăm viếng khi có hiếu hỉ.

Còn trong Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng có nhiều mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, giúp con em phụ nữ khó khăn đến trường và thế hệ trẻ ở địa phương khởi nghiệp, lập thân lập nghiệp…

 “Từ những mô hình, cách làm này đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây, thu nhập bình quân của người dân xã Hoà Phước tăng từ 16 triệu đồng/người/năm lên 67 triệu đồng/người/năm”- đồng chí Nguyễn Thanh Vi, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Hoà Phước thông tin.

left center right del
 

Công tác dân vận trên địa bàn xã Hoà Phước còn kêu gọi sự hỗ trợ, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân ngoài địa phương.

Kết quả nổi bật khác là thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong xã đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp hơn 2,3 tỷ đồng, xây mới 12 căn nhà cho người nghèo, sửa chữa 56 ngôi nhà “Đại đoàn kết” và 52 công trình vệ sinh. 

Cạnh đó, “Dân vận khéo” trong khuyến học, khuyến tài với mô hình “Hoà Phước yêu thương và ước mơ được Mặt trận và các đoàn thể của xã, các thôn trong xã triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo người dân và các tổ chức xã hội tham gia. Theo đó, mô hình này bình quân mỗi năm vận động được hơn 600 triệu đồng để trao học bổng và phát thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, hiếu học trên địa bàn.

Ngoài ra, mô hình “Dân vận khéo” mẹ đỡ đầu trong Hội Phụ nữ từ huyện đến xã, thôn cũng được triển khai đều khắp các địa bàn dân cư, các cơ quan, tổ chức, đơn vị; hằng năm vận động trung bình trên 80 triệu đồng để giúp đỡ 29 trẻ mồ côi trên địa bàn xã…

Không chỉ hỗ trợ, giúp nhau nâng cao kinh tế gia đình, từ phong trào “Dân vận khéo”, các cộng đồng dân cư tại Hoà Phước đã từng bước thay đổi nhiều tập tục, thói quen không tốt, không tích cực, lãng phí, tốn kém, nhất là trong tang ma, hiếu hỉ và các chi phí không cần thiết trong đời sống.

Điển hình, trong thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, nổi lên là mô hình “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 100% số thôn của xã đều đăng ký thi đua thực hiện mô hình này. Điểm đặc biệt của mô hình này là phong trào thực hiện văn hoá, văn minh trong việc tang với “4 không”: Không kèn nhạc, không rải vàng mã, không hạt dưa, không thuốc lá. Ngoài ra, tất cả các khu dân cư trên địa bàn đều duy trì “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, cùng ra quân làm và tham gia tự quản các tuyến đường xanh - sạch - đẹp; đăng ký và duy trì “Thôn không có tội phạm xã hội”, “Gia đình, tộc, họ không có con em vi phạm pháp luật”.

Qua cách làm của Hoà Phước cho thấy, nhiều chuyển biến tích cực về nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân. Nhờ làm tốt công tác dân vận, năm 2014 mục tiêu về đích xã NTM của Hoà Phước đã hoàn thành. Đến năm 2021, một lần nữa Hoà Phước nằm trong danh sách xã NTM nâng cao.

“Đây chính là nền tảng để trong thời gian tới tiếp tục nhân rộng công tác dân vận tại Hoà Phước nói riêng và huyện Hoà Vang nói chung. Qua đó, từng bước thay đổi, hình thành nếp nghĩ, cách làm, lối sống của những “con người đô thị” - một trong những yếu tố quyết định để Hoà Vang trở thành đô thị loại IV và sớm trở thành thị xã trong tương lai”- đồng chí Bùi Nam Dũng, Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch UBMTTQ huyện Hoà Vang chia sẻ./. 

Bài 1: Phát huy lợi thế, song hành hai mục tiêu

Đình Tăng - Nguyễn Tuyên
23/08/2024 16:01