leftcenterrightdel
 

Bài 1: Sứ mệnh quốc tế từ nhiệm vụ y tế, củng cố thêm tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt

Những ngày tháng 5 nắng lửa, vượt qua hàng trăm km đường bộ từ cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), đoàn chuyên gia y tế Việt Nam với 18 thành viên đã có những ngày tháng liên tục, không ngừng nghỉ hỗ trợ cứu trợ nước bạn Lào trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 14 ngày làm việc không mệt mỏi, dừng chân tại 3 địa phương có điểm nóng về dịch là Champasak, Savannakhet và thủ đô Vientiane, 18 cán bộ y tế, bác sỹ, điều dưỡng viên từ các bệnh viện hàng đầu của Việt Nam đã có một hành trình cứu trợ với sứ mệnh đối ngoại quốc tế đầy ấn tượng và đáng nhớ trên đất nước Triệu Voi, xứ sở của hoa Chăm-pa và vùng đất của điệu múa Lăm-Vông ngọt ngào, dễ thương, dễ nhớ.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thủy chung, gắn bó lâu đời, nhất là những khi khó khăn, gian khổ. Không chỉ có sự gần gũi láng giềng, núi sông liền một dải mà trong suốt chiều dài lịch sử, hai dân tộc còn cùng chung sự hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập dân tộc và ngày nay lại chung chí hướng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là một mối quan hệ có truyền thống đoàn kết đặc biệt, mẫu mực, thủy chung trong sáng, hiếm có và hợp tác toàn diện, được bồi đắp với việc trải qua tử thách bằng xương máu, thời gian. Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói: "Việt - Lào, hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long" và cố Thủ tướng Lào Kaysone Phomvihane cũng từng nhấn mạnh: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.

leftcenterrightdel
 Đoàn cán bộ y tế hai nước Việt - Lào trong buổi làm việc đầu tiên tại nước bạn 

Giúp bạn, giúp mình, bảo đảm an toàn khi dịch bệnh bùng phát trở lại

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế – Trưởng đoàn công tác chia sẻ, ngay sau khi nhận nhiệm vụ tham gia Đoàn công tác và đặc biệt với cương vị là Trưởng đoàn, cá nhân tôi có nhiều cảm xúc đan xen, lẫn lộn, vừa vinh dự, tự hào vừa lo lắng, bối rối. Tuy nhiên, trên hết thảy, đó là sự quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ đối ngoại cao cả này khi được cấp trên tin tưởng, giao phó.

Có Quyết định phân công nhiệm vụ, với tư cách Trưởng đoàn, TS.BS Vương Ánh Dương đã ngay lập tức và rất nhanh chóng tập hợp các thành viên càng sớm càng tốt để cùng nhau trao đổi, thảo luận, xác định nhiệm vụ chính và mục tiêu dự kiến đạt được trong chuyến công tác này. “Do thời gian gấp, cộng với bối cảnh phức tạp khi trong nước cũng đang bùng phát dịch lần thứ tư từ ngày 28/4, mới đầu, chúng tôi chỉ tập hợp được 2/3 số thành viên của Đoàn. Chúng tôi cảm thấy rất tự tin khi nhận được sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục của Bộ trưởng, GS.TS Nguyễn Thanh Long; Thứ trưởng, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn và PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cấp trên trực tiếp của tôi”- TS.BS Dương nói.

Những ngày đầu, khi đi đường bộ qua biên giới sang Lào, vượt qua hàng trăm km đường rừng, đường bộ để đến điểm cứu trợ bạn Lào đề nghị giúp đỡ, Đoàn không ngừng băn khoăn, lo lắng và bao nhiêu câu hỏi liên tục xuất hiện. Ví như: “Liệu những kinh nghiệm của Việt Nam sẽ được nước bạn Lào đón nhận như thế nào khi đồng thời tại thời điểm này, phía bạn cũng đã và đang nhận sự hỗ trợ trực tiếp của một số Đoàn chuyên gia của Tổ chức quốc tế và các nước khác trong khu vực có trình độ y tế cao hơn?”; Hay “Làm sao để phát huy tối đa sức mạnh của mỗi thành viên trong đoàn, phát huy được tinh thần làm việc tập thể khi các thành viên có thể cùng một lĩnh vực nhưng lại ở các đơn vị khác nhau, các vùng miền khác nhau, còn chưa kịp làm quen nhau khi tập trung gấp và lên đường thực hiện nhiệm vụ ngay?”; Rồi “Xử lý thế nào với các khác biệt về tổ chức hệ thống ngành y tế giữa hai bên, văn hoá, ngôn ngữ và phong cách làm việc?”.

Quan trọng và cao hơn hết thảy, đó là phải đảm bảo phương châm “Cứu trợ bạn nhưng vẫn phải đảm bảo đoàn công tác an toàn, đủ sức khỏe, không ai bị nhiễm SARS-CoV-2 trước cũng như trong suốt quá trình làm việc tại nước bạn”.

leftcenterrightdel
Gặp gỡ cán bộ y tế Việt - Lào trao đổi về chương trình, kế hoạch hành động 

Cơ hội song hành cùng thử thách

Khởi hành từ ngày 10/5, về nước từ ngày 24/5, giờ, các thành viên trong Đoàn đang ở khu cách ly tập trung Mitraco tại Hà Tĩnh, nhớ lại hành trình đặc biệt ấn tượng đó khi trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, các thành viên trong Đoàn công tác vui mừng tâm sự rằng: “chúng tôi có thể yên tâm và tự hào vì những hoạt động công tác và kết quả đạt được bởi Đoàn đã trải qua tất cả những điểm nguy cơ cao của tâm dịch tại nước bạn như cộng đồng có tỷ lệ mắc cao nhất, bệnh viện dã chiến nơi thu dung điều trị ca bệnh dương tính, và đặc biệt là làm việc tại nhiều bệnh viện khác nhau, thậm chí có nơi có rất nhiều bệnh nhân nặng có thể có triệu chứng liên quan đến COVID-19 mà chưa được sàng lọc một cách kỹ lưỡng, các thành viên trong Đoàn không thể mặc đồ phòng hộ cá nhân ngoài khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay…nhưng sau khi được xét nghiệm 2 lần, tất cả các thành viên đã thở phào nhẹ nhõm khi nhận được kết quả đều âm tính”.

BS Nguyễn Xuân Nhật Duy, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Chợ Rẫy – một bác sỹ còn rất trẻ, ở tuổi 27 và lần đầu tiên tham gia hoạt động cứu trợ quốc tế lần này bày tỏ ấn tượng trước tinh thần cầu thị và thái độ ham học hỏi của các bác sỹ bạn Lào từ các bệnh viện cùng các cán bộ y tế tỉnh, Trung ương. Với chuyên môn về kiểm soát nhiểm khuẩn, ngăn chặn lây nhiễm chéo, không để COVID-19 lây lan rộng – lĩnh vực mà bạn chưa có kinh nghiệm nhiều, bằng kinh nghiệm đã đi chống dịch trong nước tại Kiên Giang và Vũng Tàu ở Việt Nam trước đó, BS Duy đã trao đổi cách thức triển khai, sắp xếp trong phòng chống ngăn ngừa lây nhiễm chéo.

‘’Khi em trao đổi với bạn về cách thức tiến hành là vào buổi sáng, mà bất ngờ là đến buổi chiều, bạn đã tiến hành thay đổi luôn và gần như thay đổi hoàn toàn các hoạt động trước đó bạn đang tiến hành. Bạn đã thay đổi ngay lập tức mà không chút hoài nghi, thắc mắc. Điều này làm em cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì ý kiến của mình, đề xuất của mình được ghi nhận, tin tưởng thực hiện theo ngay và luôn”.

BS Duy phấn khởi khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam qua điện thoại.

leftcenterrightdel
Đoàn công tác làm việc tại Trung tâm cách ly tập trung KM21, Lào .

Thần tốc, sâu sát, kịp thời hỗ trợ bạn cơ bản kiểm soát dịch

Chỉ trong thời gian rất ngắn, mỗi tỉnh từ 2-3 ngày làm việc trực tiếp tại thực địa, Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã tận dụng tối đa thời gian, phân chia đoàn hợp lý, thậm chí tận dụng cả những thời gian ngoài giờ hành chính, cuối tuần để đi được thêm những cơ sở mà Đoàn cho là cần thiết để tham mưu cho phía bạn và cũng tranh thủ, tận dụng thời gian tối đa để có thể tổ chức các buổi hội nghị tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong công tác dịch tễ, xét nghiệm, vệ sinh môi trường và công tác chẩn đoán, điều trị, hồi sức cấp cứu ca bệnh COVID-19. Cụ thể, tại mỗi tỉnh, Đoàn đều đã làm việc tại các làng/ xã có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao; Trung tâm cách ly tập trung; Đơn vị xét nghiệm; Bệnh viện dã chiến; Bệnh viện điều trị ca bệnh nhẹ; bệnh viện điều trị ca bệnh nặng; bệnh viện đa khoa tỉnh; trạm y tế xã và quầy thuốc. Trong quá trình khảo sát thực tế và làm việc với địa phương, tại tất cả các đơn vị, Đoàn công tác đều đã cố gắng tìm ra được những điểm mạnh đang triển khai, những điểm chưa phù hợp để đưa ra khuyến nghị, để xuất. Đơn cử như: tại tất cả các bệnh viện, Đoàn đều đưa ra được một danh mục những điểm cần cải thiện tại các khoa phòng, đồng thời cũng phác thảo lên một khung sơ đồ bố trí lối đi, phân luồng, cách ly, lên danh mục thuốc, trang thiết bị hay kỹ thuật chuyên môn mà mỗi bệnh viện cần củng cố để đảm đương nhiệm vụ được giao điều trị ca bệnh nhẹ, hay ca bệnh nặng, hay cấp cứu ngoại khoa, sản khoa cho người cách ly/ ca bệnh dương tính...  Đoàn cũng tranh thủ thời gian để cùng xem xét, rà soát hồ sơ bệnh án của bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện, đưa ra các khuyến nghị lâm sàng và phác đồ điều trị với bạn nếu gặp các trường hợp tương tự.

Thậm chí, có tỉnh, khi khảo sát và làm việc tại hầu hết những cơ sở bạn dự kiến, Đoàn chưa tìm ra được cơ sở nào là phù hợp và khi đó, Đoàn đã phải chủ động đề xuất đi tiếp các cơ sở khác. May mắn và thuận lợi vô cùng là bạn đã rất hợp tác, đáp ứng và kết quả là đã tìm ra được những cơ sở rất phù hợp để có thể chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên để điều trị ca bệnh COVID-19 dương tính nặng cho địa phương của bạn như: Bệnh viện OuthoumPhone của tỉnh Savannakhet. Đoàn cũng tham mưu cho Bộ Y tế để tìm ra được những cơ sở khám chữa bệnh có thể cải thiện, tăng cường để trở thành những đơn vị ICU hiện đại, thực hiện kỹ thuật cao trong điều trị ca bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch.

Đồng thời, nêu, phân tích và chỉ ra các khác biệt trong việc triển khai thực hiện biện pháp phòng chống dịch giữa các cơ sở y tế, giữa các tỉnh và kiến nghị trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành mang tính hệ thống của Bộ Y tế. “Đáng mừng là với những đề xuất có tính chủ động này của Đoàn, chúng tôi cũng đã cùng bạn bố trí được thời gian làm việc với cơ quan quản lý như CDC của Bộ Y tế; Cục Quản lý Điều trị, Bộ Y tế để trao đổi và đề xuất nhằm bổ sung một số hướng dẫn hay quy định về chuyên môn”. TS.BS Vương Ánh Dương tâm sự.

leftcenterrightdel
 Đoàn làm việc và trực tiếp tham gia xử lý một ca COVID đặc biệt tại Bệnh viện Pholtong, Champasak, Lào

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

Ths.BS Nguyễn Công Khanh, Phó Trưởng đoàn công tác đã bày tỏ ấn tượng và cảm nhận sâu sắc rằng nhân dân Lào sẽ nhanh chóng kiểm soát cũng như khống chế được dịch COVID-19: “Đầu tiên khi đặt chân đến nước bạn Lào, cảm giác trong tôi đây là một đất nước yên bình và thân thiện. Người dân hoàn toàn tuân thủ các quy định của quốc gia về quy định giãn cách xã hội. Từ cửa khẩu Cầu Treo, Việt Nam – Nam Phao, Lào chúng tôi có hành trình đi đến 3 tỉnh Champasak, Savannnakhet và Vientiane. Trên đường có rất ít xe và người đi lại. Tất cả đều tuân thủ quy định và xuất trình giấy tờ khi đi qua các trạm kiểm soát.Ngày cũng như đêm tất cả các lực lượng bao gồm chính quyền, công an, quân đội và lực lực lượng y tế túc trực tại các điểm chốt giữa các khu vực để kiểm soát dịch bệnh. Tất cả các cửa hàng, dịch vụ đều đóng cửa trừ một số cửa hàng thiết yếu phục vụ người mua với yêu cầu giãn cách nghiêm ngặt.Ngay khi đó tôi tin rằng với cộng đồng mà người dân tuân thủ nghiêm túc và sự tham gia mạnh mẽ của chính quyền và y tế như vây, Lào sẽ kiểm soát được dịch bệnh COVID-19”.

Trong khi đó, Ths. Kỹ sư Hoàng Quốc Việt, Bệnh viện Bạch Mai thì chia sẻ rằng “Được thăm và tiếp xúc với những đồng nghiệp làm trong cùng lĩnh vực về trang thiết bị Y tế ở các Bệnh viện và cơ sở Y tế trên nước bạn Lào, tôi rất vui, khi mình mang chính những kiến thức, những công việc thường ngày của mình tại Bệnh viện Bạch Mai sang chia sẻ với các đồng nghiệp tại Phòng hành chính quản trị - vật tư trang thiết bị y tế về việc bảo trì, bảo dưỡng hay việc quản lý thiết bị trước và sau khi sử dụng được bảo quản như thế nào. Ví dụ: tại khoa ICU các máy Monitor có thể để lại các đầu giường khi không có bệnh nhân cấp cứu, nhưng vẫn phải đảm bảo công tác kiểm tra, bảo dưỡng – bảo trì và thay thế các vật tư tiêu hao theo máy định kỳ giúp cho máy hoạt động ổn định.

Các thiết bị Y tế khác phục vụ trong công tác theo dõi và hỗ trợ điều trị người bệnh như máy chụp XQ tại giường, máy Siêu âm, máy thở, máy phá rung tim, máy ép tim, máy hút, máy truyền dịch, bơm tiêm điện cần phải được kiểm tra, khử khuẩn và bảo quản tập trung trong phòng riêng có bố trí đèn UV, máy hút ẩm, điều hoà nhiệt độ... khi nào cần sử dụng cho bệnh nhân mới đưa ra để tránh những mầm bệnh dễ lây nhiễm có thể bám trong máy; ngoài ra để đảm bảo sự hoạt động an toàn và hiệu quả các máy móc, thiết bị này cần phải được bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên theo đúng quy trình bởi các kỹ sư có trình độ và đủ thẩm quyền. Qua chia sẻ của tôi, các đồng nghiệp của Lào đã rất tâm đắc với những chia sẻ trên của tôi và chỉ mong sớm kiểm soát được bệnh dịch để có thể cử các ekip sang thăm quan và học tập tại Bệnh viện Bạch Mai”.

leftcenterrightdel
 Khảo sát vật tư, trang thiết bị y tế và các cơ sở khám bệnh, cách ly tập trung của bạn

ThS. BS NguyễnTú Anh, khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai – cũng là thành viên trẻ tuổi của Đoàn, 27 tuổi và mới tốt nghiệp 3 năm Bác sỹ nội trú chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Đây cũng là lần đầu tiên được tham gia chống dịch mà lại là nhiệm vụ quốc tế, do đó, khi nhận quyết định phân công nhiệm vụ tham gia Đoàn, cá nhân Nguyễn Tú Anh khá lo lắng. Trao đổi với chúng tôi, Tú Anh khiêm tốn nhận mình đã rất may mắn hoàn thành nhiệm vụ vì đã nhận được các chỉ bảo tận tình của các thầy, sự hướng dẫn tích cực của các đồng nghiệp đi trước ở khoa Hồi sức với kinh nghiệm 4 lần chống dịch ở Việt Nam và từng xây dựng bệnh viện dã chiến cộng với sự động viên, giúp đỡ của Trưởng đoàn và các bác sỹ là thành viên trong Đoàn.

TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Trưởng đoàn công tác chia sẻ: thời gian gấp gáp, bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều thành viên lần đầu tiên tham gia nhiệm vụ quốc tế, bản thân Trưởng đoàn cũng lần đầu tiên được phân công trọng trách này, do đó, có rất nhiều cảm xúc khác nhau khi nhận Quyết định phân công nhiệm vụ. Tuy nhiên, vượt lên trên hết, xác định với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cá nhân tôi cũng như toàn Đoàn đặt mục tiêu làm tốt nhiệm vụ cứu trợ, góp phần củng cố và siết chặt hơn tình hữu nghị bền chặt Việt – Lào đã tồn tại suốt những năm tháng Trung ương xuống địa phương nhưng sau do phương án đi đường bộ, gần các tỉnh hơn nên chuyển lịch trình để đoàn  làm việc trước với các tỉnh. Từ thực tiễn đó, Đoàn khá thuận lợi trong tiếp cận thông tin và kịp thời đề xuất phù hợp. Thêm vào đó, Đoàn cũng khá quyết đoán khi xem xét thấy danh mục bạn cung cấp chưa đủ tính chất tổng quát đã đề nghị bạn sắp xếp bổ sung, thậm chí thay đổi lịch gặp gỡ, kháo sát và kiểm tra trong thực tiễn thêm một số cơ sở phát sinh để kiến nghị đúng và trúng với năng lực phòng chống dịch của các cơ sở Đoàn làm việc.

 “Lần đầu tiên làm nhiệm vụ quốc tế - lần đầu tiên đảm nhận vai trò Trưởng đoàn công tác, đây là vinh dự, là trọng trách lớn mà chưa bao giờ mình đảm đương kể từ khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo Cục. So sánh với cảm giác lần đầu tiên đỗ Đại học Y (1987), lần đầu tiên tìm ra hướng nghiên cứu sinh tại Đức sau gần 6 tháng xác định và được giáo sư chấp nhận (2007), thì cũng vẫn chung cảm xúc lẫn lộn nhưng cũng có khác biệt, đó là với các sự kiện kia, bản thân mình kiểm soát và chủ động vì nó nằm trong năng lực, phạm vi cá nhân, mình quyết tâm là được. Còn với nhiệm vụ Trưởng đoàn công tác lần này, ngoài quyết tâm của chính cá nhân thì tính khách quan lớn hơn nhiều, nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong thực tế hoạt động công tác… Cứ tưởng tượng với 18 thành viên ở tất cả các lĩnh vực khác, không phải lĩnh vực nào Trưởng đoàn cũng biết và đặc biệt họ ở các đơn vị khác nhau, thậm chí không biết nhau, tập trung trên một chuyến xe đi hàng trăm km, chưa kịp thích ứng, xuống đến nơi thì bắt tay vào làm việc ngay. Có người có kinh nghiệm, có người trẻ… Tuy nhiên, may mắn và cũng vui mừng cho Đoàn lần này là năng lực của các thành viên rất tốt và rộng, họ đều phát huy được hết trong quá trình làm việc, phối hợp linh hoạt, nhịp nhàng và hầu như không xảy ra vướng mắc gì…”. TS.BS Vương Ánh Dương, Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Trưởng đoàn tâm sự.

leftcenterrightdel
 Đoàn nhận khen thưởng của nước bạn do Phó Thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoune trao tặng

Thực hiện Quyết định 2321/QĐ-BYT ngày 9/05/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc cử công chức, viên chức đi công tác nước ngoài, với nhiệm vụ được giao “hỗ trợ Lào trong công tác xây dựng bệnh viện dã chiến, công tác điều trị, công tác xét nghiệm, truy vết nhằm giúp nước Bạn ứng phó với dịch COVID-19”, đoàn công tác gồm 18 thành viên là các chuyên gia về bác sĩ hồi sức tích cực, điều dưỡng hồi sức, bác sĩ tim mạch, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, bác sĩ dịch tễ, xét nghiệm và vệ sinh môi trường từ 8 đơn vị thuộc tuyến Trung ương của Bộ Y tế như: BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế.

 >>> Bài 2: Thúc đẩy quan hệ Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững
Nội dung: Việt Hà
Thiết kế: Thế Dương
06/06/2021 14:38